Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng nhịp nhàng các công cụ chính sách để giữ ổn định thị trường tiền tệ

Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng nhịp nhàng các công cụ chính sách để giữ ổn định thị trường tiền tệ

Còn dư địa ổn định lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ, song theo giới chuyên gia ngân hàng, lãi suất cho vay sẽ được duy trì ổn định để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Một người bạn đồng nghiệp chia sẻ, mới đây, cô nhận được tin nhắn từ ngân hàng về việc lãi suất khoản vay mua ô tô của cô tăng nhẹ từ 11,02%/năm lên 11,04%/năm từ tháng 6/2022, sau 2 năm được giữ nguyên. Đem chuyện này hỏi một nhân viên của TPBank thì được biết, “chuyện này không có gì là bất ngờ”. Thời điểm dịch bệnh, lãi suất cho vay được giữ nguyên, thậm chí trong một số lĩnh vực được giảm, còn hiện tại, nhu cầu cho vay tăng lên nhiều, nên lãi suất cho vay ra nhích nhẹ.

Lãi suất huy động của các ngân hàng cũng được điều chỉnh theo chiều hướng tăng trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, tại TPBank, biểu lãi suất tiền gửi tại quầy niêm yết từ đầu tháng 6 đã nhích lên từ 0,2 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn. Đối với khách hàng có số dư tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên, lãi suất tăng khoảng 0,5%/năm so với trước, với mức 4%/năm cho kỳ hạn từ 1 - 3 tháng; 6,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 6,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Trong khi đó, theo một số chuyên gia phân tích, dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng trong tháng 7, nên mặc dù thanh khoản vẫn dồi dào song các ngân hàng cố gắng chuẩn bị sẵn nguồn lực để đảm bảo dòng chảy vốn được liên tục. Động thái này khiến mặt bằng lãi suất huy động tăng lên.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho biết, thanh khoản trong hệ thống rất dồi dào cùng với nhu cầu ngoại tệ tăng trong thời gian qua nhằm phục vụ nhập khẩu nên Ngân hàng Nhà nước những ngày qua đã bán ngoại tệ để hút tiền đồng về.

Trước đó, số liệu được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cung cấp, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 7 tỷ USD để cân đối cung - cầu ngoại tệ trong 5 tháng đầu năm nay.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ mở lại kênh hút tiền trên thị trường mở (OMO) với việc chào thầu 10.000 tỷ đồng tín phiếu ngày 21/6/2022. Khoản tiền trúng thầu khoảng 200 tỷ đồng và lãi suất cũng chỉ 0,3%/năm nhưng đây là điểm rất đáng quan tâm. Bởi lẽ, kênh này đã “đóng băng” trong hơn 2 năm trở lại đây.

Tiếp theo, ngày 22/6/2022, cơ quan này đã hút 19.400 tỷ đồng qua OMO với lãi suất 0,7%/năm và ngày 23/6 “gom” thêm 30.000 tỷ đồng với lãi suất 0,7%/năm. Như vậy, chỉ trong 3 ngày, Ngân hàng Nhà nước đã hút về gần 50.000 tỷ đồng.

Nhận định về xu hướng lãi suất, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, lãi suất huy động VND dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong bối cảnh sức ép lạm phát tăng lên khi chỉ số CPI tháng 5 đã tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước và tăng bình quân 2,25% so với cuối năm 2022; nhu cầu tín dụng tăng cao (đến hết ngày 9/6, tăng khoảng 8,16%, cao hơn nhiều so với mức 4,95% của 5 tháng đầu năm 2021), kéo theo nhu cầu vốn tăng.

“Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất có thể tăng lên, song có thể vẫn ổn định khi Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp để bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay vẫn được duy trì ổn định nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế như định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là khi gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng được triển khai”, ông Lực nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, với triển vọng tăng trưởng kinh tế vững chắc và tình hình lạm phát trong nước tiếp tục được quản lý tốt, Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực giữ ổn định các lãi suất chính sách của mình để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn hiện tại ở mức 4,0%/năm và lãi suất tái chiết khấu 2,5%/năm, là các mức lãi suất thấp kỷ lục, sẽ được giữ ổn định cho đến ít nhất là cuối năm 2022. Tuy nhiên, với động thái quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ Fed, chúng tôi dự đoán Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý II/2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng trong nước vẫn tiếp tục duy trì và các rủi ro bên ngoài đáng quan ngại hơn”, ông Quang nói.

Tin bài liên quan