Thay vì áp dụng cho toàn hệ thống, có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ với các ngân hàng chuyên cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Đức Thanh

Thay vì áp dụng cho toàn hệ thống, có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ với các ngân hàng chuyên cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: Đức Thanh

Con đường tái thiết nền kinh tế sau đại dịch - Bài 2: Giai điệu tình yêu của chính sách tài khoá, tiền tệ

LTS: Đại dịch Covid-19 như cơn “sóng thần” ập đến, tàn phá hầu hết các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Di chứng của đại dịch là nặng nề và lâu dài. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch bệnh, thì vấn đề trọng tâm lúc này là Việt Nam - một quốc gia có độ mở kinh tế cao, cần làm gì để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.

Bài 2: Giai điệu tình yêu của chính sách tài khoá, tiền tệ

Thoát khỏi cuộc phong toả nhanh và ít tổn thương nhất sẽ là lời giải cho câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ “làm thế nào để chúng ta bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch?”.

Các nhà làm chính sách toàn cầu đã đồng loạt đưa ra nhiều chính sách kinh tế chưa từng có tiền lệ để phản ứng với cuộc “phong toả vĩ đại” từ kẻ thù vô hình Covid-19 (cách Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF ẩn dụ). Nhưng cuộc đại phong toả kéo dài bao lâu, hành vi làm việc sẽ thay đổi ra sao, tâm lý sợ hãi dẫn tới mọi việc sẽ trở lại bình thường theo cách nào, mở cửa với thế giới thế nào khi diễn biến dịch bệnh mỗi nước khác nhau, chuỗi cung ứng toàn cầu rồi sẽ ra sao khi đó không chỉ là sự trở lại bình thường giống như tự lành một vết thương, mà sẽ là một cuộc sắp xếp lại trật tự thế giới giữa các siêu cường?

Chính vì có quá nhiều điều không thể biết trước, nên tìm mọi cách tồn tại và thoát khỏi cuộc phong toả nhanh với tổn thương thấp nhất sẽ là câu trả lời khả dĩ cho bài toán mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra “làm thế nào để chúng ta bật dậy mạnh mẽ sau đại dịch?”. Bài viết dưới đây chỉ tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến chính sách tài khoá, tiền tệ.

Câu hỏi làm thế nào tồn tại và thoát ra nhanh nhất trong một cuộc phong toả vĩ đại cũng giống như ta đặt câu hỏi liệu có nên tính toán cần phải tốn bao nhiêu khối nước để dập tắt một đám cháy? Chỉ có duy nhất một câu trả lời là hãy làm tất cả những gì có thể. Nhưng với tốc độ lây lan như ánh sáng của virus Corona, chính sách tiền tệ truyền thống hoàn toàn bất lực.

Tình yêu tạo niềm tin để làm điều không tưởng

Nếu trước đây, vai trò của ngân hàng trung ương giống như một đội kỵ binh bảo vệ sự ổn định quốc gia trong thời bình (với 2 mục tiêu chính là chống lạm phát và thất nghiệp), thì trong thời chiến, bắt buộc phải kiêm thêm nhiệm vụ của các binh chủng chiến đấu khác. Như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chẳng những đột ngột hạ lãi suất xuống cận 0%, mà còn chịu trách nhiệm bơm thanh khoản vô giới hạn giải cứu thị trường và cho vay đến tận các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đó là điều mà hẳn cách đây vài tháng, sẽ không có bất kỳ nhà kinh tế nào có thể tưởng tượng ra. Nhưng nó cũng bắt nguồn từ cảm hứng về tình yêu thời chiến khiến cho Fed phải khẩn cấp tạo ra các công cụ chính sách tiền tệ lạ lùng. Số là, trong buổi tiệc vào tháng 12 năm trước, bên trong một căn phòng ấm cúng, Clarida, Phó chủ tịch Fed hát vang ca khúc “What the world needs now is love” và người đệm đàn guitar không ai khác… chính là ngài Chủ tịch Powell. Giờ không thể là thời điểm tốt hơn để Fed không chỉ thực hiện sứ mạng của mình, mà còn để lan toả tình yêu thương một cách nhanh nhất đến từng người dân.

Powell mỗi ngày có khi điện đàm lên đến 6-7 cuộc với người đồng cấp Bộ Tài chính phân công trách nhiệm làm thế nào triển khai tốt nhất chính sách phát tiền trực tiếp cho các hộ gia đình, cũng như tạo ra các gói hỗ trợ thuế khổng lồ cho doanh nghiệp và các chương trình tài khoá đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Số tiền này sau đó sẽ được tài trợ bằng các đợt phát hành trái phiếu, mà người mua không ai khác hơn là Fed. Không còn phân biệt như trong thời bình, chính sách tài khoá và tiền tệ đã cùng hòa giai điệu tình yêu trong thời chiến.

