Theo ông Sugii Jun - Phó tổng giám đốc cấp cao, nhóm giải pháp cho các doanh nghiệp toàn cầu Nhật Bản, với chương trình bảo hiểm này, Coface sẽ đánh giá rủi ro, thiết kế chương trình bảo hiểm phù hợp và xúc tiến một hợp đồng bảo hiểm các khoản phải thu; thanh toán bồi thường theo các điều kiện và điều khoản của hợp đồng bảo hiểm tương ứng với tư cách là nhà tái bảo hiểm.
Trong khi đó, bảo hiểm UIC sẽ liên hệ với nhà chức trách liên quan đến các vấn đề về cơ chế, thuế, luật pháp phục vụ việc cấp đơn bảo hiểm (trách nhiệm pháp lý); chịu trách nhiệm thương thảo với khách hàng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Coface (trách nhiêm thương mại); cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tín dụng tương ứng với các dịch vụ cung cấp bởi Coface (trách nhiệm cung cấp dịch vụ); và thanh toán bồi thường theo các điều kiện và điều khoản của hợp đồng bảo hiểm tương ứng (trách nhiệm bồi thường).
Theo bà Võ Thị Phương Anh, Tổng giám đốc Coface Việt Nam, dù doanh thu còn khiêm tốn, nhưng theo nhận định của các doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai sản phẩm bảo hiểm tín dụng thương mại thì nhận thức của nhiều doanh nghiệp về sản phẩm này đã và đang thay đổi theo xu hướng tích cực hơn.
Các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đánh giá đây là một loại hình bảo hiểm rất tiềm năng, nên vẫn quyết tâm khai thác, dù xác định thời gian để các doanh nghiệp xuất khẩu hiểu hơn về ý nghĩa của sản phẩm không phải là “ngày một ngày hai”.
Về phía doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, nhận thức về rủi ro và quản lý rủi ro cũng đã tốt hơn sau nhiều trải nghiệm và quan sát kinh nghiệm của người đi trước.
Tuy nhiên, việc quan ngại về chi phí phải trả và hạn chế về kiến thức chuyên môn cũng ít nhiều làm doanh nghiệp Việt Nam do dự khi tham gia chương trình quản lý rủi ro rín dụng.