Quản trị công ty khác gì quản lý doanh nghiệp?
Nếu hỏi bạn câu trên, bạn sẽ trả lời như thế nào? Về cơ bản, nhiều người sẽ trả lời luôn rằng, 99% đó là một, nhưng sự thực lại không phải là một. Quản lý doanh nghiệp là công việc thường ngày để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh, còn quản trị công ty là một khái niệm khác. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD), quản trị công ty gồm 5 mảng việc chính, đó là quyền cổ đông; đối xử công bằng với cổ đông; HĐQT; các bên liên quan; công bố thông tin và minh bạch. Khái niệm còn chưa thông tỏ, nên số điểm quản trị công ty của Việt Nam mấy năm gần đây luôn nằm trong vùng thấp nhất khu vực - mang đến cảm giác “xấu hổ” khi so mình với các thị trường khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, thậm chí cả Philippines và Indonesia.
“Đội sổ” là sự thật, nhưng làm thế nào để DN cũng “thấu” nỗi đau này và thay đổi để cải thiện QTCT là câu chuyện không đơn giản. Trong một số văn bản pháp quy có đề cập về quản trị, về công bố thông tin (Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Nghị định 58/2012/NĐ-CP, Thông tư 52/2012/TT-BTC về công bố thông tin, Thông tư 121/2012/TT-BTC về quản trị công ty...), nhưng khi thực thi, tâm lý chung của DN là làm báo cáo sao cho... không bị phạt là được. Rất ít DN vượt qua mức này và hướng đến sự minh bạch, chuyên nghiệp, trên cơ sở ý thức thực sự về nghĩa vụ của DN với cổ đông, với các bên liên quan.
Minh chứng cho nhận xét trên được thấy từ 2 cuộc bình chọn dành cho DN niêm yết hàng năm. Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên do Sở GDCK TP. HCM và Báo ĐTCK khởi xướng, HNX, IFC phối hợp, thực hiện từ năm 2008, sau 7 năm đã khuyến khích được nhiều DN thực hiện và thực hiện tốt hơn sản phẩm thông tin này. Kết quả chấm điểm thực tế cho thấy, số điểm trung bình có cải thiện qua từng năm, nhưng chưa vượt qua mức 60/100 điểm. Chất lượng BCTN của DN niêm yết trên 2 Sở, rộng hơn là chất lượng minh bạch và QTCT niêm yết, vẫn loanh quanh mức... trung bình.
Tại Sở GDCK Hà Nội, năm 2013, Sở quyết định thực hiện một mảng việc nhạy cảm, đó là chấm điểm QTCT và minh bạch của tất cả các DN niêm yết bằng hệ thống 75 câu hỏi Yes/No. Năm đầu tiên thực hiện, HNX vinh danh 30 DN có điểm cao nhất. Sang năm 2014, Sở “tấn công” DN mạnh mẽ hơn bằng việc nâng số câu hỏi lên 121 và vinh danh DN làm tốt, nhưng công khai những mặt yếu kém của DN. Kết quả chấm điểm đã cho thấy, chỉ có 19 DN trong tổng số 346 DN đạt 75/100 điểm, còn lại là thấp. Người đứng đầu nhóm chuyên gia chấm điểm cho các DN tại HNX năm 2014, TS. Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, bà chưa tìm thấy mối liên hệ giữa DN đạt điểm cao với hiệu quả kinh doanh hay sự trả giá cao hơn cho cổ phiếu của DN. Thực tế này cũng đồng thời phản ánh một bài toán rất khó, làm thế nào để thuyết phục DN quan tâm đến QTCT và dần làm tốt công tác này?
30 DN được vinh danh minh bạch nhất HNX 2014, theo sự chấm điểm của các chuyên gia độc lập
Chiến lược “mưa dần thấm lâu”
Dragon Capital được đánh giá là một quỹ đầu tư đặc biệt, khi gần chục năm nay, họ song hành cùng Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên trong vai trò nhà tài trợ độc quyền. Không có những lợi ích cụ thể và thực tế, các DN cũng chưa tiến bộ một cách rõ nét theo mong muốn của Ban tổ chức, nhưng công cuộc “lát gạch” để tạo con đường hướng DN đến sự minh bạch vẫn được các bên liên quan kiên nhẫn thực hiện hàng năm.
Tại HNX, năm 2010, Sở thành lập Tổ nghiên cứu quản trị công ty và từ đây, khái niệm này mới dần “vỡ vạc”. 4 năm nghiên cứu, 2 năm mạnh dạn chấm điểm QTCT và công khai vinh danh DN, nhưng trong đánh giá của ông Nguyễn Vũ Quang Trung, HNX vẫn đang “dọ dẫm tìm đường”. Bước sang năm 2015, HNX sáng tạo ra mảng việc mới, tạm gọi là “Tuần lễ quản trị công ty” với mong muốn tạo sự liên tục và quen thuộc với DN, với công chúng về khái niệm này.
