Ông Nguyễn Thành Long

Ông Nguyễn Thành Long

Con đường nâng hạng TTCK, chuyện bây giờ mới kể

(ĐTCK) “Các lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã trực tiếp viết email gửi Văn phòng thường trực Cơ quan quản lý các TTCK châu Âu (ESMA), sử dụng các mối quan hệ cá nhân gửi thư trực tiếp tới Chủ tịch UBCK các quốc gia ở châu Âu bày tỏ sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu của ESMA để ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với các quốc gia châu Âu về giám sát công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư”.

Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long chia sẻ. Đây là một trong những nỗ lực của UBCK trong chủ động và tích cực hội nhập với thị trường vốn quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh cho TTCK Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc nâng hạng cho TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong bảng phân loại của MSCI. 

Ông có thể tiết lộ trong email lãnh đạo UBCK gửi Chủ tịch UBCK các quốc gia châu Âu viết gì?

Sau khi tìm hiểu các điều kiện mà Việt Nam cần đáp ứng để có thể sớm ký kết MoU với ESMA, đồng thời triển khai các công việc nội bộ để được sự cho phép của Bộ Tài chính, UBCK đã liên hệ, làm việc với cơ quan này thông qua các kênh chính thức, đồng thời Chủ tịch UBCK trực tiếp viết thư để góp phần vận động ESMA ủng hộ Việt Nam sớm ký kết MoU. Thông qua hình thức vận động này, chúng ta có điều kiện bổ sung thông tin mà các kênh làm việc chính thức chưa có điều kiện cung cấp đầy đủ. Từ đó, giúp ESMA hiểu hơn về TTCK Việt Nam và ủng hộ ký MoU chỉ trong thời gian ngắn.

Ngoài đề cập Việt Nam sẵn sàng đàm phán, ký kết MoU, cam kết đáp ứng các điều kiện về hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế chia sẻ và minh bạch thông tin, email còn đề cập những lợi ích mà giới đầu tư, các công ty quản lý quỹ châu Âu có triển vọng nhận được khi ký MoU với Việt Nam. Sau khi email được gửi đi, chúng tôi nhận được phản hồi của nhiều cơ quan quản lý TTCK châu Âu bày tỏ ủng hộ Việt Nam trong việc sớm ký kết MoU và thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

Việc triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK, tuy mới được bắt đầu trong năm 2014, nhưng rất nhiều giải pháp đồng bộ đã được UBCK triển khai, trong đó có nỗ lực ký kết MoU thành công với với hầu hết các quốc gia châu Âu về giám sát công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư. Nhìn bề ngoài, những tưởng việc đạt được kết quả này là không khó khăn, nhưng từ ý tưởng cho đến cách thức triển khai sao cho hiệu quả, thì đó là cả một câu chuyện dài khi UBCK đã chớp thời cơ để thực hiện việc này quyết liệt, tinh tế.

Ý tưởng nhen nhóm từ một cuộc họp với các cơ quan quản lý TTCK khu vực tiểu vùng sông Mê Kông tháng 9/2013. Khi đó, UBCK chủ trì tổ chức hội nghị này. Qua trao đổi bên lề với các đại biểu, đặc biệt là phản ánh của một số quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam về khó tiếp cận dòng vốn từ châu Âu, chúng tôi… giật mình, vì một số thị trường lân cận Việt Nam như: Singapore, Malaysia đã ký MoU từ khá lâu với ESMA. Riêng Thái Lan vừa hoàn tất ký kết.

Sau khi trao đổi với Văn phòng ESMA, tìm hiểu các điều kiện để ký MoU thì được biết, điều kiện để ký trước thời điểm 1/1/2015 là không quá gắt gao. Nếu biết cách trao đổi thông tin, vận động thành công ESMA, thì việc ký kết MoU là trong tầm tay và thực tế đã chứng minh như vậy. Nếu chậm chân, sau ngày 1/1/2015, việc ký này chỉ được thực hiện sau khi Việt Nam ký kết các quy định về hợp tác thuế quan với châu Âu. Khi đó, chưa biết bao giờ Việt Nam mới ký được và sẽ ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của TTCK, không đón đầu được dòng vốn dài hạn từ các quỹ hưu trí, quỹ mở của châu Âu vào Việt Nam trong bối cảnh thúc đẩy cổ phần hoá DNNN. 


