Từ đầu năm đến nay, Agribank đã triển khai một đợt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm từ 0,5 - 1%/năm

Từ đầu năm đến nay, Agribank đã triển khai một đợt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm từ 0,5 - 1%/năm

Còn dư địa hạ lãi suất cho vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo giới chuyên gia, lãi suất tiền gửi sẽ khó giảm, nhưng lãi suất cho vay còn dư địa giảm thêm.

Xu hướng giảm lãi suất vẫn được hỗ trợ

Chị Hoài Anh, trú tại phố Đỗ Quang, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, sau Tết Nguyên đán, có chút tiền tiết kiệm, chị quyết định gửi kỳ hạn 1 tháng để chờ giá vàng ổn định hơn sẽ rút ra mua vàng.

Trong khi đó, anh Thanh Hải, ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội lại có lựa chọn khác. Ngày 20/2 vừa qua, khi đáo hạn sổ tiết kiệm, anh đã rút tiền ra và chuyển sang giữ USD.

Bà Mai Trang, sống tại Khu đô thị Royal City, Hà Nội thì cho biết, từ cuối năm ngoái đến nay, bà đi lại như con thoi tới nhiều thành phố du lịch trong nước. “Kinh tế trì trệ, hoạt động sản xuất - kinh doanh ảm đạm, lãi suất ngân hàng thấp, trong khi bất động sản về vùng giá khá tốt nên tôi đi chơi, vừa tranh thủ tìm dự án phù hợp với nhu cầu”, bà tiết lộ.

Nhiều người dân đang trăn trở tìm kiếm kênh đầu tư trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm về mức thấp kỷ lục nhiều năm.

Trong tháng 1, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm khoảng 0,2 - 0,5%/năm, chủ yếu tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối giảm từ 0,2 - 0,3%/năm với lãi suất huy động kỳ hạn ngắn. Hầu hết nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1 - 0,5%/năm. Riêng một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất 0,1 - 0,2%/năm như VPB, SSB, ABB, chủ yếu do mức lãi suất đã giảm quá sâu thời gian trước.

Tính đến cuối tháng 1, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 4,6 - 5,2%/năm. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần đã thu hẹp từ mức 2 - 3%/năm giai đoạn 2021 - 2023 xuống còn dưới 1%/năm tại các kỳ hạn ngắn.

Theo lãnh đạo cao cấp BIDV, các yếu tố hỗ trợ xu hướng giảm của lãi suất vẫn chiếm ưu thế: Thứ nhất, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nhất quán theo định hướng nới lỏng với mục tiêu ưu tiên là thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh việc điều tiết cung tiền ở mức dồi dào, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường các giải pháp thúc đẩy tín dụng, với định hướng tăng trưởng toàn ngành năm 2024 là 15% và giao hết toàn bộ chỉ tiêu cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm. Trạng thái thanh khoản vẫn tương đối dồi dào, mặc dù mức độ dư thừa có phần giảm bớt do nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt gia tăng theo chu kỳ cuối năm.

“Bên cạnh sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ nới lỏng thì trạng thái thanh khoản VND còn được củng cố nhờ mức nền tích cực từ cuối 2023 và diễn biến ảm đạm của tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31/1/2024, số dư huy động toàn hệ thống đạt 13.633.072 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với thời điểm cuối năm 2022, số dư huy động vốn giảm 1,4%; trong đó, huy động bằng VND giảm 0,99%; ngoại tệ giảm 6,73%. Thực tế, hoạt động huy động vốn giảm trong tháng đầu năm cũng là hiện tượng bình thường khi doanh nghiệp và người dân đều có nhu cầu chi tiêu lớn trong giai đoạn Tết Nguyên đán. Tháng 1/2023, tăng trưởng huy động của hệ thống ngân hàng cũng giảm 0,57% so với cuối năm 2022.

