Theo thông tin từ Trung tâm lưu ký chứng khoán, ngày 30/6/2016 vừa qua, Công ty cổ phần Chế tạo thuốc Taisho, một doanh nghiệp dược phẩm của Nhật Bản đã nhận chuyển nhượng 21.304.064 cổ phần Dược Hậu Giang từ 34 cổ đông ngoại. Nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, mức giá mà đối tác Nhật trả cho lô cổ phiếu này gấp 1,5 lần giá thị trường tại thời điểm hai bên ký hợp đồng.
Xuất phát điểm của thương vụ này là nhu cầu đầu tư vào thị trường Việt Nam của Taisho và ngược lại, nhu cầu thoái vốn từ hai quỹ VinaCapital, Dragon Capital. Thông qua một công ty chứng khoán đến từ Nhật Bản là Daiwa Securities, Taisho đã gom được 24,4% cổ phần DHG từ nhiều cổ đông nước ngoài của DHG như VinaCapital, Dragon Capital... Các cổ đông khác bao gồm nhóm cổ đông Fullerton, Nikko New Age Asia Equity, KITMC, Mekong Portfolio Investments Limited, Vietnam Holding…
Với mức giá bỏ ra để mua số cổ phần trên, Taisho đã phải chi gần 2.500 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của DHG. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ phiếu này chưa đạt đến mức 25%, đảm bảo cho nhà đầu tư Nhật Bản không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai, vốn khá phức tạp tại Việt Nam.
Bỏ ra số tiền lớn như vậy, nhà đầu tư Nhật Bản hướng đến mục tiêu gì? Giới phân tích cho rằng, trước hết, DHG là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hàng đầu của ngành dược, tỷ lệ cổ tức luôn ở mức cao trên thị trường. Song với một tập đoàn dược phẩm lớn của Nhật Bản, đầu tư tài chính không phải là cái đích quan trọng nhất. Quan trọng hơn, họ nhắm tới thị trường Việt Nam với nhu cầu về các sản phẩm dược, chăm sóc sức khỏe vô cùng lớn, giàu tiềm năng. Theo các quy định hiện hành, các tập đoàn dược phẩm nước ngoài không được trực tiếp phân phối sản phẩm tại Việt Nam, mà phải thông qua doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, Dược Hậu Giang là doanh nghiệp có hệ thống phân phối thuộc hàng mạnh nhất trong số các doanh nghiệp dược nội địa.
Taisho Pharmaceutical Holdings của Nhật Bản có tổng tài sản 759 tỷ yên (khoảng 7,1 tỷ USD), doanh thu năm 2015 của tập đoàn này đạt 290 tỷ yên, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 22,47 tỷ yên. Taisho đã đầu tư mạnh vào nhiều thị trường khu vực như Indonesia và Malaysia, với cam kết nắm giữ dài hạn, bởi vậy không loại trừ việc tập đoàn này còn nhắm thêm đến hoạt động sản xuất tại Việt Nam, tương tự chiến lược tại các thị trường khu vực mà họ đang đầu tư. Ở Việt Nam, công ty này đã hiện diện qua nhà máy tại Công ty Taisho Việt Nam, được thành lập từ năm 1999, phân phối sản phẩm nước tăng lực Lipovitan.
Trước Taisho, Dược Hậu Giang có mối liên hệ rất chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản, thậm chí, trong kế hoạch phát triển nhằm tìm lại tốc độ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ của Công ty, ban lãnh đạo DHG đã đặt kế hoạch sẽ tìm kiếm các tập đoàn dược phẩm lớn của Nhật Bản để phân phối tại Việt Nam. Hiện trong HĐQT của DHG có thành viên độc lập là người Nhật.
Về phần mình, việc có thêm cổ đông lớn là tập đoàn dược phẩm Nhật Bản sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn cho DHG, thay vì một cơ cấu nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, đơn thuần đầu tư tài chính như trước kia. DHG trong vòng 2 năm trở lại đây đã chững lại về tốc độ tăng trưởng bởi quy mô trở nên lớn hơn nhiều lần so với trước kia. Thậm chí, ngay trong ngành, đã có những doanh nghiệp công khai lên tiếng thách thức ngôi vị dẫn đầu của DHG. Năm 2015, Công ty không đạt doanh thu như kế hoạch đặt ra (3.600 tỷ đồng/4.000 tỷ đồng), bởi vậy, Taisho có thể coi là động lực tăng trưởng mới của doanh nghiệp.
Hiện cổ đông lớn nhất của DHG là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), sở hữu 43,3%. Để có thuận lợi trong hoạt động đầu tư tại DHG, Taisho không thể thiếu sự hợp tác hài hòa với SCIC. Bởi vậy, trước khi đặt bút ký các hợp đồng chuyển nhượng vốn, đại gia Nhật Bản này đã có một số cuộc tiếp xúc với SCIC. Tập đoàn này có đưa ra đề xuất, mong được SCIC ủng hộ để có thể tham gia HĐQT của DHG sớm hơn so với quy định. Theo quy định, nhóm cổ đông nắm giữ 10% cổ phiếu liên tục trong vòng 6 tháng trở lên mới được đề cử ứng viên tham gia HĐQT tại doanh nghiệp.
Nếu được SCIC ủng hộ, Taisho có thể đưa tối đa 2 ứng viên tham gia vào HĐQT của DHG trước thời hạn nắm giữ cổ phiếu 6 tháng.