Con đường nâng hạng TTCK, chuyện bây giờ mới kể ảnh 1

Tăng cường hợp tác quốc tế là mục tiêu 
Bộ Tài chính, UBCK đã và sẽ thực hiện 

Nằm trong nỗ lực nâng hạng cho TTCK, được biết trong năm qua, UBCK đã thành lập một tổ công tác khá đặc biệt. Tổ công tác này đã làm những gì, thưa ông?

Sau khi tìm hiểu, nắm rõ các tiêu chí về phân hạng TTCK của MSCI, UBCK đã thành lập tổ công tác để triển khai các giải pháp đáp ứng các tiêu chí mà MSCI đưa ra, nhằm đưa TTCK Việt Nam từ hạng cận biên lên thị trường mới nổi. Tổ công tác này gồm đại diện UBCK, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Tổ công tác thường xuyên đốc thúc các bên liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng hạng thị trường. Có lẽ, thành công lớn nhất hiện nay là Việt Nam đã được MSCI chia sẻ kỹ thuật tính toán chỉ số thị trường theo đúng chuẩn mực quốc tế. Đây là vấn đề hiện chúng ta mới tự mày mò làm dựa trên các tài liệu quốc tế. Kết quả thứ hai là MSCI đã có các thoả thuận thương mại với HOSE trong việc thiết kế các bộ chỉ số, phân ngành theo chuẩn mực quốc tế. Hiện các Sở GDCK đã thiết kế các chỉ số và phân loại ngành. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn có sự khác biệt nhất định với các kỹ thuật và chuẩn mực quốc tế mà trong quá trình hội nhập, chúng ta cần hoàn thiện để củng cố lòng tin của NĐT trong và ngoài nước.

Quy định gắn cổ phần hóa các DNNN với đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, được MSCI cho là bước tiến lớn nhất trong thời gian gần đây, qua đó dần đưa quy mô của TTCK Việt Nam gần hơn với nhóm thị trường mới nổi. Tuy nhiên, để nâng hạng thị trường thành công, vẫn còn nhiều việc phải làm. 

Đó là những việc gì, thưa ông?

Đến nay, đa phần các giải pháp lớn thuộc thẩm quyền quyết định của UBCK đã được triển khai và bước đầu mang lại kết quả, nhưng còn những giải pháp quan trọng khác nằm ngoài thẩm quyền của UBCK, trong đó có vấn đề về sở hữu nước ngoài. Vấn đề này sẽ được xem xét tổng thể, dài hạn, theo thông lệ quốc tế, cam kết WTO và phù hợp với các văn bản mới ban hành, cụ thể là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

UBCK đã chỉ đạo các bộ phận chức năng dịch và công bố tất cả các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường vốn trên website của UBCK và các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Thúc đẩy hoàn thiện sửa đổi Thông tư 52/2012/TT-BTC theo hướng tiếp cận các thông lệ quốc tế nhằm cải thiện tính minh bạch như bắt buộc các DN quy mô lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh. Tập trung sửa đổi Thông tư 121/2012/TT-BTC về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, theo hướng tiếp cận gần hơn các chuẩn mực và thông lệ của các nước OECD. Sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP để áp dụng quy trình chuẩn gắn IPO với đăng ký giao dịch và niêm yết theo chuẩn mực quốc tế. Kiểm soát các hoạt động phát hành riêng lẻ, thâu tóm ngầm và giao dịch niêm yết cửa sau theo thông lệ quốc tế. Hoàn thiện văn bản pháp lý để sớm đưa TTCK phái sinh vào hoạt động, tạo thêm các công cụ và bước đầu thiết lập thị trường phục vụ cho hoạt động phòng ngừa rủi ro không chỉ cho TTCK, thị trường tài chính, mà cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đặc biệt là xuất nhập khẩu khác của Việt Nam.

