Con đường gập ghềnh

Con đường gập ghềnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tuần qua lại tiếp tục thử thách tâm lý và sự kiên nhẫn của nhà đầu tư khi phiên đầu tuần nhờ tin tức tích cực từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho bất động sản, thị trường đã bật tăng rất mạnh, với nhóm cổ phiếu bất động sản dẫn dắt.

Một phiên tăng dứt khoát 27 điểm của VN-Index kèm thanh khoản cao được nhiều công ty chứng khoán nhận định tích cực quá sớm là bùng nổ theo đà.

Nhưng sự hứng khởi đó không kéo dài!

Thông tin về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn không thể trả được khoản nợ vay cùng với giá USD và lãi suất liên ngân hàng tăng cao đã khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều. Sắc đỏ bao trùm các phiên còn lại cho đến cuối tuần, khối ngoại bán ròng mạnh, thanh khoản cạn kiệt, khiến nhiều nhà đầu tư vốn hăng hái lướt sóng trong biên hẹp thời gian qua cũng phải chọn cách… “quan sát thêm”.

Như đã đề cập trên Đầu tư Chứng khoán số báo trước, hành động và tìm cách tháo gỡ các nút thắt khó khăn cho doanh nghiệp chính là nền tảng để thị trường vận hành lành mạnh và có cơ sở đảo chiều tăng điểm bền vững trở lại. Tâm điểm được nhà đầu tư thảo luận và quan tâm tuần qua liên quan đến lãi suất và các gói tín dụng dành cho thị trường bất động sản mà ngân hàng triển khai tới đây.

Nhìn lại quá khứ, các gói tín dụng được ví như vốn mồi kích thích thị trường thoát khỏi trạng thái đóng băng, giúp tâm lý nhà đầu tư tự tin trở lại. Đơn cử như gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng năm 2013 đã hâm nóng thị trường trở lại sau đó vài quý.

Liệu trong bối cảnh vô vàn khó khăn như năm nay, các gói tín dụng có khả năng triển khai, nếu triển khai sẽ diễn ra như thế nào, đâu là dư địa để bắt tay hành động thật sớm mà không bị "việt vị", thị trường chứng khoán sẽ có những ảnh hưởng lan tỏa từ chính sách này ra sao nếu được đưa vào thực tế?

Và mối rối thị trường bất động sản nên cởi từ nút thắt nào, vốn hay pháp lý, hay cứ để thị trường “tự thích ứng?? Trong mục Tiêu điểm của số báo tuần này, Đầu tư Chứng khoán đã nỗ lực tìm thông tin cho những câu hỏi đang được giới đầu tư quan tâm nói trên.

Có lẽ chỉ khi chính sách chuyển động, thị trường mới có kỳ vọng thoát khỏi thế đi ngang như hiện nay. Thậm chí, với quy mô lớn của các doanh nghiệp niêm yết như hiện tại, việc chính sách chậm trễ ra đời sẽ để lại những hệ quả khó đoán cho nền kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp. Một kịch bản lừng khừng của VN-Index trong vài năm cũng đã được không ít doanh nghiệp lên kế hoạch trong mùa đại hội cổ đông năm nay.

Khi nguồn lực bị phân tán và tâm lý phòng thủ đang ở mức rất cao, việc thị trường phân hoá gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Sẽ không còn sự tăng trưởng đồng loạt, mà thay vào đó là những nhóm ngành và doanh nghiệp lẻ tẻ với những câu chuyện riêng tạo ảnh hưởng. Do vậy, khai thông thị trường để hình thành một xu hướng mới nhất thiết cần câu chuyện của những động thái chính sách khơi thông điểm nghẽn như các nội dung chủ đạo được thảo luận trong số báo này.

Tin bài liên quan