Chính sách tài khoá, tiền tệ và vai trò của ngân hàng trung ương

Trong điều kiện bình thường, các ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính đều có bảng cân đối kế toán riêng, thì trong thời chiến, cả hai bảng cân đối kế toán đều được hợp nhất thành bảng cân đối kế toán của chính phủ. Nhiều nhà kinh tế Mỹ gần đây đã thẳng thừng chỉ ra, Fed giờ đây không khác gì một ngân hàng nhà nước (State Bank), với ý nghĩa không hẳn phê phán.

Không còn phân biệt như trong thời bình, chính sách tài khoá và tiền tệ đã cùng hòa giai điệu tình yêu trong thời chiến.   

Mô hình ngân hàng trung ương được tạo ra bởi chủ nghĩa tư bản trong thời bình, thì thời chiến, chúng lại biến thành ngân hàng nhà nước. Trong khi đó, chúng ta đang ở vị thế của một ngân hàng nhà nước (NHNN) theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì giờ đây dường như lại đóng vai trò của một ngân hàng trung ương “độc lập”, đó là khá trung lập và lúng túng trong vai trò hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa đối với nền kinh tế thực, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hấp hối.

Có một thực tế khách quan là, việc NHNN bị trói tay, trói chân khi thực hiện vai trò của mình là do phải kiêm nhiệm quá nhiều mục tiêu, trong khi lại bị ràng buộc bởi nhiều quy định khắt khe. Một trong những quy định làm hạn chế đáng kể vai trò của NHNN hỗ trợ nền kinh tế bật lên mạnh mẽ sau đại dịch là quy định không cho phép sử dụng tiền ngân sách xử lý nợ xấu.

Nếu như quy định trên phù hợp với hoàn cảnh đặc thù tế nhị trước đây, thì giờ đây chúng có thể trở nên quá lạc hậu. Dự kiến, nợ xấu rồi đây sẽ tăng rất mạnh sau dịch bệnh. Nếu NHNN không được quyền sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ xử lý nợ xấu, với luận điểm can thiệp cho dù bằng cách nào cũng từ tiền ngân sách, thì mọi chuyện sẽ rơi vào thế bế tắc.

Không khó để dự báo, nếu không tháo bỏ ngay quy định này, hệ thống ngân hàng sẽ chỉ thấy toàn “cây gậy” mà không thấy “củ cà rốt”, thì sao dám mở rộng cho vay. Nợ xấu vì vậy sẽ tăng đột biến, tất yếu dẫn tới làn sóng doanh nghiệp phá sản hàng loạt.

Gần đây, ý tưởng về một gói kích thích kinh tế hậu đại dịch tham khảo mô hình các nền kinh tế phát triển được bàn thảo liệu có thể áp dụng cho Việt Nam. Không thể áp dụng các mô hình kích cầu của các nền kinh tế phát triển này vào Việt Nam, theo nhận định của một số chuyên gia, là điều hiển nhiên. Thậm chí, ngay cả ở các nền kinh tế phát triển, mô hình của Fed cũng không thể áp dụng hoàn toàn cho ngân hàng trung ương châu Âu, Anh hay Nhật Bản.

Nhưng nếu chỉ kết luận như thế và không ai dám làm gì thì đó sẽ là sai lầm lớn nhất. Cuộc đại phong toả vĩ đại chưa biết khi nào kết thúc, nhưng chắc chắn rằng, nỗi đau sẽ kéo dài bao lâu tuỳ vào việc chúng ta vẫn còn xem đèn nhà ai nấy sáng (bảng cân đối kế toán của ai người ấy lo) và các gói kích thích tài khoá, tiền tệ mà chúng ta triển khai có kịp thời, đủ lớn, sáng tạo và hiệu quả đến đâu.

Trước hết, trong khi các kế hoạch ngân sách hàng năm thỉnh thoảng trình Quốc hội họp điều chỉnh (ngay cả kịch bản tốt nhất là được nâng trần nợ công và chi tiêu tài khoá), thì chính sách tiền tệ vẫn là kênh hiệu quả nhất, với tư cách vừa là tuyến phòng thủ và là tuyến tấn công ngay từ đầu cuộc chiến. Có nhiều khía cạnh kỹ thuật không khó lắm để tạo ra các công cụ cho phép NHNN can thiệp mạnh và sâu vào nền kinh tế.