Tập trung triển khai hệ thống đăng ký mã số giao dịch trực tuyến cho NĐT nước ngoài nhằm tiết giảm thủ tục hành chính và thời gian thực hiện. Ngoài khẩn trương xây dựng kênh truyền hình 24 giờ về tài chính, chứng khoán phát bằng tiếng Anh nhằm cung cấp thông tin cho các NĐT nước ngoài, UBCK cũng có kế hoạch lập trung tâm giải đáp thắc mắc cho NĐT nước ngoài có website kết nối với các cơ quan quản lý và thành viên thị trường. Hàng năm, xây dựng những khảo sát tìm hiểu thông tin, nhu cầu của NĐT nước ngoài trên website, từ đó xây dựng định hướng cung cấp thông tin hỗ trợ NĐT tốt hơn. 

Lãnh đạo UBCK nhiều lần tâm tư: nếu chỉ có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, thì việc nâng hạng TTCK rất khó thành công, nên rất cần sự tích cực tham gia của các thành viên thị trường. Theo ông, sau một năm triển khai các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường, các thành viên thị trường đã tích cực tham gia?

Họ chưa mấy tích cực. Ngay cả những việc lẽ ra rất cần sự chủ động, tích cực của các DN niêm yết, thì UBCK cũng phải sốt sắng thúc đẩy. Đơn cử, trong khi chờ sửa đổi Thông tư 52/2012/TT-BTC, trong năm qua, UBCK đã khuyến nghị các công ty đại chúng công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy nhiên, đến nay, việc này chưa mang lại nhiều kết quả, nên hạn chế khả năng tiếp cận của NĐT nước ngoài đối với TTCK Việt Nam.

Các tổ chức kinh doanh chứng khoán, các tổ chức cung cấp dịch vụ như lưu ký, cũng chưa chủ động thực hiện. Trong khi đó, việc nâng hạng TTCK mang lại lợi ích trực tiếp và trước mắt chính là cho các công ty đại chúng, các tổ chức cung cấp dịch vụ cho TTCK.

Việt Nam đã cơ bản đáp ứng được các tiêu chí về nâng hạng TTCK

MSCI đặt ra 15 tiêu chí về phân hạng TTCK, trong đó tập trung vào sự phát triển kinh tế, quy mô, thanh khoản và khả năng tiếp cận thị trường. Tiêu chí phân loại TTCK bao gồm 3 nhóm chính. Nhóm 1: sự phát triển và độ bền vững của nền kinh tế. Nhóm 2: quy mô, tính thanh khoản của thị trường. Nhóm 3: độ mở của thị trường (khả năng dễ dàng tiếp cận thị trường đối với NĐT trong và ngoài nước).

Theo các tiêu chí của MSCI, để xếp vào thị trường cận biên, cần có ít nhất 2 công ty có vốn 512 triệu USD trở lên; để vào thị trường mới nổi cần ít nhất 3 công ty có vốn 1.032 triệu USD trở lên. Quy mô vốn hóa tính theo cổ phiếu có thể giao dịch, yêu cầu tại thị trường biên là 37 triệu USD, thị trường mới nổi là 516 triệu USD. Thanh khoản chứng khoán hàng năm mỗi công ty tại thị trường biên là 2,5% giá trị giao dịch, của thị trường mới nổi là 15%.

Theo MSCI, Việt Nam đang nằm trong nhóm các thị trường cận biên và tiến sát tới các thị trường mới nổi. Về cơ bản, TTCK Việt Nam đã đạt được các tiêu chí định lượng về quy mô cũng như thanh khoản thị trường.

Tin bài liên quan