Phí kho vận đắt đỏ là một trong những vấn đề được kêu gọi cải cách trong nhiều năm qua tại Việt Nam. Trong ảnh: Xe chở hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Đ.T

Phí kho vận đắt đỏ là một trong những vấn đề được kêu gọi cải cách trong nhiều năm qua tại Việt Nam. Trong ảnh: Xe chở hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Đ.T

Con đường tái thiết nền kinh tế sau đại dịch - Bài 5: Đối mặt đại suy thoái bằng đại cải cách

Việc tìm mọi cách để “kiếm tiền” giúp chi tiêu ngân sách, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chỉ như một “máy thở” giúp duy trì sự sống của nền kinh tế trong quá trình chống dịch. Sau đại dịch, Chính phủ không thể cứ tiếp tục bơm tiền không giới hạn để hỗ trợ doanh nghiệp mãi. Để đối mặt với những khó khăn sắp đến, cải cách nền kinh tế vẫn là cách trị tận gốc.

LTS: Đại dịch Covid-19 như cơn “sóng thần” ập đến, tàn phá hầu hết các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Di chứng của đại dịch là nặng nề và lâu dài. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch bệnh, thì vấn đề trọng tâm lúc này là Việt Nam - một quốc gia có độ mở kinh tế cao, cần làm gì để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.

Bài 5: Đối mặt đại suy thoái bằng đại cải cách

Việc tìm mọi cách để “kiếm tiền” giúp chi tiêu ngân sách, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chỉ như một “máy thở” giúp duy trì sự sống của nền kinh tế trong quá trình chống dịch. Sau đại dịch, Chính phủ không thể cứ tiếp tục bơm tiền không giới hạn để hỗ trợ doanh nghiệp mãi. Để đối mặt với những khó khăn sắp đến, cải cách nền kinh tế vẫn là cách trị tận gốc.

Từ đại phong tỏa đến kỷ nguyên chuyển đổi số

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo ngày 14/4 đã dùng từ đại phong tỏa (Great Lockdown) để nói về một cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời kỳ đại suy trầm (Depression) 1929-1933. Cuộc suy thoái lần này chẳng những để lại nhiều tổn thất về phá sản, nợ công và việc làm, mà còn sẽ làm thay đổi vĩnh viễn nhiều thói quen tiêu dùng và cách mà các nền kinh tế vận hành.

Những nền kinh tế dựa vào tăng giá bất động sản và dựa vào lao động giá rẻ đang đứng trước nguy cơ khi mà tiến trình số hóa và tự động hóa được thúc đẩy nhanh hơn. Một cuộc đại thất nghiệp theo sau dịch bệnh là dự báo của bạn tôi, người đang là kinh tế gia của một tổ chức quốc tế lớn. Bạn nói, Covid-19 thúc đẩy tiến trình số hóa, làm việc tại nhà và nhất là ứng dụng robot. Nhiều công ty lớn trì hoãn những dự án robot hóa như siêu thị, tổng đài cuộc gọi đang đẩy nhanh ứng dụng nó.

Ở một khía cạnh khác, một làn sóng đầu tư vào các công ty start-up trong lĩnh vực tài chính công nghệ (fintech) và sinh học công nghệ (biotech) hay y tế công nghệ (medtech) sẽ trở thành xu thế lớn. Điển hình là, Facebook tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực fintech tại Ấn Độ, với thương vụ mua 10% Jio giá 5,7 tỷ USD, ứng dụng được cho là có 388 triệu người sử dụng. Đây được xem là bước đi quan trọng để Facebook tiếp tục tham vọng với mục tiêu phát triển thị trường cung cấp các dịch vụ tài chính qua điện thoại di động ở Ấn Độ.

Trong khi đó, khi Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) công bố sẽ phát hành 5 giấy phép ngân hàng số cho các công ty không hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, đã có tới 21 đơn đăng ký. Nhiều công ty tư vấn quốc tế đang bắt đầu tranh luận rằng, liệu cuộc đại phong tỏa có đẩy nhanh tiến trình của kỷ nguyên chuyển đổi số (Age of Digital Transformation).

Điều này có ý nghĩa gì với nền kinh tế?