Điều quan trọng nhất hiện nay vẫn phải là tháo gỡ quy định không dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu. Tất nhiên, có hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Tỷ lệ nợ công, chi tiêu ngân sách sẽ vượt trần, sức ép và kỳ vọng lạm phát sẽ tăng lên, nhưng khác với các dạng rủi ro không thể quản lý được, đây là những rủi ro mà Chính phủ hoàn toàn có thể quản lý được giai đoạn hậu đại dịch.

Sau đại dịch, một chính sách kinh tế tốt giúp GDP tăng trưởng cao trở lại, đến lượt nó, sẽ làm giảm tỷ lệ nợ công và chi tiêu tài khoá tính trên GDP một cách tự nhiên. Về chính sách, NHNN có thể tăng lãi suất chống lạm phát hoặc triển khai các chuẩn mực quản trị rủi ro ngân hàng khắt khe hơn phòng ngừa rủi ro nợ xấu tăng cao. Trong khi đó, nếu triển khai đồng bộ các chính sách khác như trì hoãn tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, thì sức ép lạm phát hoàn toàn có thể bị giảm thiểu đáng kể. Nói thế để thấy, cuộc mạo hiểm cần thiết với các rủi ro có thể quản lý được phần lớn nằm trong khả năng kiểm soát của các nhà hoạch định chính sách.

Hiện là thời cơ không thể tốt hơn để tiến hành các chính sách tài khoá, tiền tệ chưa có tiền lệ, phù hợp với đặc thù Việt Nam. Tổng cầu trong nước và thế giới đang suy giảm mạnh và giá xăng dầu thế giới đang lao dốc không phanh. Sức ép lạm phát vì vậy cũng giảm đi đáng kể. Nếu chúng ta không dám hành động, để lãng phí một cuộc khủng hoảng, sẽ là một cuộc lãng phí lớn nhất.

Giai điệu tình yêu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong điều kiện nguồn lực còn quá hạn hẹp, cũng như có khả năng chưa thể quản lý tốt các cuộc khủng hoảng, chúng ta khó thể áp dụng chính sách tiền tệ và tài khoá dựa trên cơ sở mở rộng như cách mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang làm. Chúng ta phải lách qua khe cửa hẹp hơn nhiều. Về lý thuyết, các gói hỗ trợ thuế từ chính sách tài khoá đang đi đúng hướng là lựa chọn các đối tượng để nhận thụ hưởng. Trong khi đó, NHNN lại đứng trước thách thức là tìm ra người chiến thắng khi tiến hành một chính sách tiền tệ có mục tiêu.

NHNN tất nhiên không có nghề lựa chọn người chiến thắng. Thay vào đó, có thể áp dụng mô hình tạo ra một dạng định chế có mục đích đặc biệt (SPV) như cách mà Fed đang triển khai, hoặc dựa vào các định chế có sẵn để cho vay đến tận khu vực doanh nghiệp. Trong điều kiện Việt Nam, khả năng sau sẽ là lựa chọn khả dĩ hiện nay.

Chẳng hạn, NHNN có thể thông qua một số ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần có khuôn khổ quản trị rủi ro tốt theo các chuẩn mực quốc tế như một SPV để triển khai các gói kích thích kinh tế đến các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp lớn. Một số chuyên gia đề nghị sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây có thể là một gợi ý thêm về một SPV đặc biệt mà NHNN có thể bơm thanh khoản (hoặc SPV thuộc Bộ Tài chính, điều này không quan trọng vì suy cho cùng cả hai đều có chung bảng cân đối kế toán của Chính phủ, chỉ khác là vấn đề phân công trách nhiệm).

Một số chuyên gia đề xuất, ngoài cắt giảm lãi suất mạnh hơn, NHNN cần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống thấp hơn nữa, để giảm chi phí lãi vay và tiếp thêm thanh khoản cho nền kinh tế. Có vẻ như NHNN đang thận trọng với đề xuất này. Một giải pháp mềm hơn có thể nghĩ đến, thay vì áp dụng cho toàn hệ thống ngân hàng, có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ đối với các ngân hàng chuyên cho vay với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây như là phần thưởng cộng thêm nhằm tạo động lực cho các ngân hàng mạnh dạn hơn để cho vay với khu vực dễ bị tổn thương nhất từ đại dịch.

Các đề xuất và một vài yếu tố kỹ thuật trong bài viết có thể gặp trở ngại bởi một số rào cản về tư duy và thể chế. Nhưng nhịp đập từ cuộc sống, nếu được đáp ứng lại bởi những giai điệu yêu thương từ những người làm chính sách, thì cho dù các rào cản cao tựa núi Thái Sơn cũng sẽ dễ dàng bị hoá giải bởi nhịp đập của con tim.

GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia)
Tin bài liên quan