Con đường trước nhà…

Con đường trước nhà…

(ĐTCK) Người ta mua nhà vì nhiều lý do nhưng có khi chỉ vì con đường ở phía trước. Giá cả căn nhà vì thế mà khác nhau và số phận căn nhà cũng vô cùng khác nhau.

1 Một kiến trúc sư kể, mỗi lần anh có dịp di chuyển bằng máy bay, khi quay trở lại Sài Gòn, bao giờ anh cũng xin ngồi cạnh cửa sổ để ngắm những mái nhà lô xô ở bên dưới.

Ngắm xong mà buồn! Không cần đi quá xa châu Âu hay châu Mỹ, chỉ từ Malaysia hay Singapore rất gần Việt Nam thôi, cũng thấy sự cách biệt rồi. Những đô thị được quy hoạch kỹ lưỡng, sự chỉnh trang của bộ mặt thành phố khác rất xa những căn nhà xây tự do ở Sài Gòn, và tất nhiên là ở các tỉnh thành khác tại Việt Nam.

Mới đây, có một ý kiến đăng trên truyền thông cho rằng, chính việc cứ cho xây ở những nơi không được xây, sau đó dần dần theo thời gian cũng hợp thức được giấy tờ là một cách hay bởi không tạo ra các khu nhà ổ chuột.

Ở Hồng Kông, do đất chật người đông, nhà ổ chuột nằm trên cùng của các khu chung cư lâu đời và cũ kỹ. Người ta thậm chí vá tạm lên 1 cái chòi mà người ở bên trong không thể nằm ngủ duỗi chân ra được.

Sài Gòn cũng có các khu nhà ổ chuột sống bên cạnh những kênh nước đen. Giờ, các kênh nước đen đang dần dần được cải tạo, việc giải phóng khu nhà ổ chuột và di chuyển người dân đến nơi khác tất nhiên phức tạp và nhiêu khê vô cùng.

Nơi ở kéo theo vô vàn những chuyện sinh sống và nhu cầu xã hội. Từ việc một đứa nhỏ sinh ra đời, giấy khai sinh, xin vào trường học tới việc người già chết cần giấy khai tử và nơi chôn cất. Nhìn một lát cắt của cuộc sống thì không thể hình dung các chuyện phong phú khác.

Khi những con đường phía trước nhà được mở rộng và khai thoáng, ngay lập tức giá căn nhà mặt lộ tăng giá vù vù. Nhưng vì việc con đường cứ vô tâm chạy ngang qua mà không biết đến bao căn nhà “suy nghĩ” gì, nên nhà siêu mỏng và siêu méo cứ tha hồ phát triển.

Một căn nhà trên đại lộ Phạm Văn Đồng mới cất gần đây, chỉ chừng 1m chiều dọc mà “lên” được đến 3 tầng lầu. Nhìn từ xa, cảm giác như một lưỡi dao lam mỏng dính đặt giữa đường phố.

Không ai yêu được nó, hẳn vậy, ngay cả chủ nhân sống trong đó. Vì sống vậy cũng chẳng sung sướng gì. Nhưng người ta không thể làm gì hơn. Và lạ rằng, sao ở giữa thành phố phồn hoa thế này, mà những căn nhà siêu mỏng vẫn được cấp phép để xây?

Phải chăng để giảm bớt những căn nhà ổ chuột? Ở góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng, nhà siêu mỏng hay siêu méo cũng chỉ là biến tướng của nhà ổ chuột thôi. “Ổ chuột” trong cả suy nghĩ của con người. Điều đó thật nguy hiểm. Thương thế hệ sau này, không biết con cháu sẽ xoay xở ra sao khi nhìn các căn nhà cũ, hoặc có khi thành cổ, như vậy. 

2 Một cô bạn tôi vừa mua miếng đất rất lớn ở khu vực Bình Tân. Cô mua sát phía dòng kênh hiện đang hoang hóa, thưa thớt người sinh sống và xây gần 100 căn nhà trọ.

Chỉ vào con đường gập ghềnh đất đá phía trước nhà, cô hy vọng khoảng vài năm sau, dự án Tân Hóa - Lò Gốm chạy tới đây, và đường phía trước nhà cũng như dòng kênh sẽ đẹp như mơ.

Chắc chắn niềm hy vọng của cô sẽ thành hiện thực, và tôi rất thích những người đi trước khai hóa các vùng đất mới như vậy. Nhưng thực lòng, có thể là 3 năm, có thể là 5 năm nhưng cũng có khi 10 năm hoặc lâu hơn nữa, để sự sạch sẽ đến với chúng ta, từ trong tiềm thức. Con đường phía trước nhà thay đổi, cuộc sống của mọi người thay đổi. Chờ đợi được thì thành công.

Nhắc đến con đường phía trước nhà, tôi nhớ lại lần đi hòa giải cuộc khẩu chiến của người quen với hàng xóm của chị. Vì con đường được mở rộng, mà căn nhà hàng xóm bị thu hẹp lại chút xíu, nên chị muốn đàm phán để mua. Nhưng ở địa thế mặt tiền, nên giá mà người hàng xóm đưa ra quá cao, khó có thể mua lại nổi.

Việc không thành, người hàng xóm chạy chọt giấy phép thế nào đó để xây lên thành các kiotsque cho thuê. Những “căn phòng” này được xây kiên cố, có tầng lầu đàng hoàng, nhưng về thẩm mỹ đô thị thì không chấp nhận được. Và họ tức nhau sao đó, chuyện nhỏ nhặt gì đó, mà có lần không kiềm lại được, chửi bới nhau náo loạn cả khu phố.

Anh Cao Đông, chủ nhãn hàng trang trí nội thất cao cấp tại Sài Gòn nhận định, khoảng vài năm nữa, người ta không còn mê mặt tiền nữa. Việc buôn bán sẽ vào hết các khu trung tâm thương mại. Nhưng tôi nghĩ, văn hóa chợ ngay dưới đường chắc vẫn tồn tại lâu lắm, nếu như đa số chúng ta vẫn chạy xe gắn máy nhong nhong hàng ngày, thay vì đi xe bus, tàu điện ngầm, xe lửa trên cao và xe hơi cá nhân!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan