Còn dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng

0:00 / 0:00
0:00
PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có hành động cắt giảm lãi suất USD vào cuối năm, thì dư địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam vẫn còn.
PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM)

PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM)

Theo ông, liệu Fed có cắt giảm lãi suất trong tháng 9 này không?

Các động thái từ Fed cho thấy, nhiều khả năng ngân hàng trung ương của Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trong cuối năm nay. Nhiều nhận định cũng đưa ra khả năng Fed có hai lần cắt giảm lãi suất USD trong tháng 9 và tháng 12/2024, song còn tùy vào tình hình lạm phát của Mỹ.

Theo tôi, nếu Fed không có hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, thì ít nhất có một lần vào cuối năm. Điều này sẽ tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, nhưng tình hình sẽ thể hiện rõ hơn trong năm sau, khi Fed cắt giảm lãi suất sâu hơn.

Tỷ giá liệu còn áp lực, nhất là khi Fed cắt giảm lãi suất?

Việc Fed cắt giảm lãi suất USD hai lần vào cuối năm nay sẽ giảm áp lực lên tỷ giá. Nếu điều này xảy ra, thì có nghĩa những tác động của thị trường lãi suất Mỹ tới nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ diễn ra, song có độ trễ. Trước mắt, nhu cầu về vàng còn cao, nhất là trong những tháng cuối năm, cộng với nhu cầu thanh toán hàng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cũng sẽ có áp lực lên tỷ giá, nhưng khả năng không như nửa đầu năm.

Trong bối cảnh tỷ giá bớt áp lực và “sức khỏe” USD hạ nhiệt khi Fed giảm lãi suất, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì nới lỏng, thưa ông?

Nếu tỷ giá bớt áp lực và trong bối cảnh USD hạ nhiệt, NHNN sẽ không cần nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá nữa. Trong trường hợp Fed có hành động cắt giảm lãi suất trong các tháng cuối năm nay, thì dư địa cho chính sách tiền tệ cũng như giữ lãi suất thấp của Việt Nam vẫn còn.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá vơi bớt gần đây, NHNN đã thực hiện một loạt biện pháp mang tính nới lỏng chính sách tiền tệ. Tất cả những động thái này cho thấy định hướng của NHNN trong việc hỗ trợ thanh khoản hệ thống nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng mới thấp hơn.

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế dần cải thiện, song nợ xấu có xu hướng tăng?

Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% mà ngành ngân hàng đưa ra cho cả năm nay, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỷ đồng. Thế nhưng, trong 8 tháng qua, lượng vốn đưa ra thị trường chưa đến 900.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng 112.500 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đến ngày 26/8 đạt 6,63%.

Như vậy, hệ thống sẽ phải thực hiện đẩy ra lượng vốn 1,135 triệu tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng bơm ra 227.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này gấp đôi so với những tháng đầu năm, nên đây là một thách thức không hề nhỏ đối với ngành ngân hàng.

Nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng, theo NHNN, hiện trên 5%, nhưng khả năng đến cuối tháng 9/2024 mới đạt đỉnh, nếu tình hình kinh tế thế giới không quá xấu và kinh tế trong nước dần hồi phục, kéo theo sự ấm dần của bất động sản. NHNN đã gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024, cho phép ngân hàng cơ cấu lại nợ và khách hàng có thêm thời gian trả nợ.

Xét con số thực tế, nợ xấu sẽ cao hơn con số các ngân hàng công bố. Nhiều khả năng trong thời gian tới, nợ xấu còn xu hướng tăng để cân đối được con số nợ xấu thực tế và nợ xấu ngân hàng tái cơ cấu. Do đó, nếu đến hết năm 2024, khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực, nợ xấu tiếp tục tăng, thì khả năng NHNN phải gia hạn việc tái cơ cấu nợ thêm một thời gian, tạo điều kiện cho xử lý nợ.

Tin bài liên quan