Tầm vóc doanh nhân Việt
15 năm từ khi Thủ tướng quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam” và cũng là 74 năm ngày Bác Hồ viết thư gửi giới công thương Việt Nam (13/10/1945 – 13/10/2020), dù lịch sử đất nước trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi không ngừng, tầng lớp doanh nhân Việt Nam không ngừng thay đổi, lớn mạnh và từng bước đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển đất nước.
Không những vậy, họ còn góp phần tạo dựng hình ảnh con người Việt Nam tự chủ, năng động, thể hiện niềm kiêu hành và khát vọng khẳng định giá trị bản lĩnh Việt Nam trên thương trường Quốc tế. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường. Họ là những “con sếu” đầu đàn trong cuộc cạnh tranh quốc tế, là chỗ dựa cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Vì thế, theo ông Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Reatimes, việc nhìn lại quá trình hình thành và phát triển giới doanh nhân Việt Nam, từ những lúc thăng trầm bộc lộ bản lĩnh – khát vọng, cho đến những công hiến – đồng hành cùng vận nước là điều hết sức quan trọng để có thể đánh giá đúng vai trò của giới doanh nhân, đồng thời tận dụng và tạo điều kiện cho giới doanh nhân phát triển, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Thực tế, nhìn lại chặng đường 3 thập kỷ qua, từ khi công cuộc đổi mới của đất nước được khởi xướng vào năm 1986, có thể thấy rõ những dấu ấn, những thành quả của các thế hệ doanh nhân.
Chính họ đã tận dụng được cơ hội từ tư duy doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm của Luật Doanh nghiệp năm 2000, từ những bước hội nhập mỗi lúc một sâu rộng hơn của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới; từ những yêu cầu thay đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế, để chung tay đưa nền kinh tế Việt Nam ra khỏi tình trạng nước nghèo, đứng vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình.
Những con người này, tiêu biểu là các doanh nhân Trương Gia Bình, Phạm Nhật Vượng, Vũ Văn Tiền, Lê Phước Vũ, Võ Quốc Thắng, Trần Bá Dương, Phạm Đình Đoàn, nữ doanh nhân Mai Kiều Liên, Nguyễn Thị Nga, Phạm Thị Việt Nga, Thái Hương... đã đưa tên tuổi hàng hóa Việt Nam, thương hiệu Việt Nam, địa điểm đầu tư Việt Nam ra thị trường thế giới, được thế giới ghi nhận.
Hiện tại, họ và những thế hệ doanh nhân kế tiếp đang tiếp tục đảm trách nhiệm vụ của lực lượng tiên phong, đưa nền kinh tế, đất nước phát triển tự chủ, tránh được bẫy thu nhập trung bình để đứng vào hàng ngũ các quốc gia giàu có trên thế giới.
"Cởi trói" để doanh nghiệp tư nhân phát triển
Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, là một trong số ít quốc gia mà giới doanh nhân hình thành và phát triển đi lên trong bối cảnh rất trầy trật, khó khăn, trong rừng pháp luật như chúng ta, thậm chí thời kỳ đầu họ bị coi là con buôn.
Nhưng phải thừa nhận rằng, giới doanh nhân Việt Nam cũng đã từng bước vượt qua khó khăn để phát triển. Thực tế trong các kỳ khủng hoảng 1997 - 1998 đến giai đoạn 2008 - 2010, khủng hoảng lớn, khó khăn nhiều nhưng đổ bể không nhiều, trừ một số lĩnh vực, còn lại doanh nhân đều tự động điều chỉnh, vượt khó.
Điều này khẳng định vai trò vị trí của đội ngũ doanh nhân trong xã hội Việt Nam. Là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế xã hội đất nước, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã hình thành những tên tuổi mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, phát triển lĩnh vực công nghệ cao, cạnh tranh lớn.
Đáng mừng là hiện nay, từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến giới truyền thông và trong dư luận xã hội, quan điểm với giới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã tốt dần lên. Mới đây, Tổng Bí thư cũng đã có những lời động viên tới giới doanh nhân. Về mặt chủ trương chính sách của Đảng cũng có nhiều hỗ trợ. Dù là giới doanh nhân phấn đấu đóng góp thế nào, bận rộn thế nào thì cách nhìn nhận của xã hội của truyền thông với doanh nhân cũng rất quan trọng.
Và phải khẳng định, giới truyền thông gần đây đã nhìn nhận doanh nghiệp, doanh nhân với thái độ khách quan hơn, tích cực hơn. Để có được điều đó, không thể phủ nhận sự nỗ lực cố gắng mạnh mẽ của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt trong họat động sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm dịch vụ đạt chất lượng.
Dẫu vậy, để các doanh nhân thực sự lớn mạnh hơn nữa, theo ông Nam, nhiệm vụ quan trọng là cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường; Bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) nói về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân: "Bác Hồ đã nói xây dựng nền kinh tế là vai trò của doanh nhân. Giữa Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có sự tương đồng, vị khách đầu tiên của Bác ở Phủ Chủ tịch là doanh nhân, còn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bức thư cuối cùng Đại tướng để lại là cho giới doanh nhân. Đại tướng đã căn dặn doanh nhân là nhạc trưởng tiên phong trong quá trình phát triển đất nước".
Theo ông Lộc, đến nay, vị thế của doanh nhân đã được xác định, khuôn khổ pháp lý dành cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang hình thành. Sự phát triển của giới doanh nhân đã vươn lên. Có hơn 700.000 doanh nghiệp, có 5 triệu hộ kinh doanh, về bản chất là tương đương 5 triệu doanh nhân.
Doanh nhân đã đưa Việt Nam tiên phong đóng góp xóa nghèo. Đội ngũ doanh nhân đang đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập, đưa đất nước trở nên hùng cường, doanh nhân là động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế.
Có thể nói thế hệ doanh nhân thứ nhất là thế hệ dũng cảm, ngoài những thách thức thương trường thì còn là thách thức ở thể chế. Đến nay, lớp doanh nhân đầu tiên đã trụ được, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, đến bối cảnh hiện nay, sẽ cần thêm đội ngũ doanh nhân mới mang hơi thở của sự đổi mới và sáng tạo trong bối cảnh cách mạng 4.0 với Big Data, AI hay IoT.
Ngoài ra, quá trình phát triển hiện nay gắn liền với đô thị hóa, sự hình thành của các đô thị thông minh là là động lực quan trọng trong quá trình tăng trưởng.
Trong quá trình này, chính các doanh nghiệp bất động sản đóng vai trò rất quan trọng. Nếu bất động sản phát triển đúng hướng sẽ là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ. Để phát triển lành mạnh thì cần có vai trò định hướng quan trọng của nhóm doanh nghiệp ngành bất động sản.
Do đó, để thúc đẩy hệ sinh thái cho đội ngũ doanh nhân, cần có làn sóng đổi mới. 30 năm vừa qua chúng ta đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho địa phương, giờ là giai đoạn dẫn dắt, thúc đẩy yểm trợ cho sự phát triển cho doanh nhân doanh nghiệp, cải cách thể chế và nâng cấp phát triển doanh nghiệp.