Vào tháng 10/2013, sau hơn 10 năm hợp tác, Mitsui, công ty con của Asia Pacific Unit, một trong những nhà phân phối lớn nhất Nhật Bản đã tiến thêm một bước: trở thành cổ đông chiến lược của Minh Phú - Hậu Giang.
Theo đó, công ty con của Minh Phú (MPC) là Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Phú - Hậu Giang (MPHG) chào bán riêng lẻ 26,67 triệu cổ phần cho Mitsui &Co (Asia Pacific) Private Limited để chuyển đổi thành công ty cổ phần. Sau khi hoàn tất các thủ tục, MPHG có vốn điều lệ 866,67 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của MPC trong MPHG là 67,5%, Mitsui &Co là 30,77%.
Mitsui & Co. bắt đầu hợp tác kinh doanh với Minh Phú từ năm 2000 khi giới thiệu những sản phẩm của Minh Phú ra thị trường Nhật.
Vào tháng 5/ 2012, Mitsui chủ động đề nghị tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh doanh với Minh Phú nhằm tìm kiếm và thúc đẩy phát triển kinh doanh thủy sản ra toàn cầu. Sau hơn 1 năm đàm phán, hai bên mới đạt được thỏa thuận.
Giá mỗi cổ phiếu Minh Phú - Hậu Giang được ấn định khoảng 15.000 đồng trong thương vụ này, mức không tồi với một nhà máy mới ở thời điểm TTCK Việt Nam rớt đáy như hồi cuối 2013.
Ông Yamauchi, Tổng giám đốc Asia Pacific Unit nói rằng, có 2 lý do chính để Mitsui quyết định bỏ vốn vào Minh Phú - Hậu Giang: đó là doanh nghiệp có người đứng đầu giỏi, tâm huyết; đồng thời Minh Phú là công ty hàng đầu Việt Nam, đang phát triển ổn định và gần như không có đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh này.
Sau hợp tác, hoạt động xuất khẩu của Minh Phú tiếp tục có những chuyển biến tích cực, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 của doanh nghiệp sẽ đạt gần 600 triệu USD.
Con đường tìm đối tác chiến lược của CTCP Xi măng Thăng Long cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Được đầu tư lớn, bài bản nhưng cũng giống như các dự án công nghiệp lớn của Việt Nam, Xi măng Thăng Long gặp nhiều khó khăn bởi áp lực vốn vay đầu tư ban đầu quá lớn, tìm đối tác nước ngoài trở thành bài toán bắt buộc đối với doanh nghiệp này.
Thông qua cơ quan ngoại giao tại Hà Nội và Ngân hàng Mitsui, Semen Gresik, Tập đoàn sản xuất xi măng lớn nhất Indonesia được giới thiệu cơ hội đầu tư vào Xi măng Thăng Long. Sau 2 tháng đàm phán tích cực, Geleximco, cổ đông lớn nhất của Xi măng Thăng Long và Semen Gresik đã ký thỏa thuận mua bán có điều kiện. Theo đó, Semen Gresik bỏ ra khoảng 157 triệu USD để sở hữu 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long.
Ngoài việc rót thêm vốn đầu tư vào Xi măng Thăng Long, phía nước ngoài với thế mạnh của mình đã bảo lãnh cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ của các tập đoàn tài chính nước ngoài để trả bớt nợ vay, giảm đáng kể áp lực tài chính. Hiện nay, phần lớn sản phẩm của Xi măng Thăng Long được xuất khẩu sang Singapore, Tập đoàn Indonesia đã thực thi một loạt giải pháp, áp dụng những thông lệ quản trị hiện đại nhất vào doanh nghiệp như triển khai phần mềm quản trị nguồn lực, siết chặt việc quản lý dòng tiền… 2 năm sau hợp tác, Xi măng Thăng Long từ lỗ đã bắt đầu có lãi.
Vai trò quan trọng của những nhà đầu tư chiến lược đã được chứng minh trong câu chuyện của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và đang được thừa nhận rộng rãi hơn trong tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn. Bên cạnh triển khai việc đưa cổ phần ra đấu giá công khai, Vietnam Airlines đang thực hiện chào bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược. Tương tự, Viglacera cũng đang đàm phán bán lô lớn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, để giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp xuống 75%.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, thu hút cổ đông chiến lược là một khâu rất quan trọng cho thành công của quá trình đổi mới DN. Sự có mặt của họ sẽ đem lại những cải thiện lớn về quản trị, về chiến lược của DN, vị thế của DN trên thị trường sau khi được cổ phần hóa. Cổ đông chiến lược muốn có tiếng nói và sẵn sàng đầu tư số vốn nhất định để có tiếng nói trong HĐQT, thường là không dưới 10% tổng số cổ phiếu bán ra.
Các doanh nghiệp tư nhân đã rất năng động và linh hoạt trong việc tìm kiếm đàm phán lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Với các DN Nhà nước đang có kế hoạch tìm kiếm đối tác, vị chuyên gia trên cho rằng, nhất thiết phải có chính sách cởi mở (về quá trình thương lượng, tỷ lệ cổ phần đối tác chiến lược được mua, giá cổ phiếu...), hoạt động DN công khai, minh bạch, cũng như có sự bảo đảm vị thế pháp lý của nhà đầu tư chiến lược trong DN sau khi cổ phần hóa mới hy vọng DN được các nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng”.