Sẽ ngày càng có nhiều công việc gặp mặt trực tiếp được thay bằng hoạt động giao dịch qua điện thoại và các nền tảng dựa trên Internet khác. Người ta có thể không cần phải bay đi gặp mặt trực tiếp nữa. Thương mại điện tử, thanh toán qua di động ở Trung Quốc sẽ bước vào một giai đoạn “chiến quốc” như hình dung của bạn tôi.

Tiền tiếp tục được “đốt” khủng khiếp vào những lĩnh vực này, trong khi những lĩnh vực truyền thống như dầu khí, hàng không sẽ mất dần hào quang. Các ngành này không chết đi, nhưng sẽ không còn là “những con ngỗng đẻ trứng vàng” nữa, mà đi vào thời kỳ cắt giảm chi phí và loay hoay tìm con đường phát triển mới. Điều đó đặt những nền kinh tế mà doanh thu lớn phụ thuộc vào dầu mỏ phải lo lắng.

Yếu tố thứ hai trong xu hướng này là đẩy nhanh áp dụng công nghệ robot. Nhu cầu giãn cách xã hội có thể trở thành một chuẩn “bình thường mới” để chống lại các đại dịch trong tương lai và người ta nhìn thấy khả năng cứ vài năm lại có một đại dịch và một lượng lớn lao động phải giãn cách xã hội. Robot có thể là một giải pháp dài hạn.

Trước đây, nhiều đơn vị hành chính của nước Anh phản đối xây những kho chứa hàng vận hành hoàn toàn bằng robot, vì họ lo ngại nhiều việc làm địa phương sẽ bị tổn thất. Nay người ta đang xét lại vấn đề này, vì đây có thể là một giải pháp dài hạn để đối mặt với một đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai và khiến cộng đồng lao động không thể làm việc một cách bình thường, dẫn đến gián đoạn chuỗi sản xuất. Các siêu thị tự phục vụ mà không cần người tính tiền đang là một xu hướng mới.

Cuối cùng, một xu thế được đề cập khá nhiều gần đây chính là đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Nhiều tờ báo kinh tế lớn, từ Economist, Wall Street Journal hay Financial Times, đều đăng những bài phân tích dài về cái giá quá lớn của việc phụ thuộc vào Trung Quốc như là công xưởng chính của thế giới. Điều này được nhiều chuyên gia đánh giá là có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ ở mặt tiềm năng.

Cái khó của Việt Nam là chi phí kinh doanh vẫn không thể cạnh tranh được với Trung Quốc hay các đối thủ khác. Đây chính là một trở ngại lớn và Covid-19 có thể là một cơ hội để thúc đẩy nhanh cải cách kinh tế, khiến nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn.

Cải cách để tăng năng lực cạnh tranh

Cách đây hơn một năm, khi nói chuyện về chủ đề bán hàng xuất khẩu, một người bạn của tôi ở Việt Nam cho biết, chi phí đường bộ vận chuyển hàng từ miền Trung về TP.HCM còn cao hơn chi phí xuất khẩu đi nước ngoài. Phí kho vận (logistic) của Việt Nam thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới, chưa kể những bất cập về hải quan luôn là điều mà báo chí phản ánh nhiều năm nay.

Nếu Covid-19 là một đại dịch mới đây, thì câu chuyện chi phí cao này là câu chuyện tôi nghe được khi mới là một sinh viên đại học năm 2000 từ những đại diện của hãng tàu Maersk. Họ nói về tiềm năng của Việt Nam vì chúng ta có chi phí quá cao, có thể giảm đi nhiều sau khi mở cửa và ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ. Đúng 20 năm sau, tôi nghe lại câu chuyện chi phí của chúng ta quá cao so với mặt bằng chung của thế giới. Vì sao suốt 20 năm qua, chúng ta vẫn mãi tụt hậu trong chuyện giải quyết chi phí kho vận? Nói rộng ra là rất nhiều loại chi phí trong nền kinh tế, cả chi phí chính thức và phi chính thức.

Thiếu hạ tầng hợp lý, không có quy hoạch đồng bộ, đủ loại thuế, phí, tham nhũng, lợi ích nhóm là những gì được chỉ ra suốt gần hai thập kỷ qua. Nhưng nó như dịch bệnh kinh niên kéo dài mà không có thuốc trị. Những nỗ lực chống tham nhũng trong những năm gần đây là đáng khích lệ, nhưng dường như vẫn không chạm đến được những cái nguồn bệnh kinh niên đó.