Tại sao phải kiên nhẫn, phải dò dẫm, mà không mạnh dạn ép DN phải minh bạch, phải QTCT tốt? Theo ông Trung, trên thế giới, QTCT (minh bạch là một chủ điểm trong đó) có đến 95% là mang tính khuyến nghị, chỉ 5% là quy định bắt buộc, nên cải thiện việc này không thể trông chờ bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải bằng ý thức, bằng sức ép mềm từ thị trường. Chẳng hạn, Bộ Tài chính quy định, DN đại chúng phải làm báo cáo thường niên để công bố bức tranh đầy đủ về hoạt động DN. Thực tế, có DN làm báo cáo cả trăm trang, nhưng không ít DN niêm yết làm báo cáo vài trang, không đầu, không cuối, chỉ nhằm liệt kê đủ đề mục mà Thông tư 52 yêu cầu. Nhà quản lý cũng chẳng thể phạt DN được.
Dò dẫm là vì phải tác động được đến ý thức của DN, làm sao để DN thấy cần, thấy có lợi ích, mới mong họ chấp nhận thay đổi hiện trạng QTCT theo hướng tích cực. Nhưng như đã nói, điểm này hiện không dễ gỡ khi chúng ta chỉ thấy DN tốt (có vẻ) minh bạch/QTCT tốt, còn chưa tìm được mối liên hệ DN có điểm minh bạch và QTCT cao thì hiệu quả kinh doanh sẽ cao và giá cổ phiếu sẽ cao!
Khó, vậy tại sao cứ phải làm? Vì cạnh tranh là quy luật. Không ít các tổ chức quốc tế như IFC, ADB, GIZ và nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài khi đến TTCK Việt Nam đã có chung khuyến nghị, DN và nền kinh tế cần minh bạch và minh bạch hơn nữa. QTCT phải được thực hiện và cải thiện, đặc biệt là trách nhiệm của HĐQT, mới có thể cạnh tranh hút các dòng vốn lớn vào Việt Nam.
Nói về trách nhiệm của HĐQT, ông Trung cho rằng, dường như các DN thành công nhất tại Việt Nam đều có tình trạng đóng góp của QTCT không lớn, chủ yếu là dựa vào lợi thế riêng và vai trò của người đứng đầu. Ở Việt Nam, điển hình DN thường gắn với điển hình cá nhân, không hề có bóng dáng điển hình quản trị công ty, hay đội ngũ quản trị chuyên nghiệp. Thực tế này cũng phản ánh rằng, người Việt Nam chưa rõ QTCT tốt thì mang lại lợi ích tốt cho DN hay không.
Nhưng muốn nâng cấp QTCT tốt phải có nguồn chuyên gia tốt. Ở Việt Nam, quy định hiện hành buộc DN đại chúng phải có 1/3 thành viên HĐQT là độc lập (Thái Lan quy định là 1/2), nhưng thực tế, hầu hết các DN không đáp ứng được vì không biết tìm đâu ra chuyên gia giỏi. Một số nhà lãnh đạo khi về hưu như TS. Lê Đăng Doanh, TS. Lê Thị Băng Tâm... cũng tham gia công tác quản trị tại một số DN, nhưng con số này là quá nhỏ so với nhu cầu cả nghìn chuyên gia QTCT độc lập cần có, để ngồi đủ 1/3 thành viên HĐQT tại 700 DN niêm yết hiện nay.
UBCK đang thai nghén ý tưởng thành lập Viện đào tạo QTCT để đào tạo ra chuyên gia về quản trị. HOSE cùng Báo ĐTCK và các đối tác kiên trì thực hiện cuộc bình chọn báo cáo thường niên với những sáng tạo mới, hướng DN đến quản trị hiệu quả, phát triển bền vững. Năm 2015, HNX sẽ phối hợp với các công ty chứng khoán mang tri thức về QTCT đến từng vùng miền... Thực hiện chiến lược “mưa dần thấm lâu” cũng có nghĩa người tiên phong chấp nhận sẽ dấn thân, phải nỗ lực và kiên nhẫn. “Thái Lan mất 17 năm xây dựng nền QTCT, Đài Loan mất 15 năm, còn Việt Nam đi sau, học được nhiều điều nhưng có lẽ sẽ phải 10 năm sau mới định hình được con đường, hướng các DN nói chung trong nền kinh tế đến QTCT tốt”, ông Trung nói.
QTCT là một vấn đề khó, không chỉ riêng ở Việt Nam. Nhà quản lý nỗ lực, còn thị trường góp sức cách nào? Ông Trung chia sẻ mô hình của tổ chức “Watchdog” ở Malaysia. Theo đó, tổ chức này có sự tham gia của nhiều người giỏi, mua cổ phiếu của tất cả các DN niêm yết (mỗi DN có thể chỉ mua 1 cổ phiếu) để lấy quyền tham dự ĐHCĐ. Tại đây, thành viên của Watchdog có đủ thẩm quyền để đặt những câu hỏi chất vấn gai góc nhất. Và khi Ban điều hành DN trả lời, thì tất cả các cổ đông của DN đều được nhận thông tin sáng rõ hơn. Khi cổ đông đại chúng hiểu, chính là công cụ giám sát mềm, nhưng mạnh mẽ, buộc DN phải minh bạch hơn, QTCT tốt hơn.