Tính đến 31/12/2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư 1,7 triệu tỷ đồng

Tính đến 31/12/2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư 1,7 triệu tỷ đồng

“Cởi trói” vốn nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có thể bị ảnh hưởng bởi quy định tại Dự luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính soạn thảo và đang lấy ý kiến đóng góp.

Kỳ vọng lớn

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 (Luật số 69/2014/QH13) đã góp phần tạo môi trường pháp lý cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; tạo tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước ổn định, phát triển sản xuất - kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn nhà nước, tổng vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp là 1,7 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 2,75 triệu tỷ đồng, lãi trước thuế xấp xỉ 248.000 tỷ đồng.

“Đến nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua về việc bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8/6/2024. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động làm việc, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và doanh nghiệp trong tổng hợp các khó khăn, bất cập và kiến nghị cấp có thẩm quyền nhằm sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13. Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xác định, đây là dự án luật quan trọng, có tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến hoạt động của Ủy ban và các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, do đó đã đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc Ủy ban và các doanh nghiệp trực thuộc tập trung rà soát, nghiên cứu, tham gia ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật”, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, trong quá trình tham gia, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Luật, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có 6 văn bản góp ý chính thức, tổ chức nhiều buổi làm việc với bộ này, một số cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp thuộc Ủy ban. Trên cơ sở đó, phân tích, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu của Ủy ban.

Dự luật được kỳ vọng xây dựng và ban hành trên nguyên tắc kế thừa các quy định còn phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả tích cực, tháo gỡ và điều chỉnh những quy định không còn phù hợp ở Luật số 69 hiện hành. Từ đó, góp phần “cởi trói” cho doanh nghiệp nhà nước, tạo không gian rộng hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để doanh nghiệp nhà nước thực sự đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong nền kinh tế.

Thực tế còn nhiều băn khoăn

Doanh nghiệp nhà nước cần được tạo không gian rộng hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để doanh nghiệp nhà nước thực sự đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, có những nội dung trong dự thảo Luật khiến giới đầu tư bất ngờ và không khỏi lo lắng.

Theo dự thảo Luật, đối tượng áp dụng của Luật đã mở rộng so với Luật số 69/2014/QH13, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (gọi tắt là doanh nghiệp cấp 1) và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (gọi tắt là doanh nghiệp cấp 2) không phân biệt tỷ lệ vốn góp của nhà nước, tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp cấp 1.

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, doanh nghiệp cấp 2 có nhiều loại, nên cần cân nhắc xem có đưa vào quản lý hết hay không. Đơn cử, tại VNR có 24 doanh nghiệp cấp 2 mà Tổng công ty sở hữu từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp lớn nhất có vốn điều lệ 28 tỷ đồng, địa bàn hoạt động trải dài ở 24 tỉnh, thành phố. Trong khi đó, việc lựa chọn, bổ nhiệm người đại diện vốn tại các doanh nghiệp này được thực hiện chặt chẽ, theo quy trình nhiều bước, có thể giao cho họ chịu trách nhiệm để họ chủ động.

Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất liên quan đến quy định tại Điều 15 trong dự thảo Luật về phân phối lợi nhuận, đó là đối với doanh nghiệp mà tỷ lệ sở hữu nhà nước từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, sau khi trích lập các quỹ, phần lợi nhuận, cổ tức được chia tương ứng với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được sử dụng để chi tiền lương, tiền thưởng của người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp; cơ quan có quyền đại diện sở hữu vốn có quyền điều chuyển quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp giữa các doanh nghiệp.

Quy định trên được lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nhận xét là trái với Luật Doanh nghiệp và Luật Kế toán hiện hành, vì hiện nay, chi phí lương, thù lao của người lao động trong doanh nghiệp nằm trong chi phí hoạt động, được khấu trừ khỏi lợi nhuận gộp khi tính thu nhập hoạt động. Còn việc điều chuyển quỹ đầu tư phát triển tại các doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng bất công bằng, cào bằng giữa các doanh nghiệp và cũng vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp về sự công bằng giữa các cổ đông.

Về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu, một trong các bất cập của quy định pháp luật hiện hành (Điều 24, 42 và 44 Luật số 69/2014/QH13) về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định với giá trị vượt quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án, hoặc vượt quá mức vốn của dự án nhóm B là chưa làm rõ nội hàm “phê duyệt” của cơ quan đại diện chủ sở hữu ở đây là phê duyệt nội dung gì và trình tự thực hiện trước hay sau quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền theo Luật Đầu tư.

Khó khăn, vướng mắc, bất cập này đã nhiều lần được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao đổi, góp ý và báo cáo tại các diễn đàn trong quá trình tham gia xây dựng dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa có hướng dẫn làm rõ việc doanh nghiệp trình cơ quan đại diện chủ sở phê duyệt chủ trương dự án đầu tư theo Luật này cần thực hiện trước hay sau thời điểm trình các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định tại Luật Đầu tư. Đồng thời, không hướng dẫn rõ các nội dung phê duyệt chủ trương dự án để cơ quan đại diện chủ sở hữu có căn cứ xem xét phê duyệt.

Là dự án luật điều chỉnh một trong các khu vực trọng yếu của nền kinh tế, bởi vậy việc sửa luật lần này theo ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nên được quan tâm, tham vấn kỹ, để hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo ra các động lực mới với tư duy phát triển cho khu vực kinh tế nhà nước.

Tin bài liên quan