Lãi suất cho vay có thể giảm thêm 0,5 - 1%/năm

Lãi suất huy động giảm giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, theo đó, lãi suất cho vay giảm theo, kỳ vọng kích thích nhu cầu cho vay. thực tế, không chỉ ngân hàng điều chỉnh giảm mà các chủ đầu tư dự án cũng kết hợp với ngân hàng để hỗ trợ khách hàng. Với câu chuyện của bà Mai Trang, dự án mà bà “xuống tiền” thậm chí còn được miễn lãi 2 năm đầu vay vốn.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết, từ đầu năm 2024, để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, Agribank đã hai lần giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3 - 0,5%/năm và một lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm từ 0,5 - 1%/năm. Hiện lãi suất cho vay bình quân của Agribank giảm 0,42%/năm so thời điểm đầu năm 2023 và giảm 0,13%/năm so với thời điểm đầu năm 2024 (phổ biến ở mức 7 - 9%/năm đối với khoản vay kỳ hạn ngắn và 9 - 9,5%/năm đối với khoản vay trung dài hạn).

“Trong năm 2024, Agribank sẽ tiếp tục điều hành lãi suất huy động tương đồng với nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, góp phần bình ổn tâm lý thị trường, đồng thời chủ động tiết giảm chi phí hoạt động tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay”, ông Vượng nói.

Còn ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết, Ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay đáng kể trong năm 2023. Đến nay, lãi suất cho vay bình quân tại Techcombank vào khoảng 8%/năm đối với các doanh nghiệp và 9%/năm đối với khách hàng cá nhân.

Nhận định được bà Nguyễn Thu Hà, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển và Tư vấn đầu tư SSI đưa ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để thực hiện thêm một đợt cắt giảm lãi suất chính sách nữa vào năm 2024, do hoạt động kinh tế chưa quay trở lại xu hướng tăng trưởng tiềm năng, chưa kể đến việc năm 2024 là năm đột phá cho kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi sẽ khó giảm mạnh (dự báo lãi suất tiền gửi 12 tháng cuối năm 2024 là 5,5%/năm, tăng 0,5%/năm so với cuối năm 2023), trong khi lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có thể có khả năng giảm thêm 0,5 - 1%/năm trong nửa đầu năm 2024.

“Mục tiêu của chính sách tiền tệ có thể vẫn tiếp tục hướng tới các đối tượng cụ thể, ngành nghề ưu tiên... trong khi vẫn kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý (14 - 15%) nhằm đạt mức tăng trưởng tối ưu và tiềm năng nợ xấu gia tăng, đồng thời kiềm chế lạm phát. Thực thi chính sách đa mục tiêu chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, tuy nhiên, lạm phát được kiểm soát tốt sẽ tạo dư địa rộng rãi hơn cho việc triển khai”, bà Hà nêu quan điểm.

Diễn biến đáng chú ý trên thị trường tiền tệ thời gian qua, mặc dù lãi suất huy động VND đi ngang trong tháng 2 bởi các yếu tố tác động vẫn tương đối cân bằng thì hoạt động trên kênh thị trường mở trong tuần giao dịch ngay sau kỳ nghỉ Tết sôi động khi thanh khoản trên hệ thống bất ngờ gặp áp lực. Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp thanh khoản cho thị trường thông qua việc phát hành 6.030 tỷ đồng hợp đồng mua kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4%/năm trong hai ngày 20 - 21/2/2024. Chỉ có một thành viên tham gia 2 phiên đấu thầu kể trên và giao dịch trên kênh OMO quay trở lại trạng thái trầm lắng sau đó. Điều này cho thấy việc thiếu hụt thanh khoản chỉ đến từ nguyên nhân ngắn hạn, cục bộ.

Tương tự, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm bật tăng mạnh lên mức 4,1%/năm trong phiên 21/2/2024 - mức cao nhất kể từ tháng 4/2023 và hạ nhiệt xuống còn 3,6%/năm vào ngày 23/2/2024. Khối lượng giao dịch trung bình ngày ở mức cao, trên 300.000 tỷ đồng/ngày.

Tin bài liên quan