Cải cách trong giai đoạn sắp tới cần tập trung vào việc cởi trói thực chất cho doanh nghiệp và xã hội, giảm thấp nhất những nhũng nhiễu và chi phí sinh hoạt, kinh doanh trong xã hội.   

Chừng nào còn hàng chục ngàn văn bản trói tay doanh nghiệp, khi mà các điều kiện kinh doanh vẫn chưa bị cắt giảm về thực chất, thì việc đón dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc không khó, nhưng khó khiến lợi ích của dòng vốn đó lan tỏa ra các doanh nghiệp nội địa Việt Nam. Nếu không cải thiện tình trạng hiện tại, thì phần lớn giá trị gia tăng do dòng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn chỉ loanh quanh trong tay khối ngoại và Việt Nam chỉ là một nền kinh tế cho thuê địa điểm sản xuất và “bao” luôn thị trường tiêu thụ 100 triệu dân, chứ không thể bứt phá.

Vì vậy, cải cách trong giai đoạn sắp tới cần tập trung vào việc cởi trói thực chất cho doanh nghiệp và xã hội, giảm thấp nhất những nhũng nhiễu và chi phí sinh hoạt, kinh doanh trong xã hội.

Những ngày gần đây, một tín hiệu đáng mừng là đề xuất bỏ sổ hộ khẩu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, “dân khổ vì sổ hộ khẩu từ lâu lắm rồi”. Đây chính là một ví dụ về những cải cách cần làm. Cái gì làm khổ dân, khổ doanh nghiệp thì phải bỏ.

Hiểu về cải cách đơn giản nhất chính là ở chỗ đó.

Cuối cùng, trong tiến trình cải cách, cần đảm bảo một cơ chế giám sát hiệu quả để vốn đầu tư xã hội và các chính sách kinh tế, luật lệ không bị bóp méo bởi các nhóm lợi ích không tử tế. Ở đây, nhóm lợi ích cần hiểu là những nhóm có thể tác động đến chính sách, luật lệ, theo hướng có lợi cho họ và họ sử dụng lợi thế đó để hưởng lợi nhuận siêu cao trong ngắn hạn, nhưng lại chèn ép doanh nghiệp làm ăn tử tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến khi những canh bạc của họ thất bại, họ lại buộc Nhà nước phải bỏ tiền ra “cứu” vì họ đã trở nên “khổng lồ quá, nên không thể cho phá sản” được. Một nền kinh tế bị thao túng với một vài nhóm lợi ích khổng lồ, thì rất dễ bị tổn thương khi những canh bạc của các nhóm lợi ích đó thất bại.

Những vấn đề kể ra trên không có gì mới, nhưng khó hiểu ở chỗ là, năm nào cũng được nói tới rồi đâu lại vào đấy. Đó mới là vấn đề. Những kêu gọi về cải cách như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí kho vận năm nào cũng được bàn tới, nhưng không thấy biến chuyển bao nhiêu, thậm chí có những trường hợp làm “cho có”, không đi vào thực chất.

Đợt đại suy thoái được dự báo sẽ đến sau đại phong tỏa là một thách thức, nhưng cũng là một cơ hội đẩy nhanh cải cách ở Việt Nam. Hy vọng đây lại không phải là một thời cơ bị bỏ lỡ nữa để Việt Nam thật sự chuyển mình thành một thế lực kinh tế xứng tiềm năng, chứ không phải là một quốc gia bị người ta chê là “không chịu phát triển” nữa.

Việt Nam đang đi vào giai đoạn cuối cùng của thời kỳ dân số vàng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét. Điều đó nghĩa là dòng “cổ tức” do dân số vàng tạo ra cho nền kinh tế sẽ không còn lâu nữa. Trong khi đó, gánh nặng đối với chăm sóc người già lên ngân sách và an sinh xã hội sẽ ngày một lớn. Bỏ lỡ cơ hội cải cách lần này có thể sẽ có những hệ quả tệ hơn việc bỏ lỡ cơ hội trong 20 năm qua.

Tin bài liên quan