Năm 2016, OCB đặt mục tiêu tăng trưởng so với năm 2015

Năm 2016, OCB đặt mục tiêu tăng trưởng so với năm 2015

Cổ tức ngân hàng, đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

(ĐTCK) Trong bối cảnh khó khăn, hầu hết các nhà băng đều nói “không” với cổ tức cho cổ đông, nhưng tỷ lệ cổ tức năm 2014 của nhà băng trên đã đạt 5% và dự kiến cổ tức năm 2015 cũng không thể thấp hơn.
 

Quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng đang vào giai đoạn cuối và sức khỏe của các nhà băng sau M&A đã dần cải thiện. Vì vậy, khả năng nhiều ngân hàng sẽ tiến hành bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, niêm yết trên sàn chứng khoán, đẩy mạnh xử lý nợ xấu để hoàn nhập dự phòng cũng như tăng cường bán lẻ để tăng doanh thu, cải thiện lợi nhuận…Cổ phiếu ngân hàng được dự báo sẽ dần khởi sắc kể từ năm 2016.

Ông Nguyễn Hải Thanh, cổ đông của một ngân hàng cho hay, khoản vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng vào cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua xem như bất động, không những không sinh lãi mà còn lỗ khi giá cổ phiếu giảm về dưới mệnh giá. Ông Thanh muốn bán cũng không bán được, do cổ phiếu của nhà băng mà ông đang đầu tư chưa lên sàn.

Theo ông Thanh, điều may mắn là ngân hàng ông đầu tư tuy có khó khăn và phải sáp nhập với một nhà băng khác, song không bị bán lại với giá 0 đồng cho NHNN. Đồng thời, hoạt động của nhà băng này từng bước được cải thiện sau khi M&A và tăng năng lực tài chính, sức cạnh tranh trên thị trường.

Lợi nhuận trong năm 2015 còn ở mức khiêm tốn trên 150 tỷ đồng, nhưng tình hình hoạt động của ngân hàng đã dần cải thiện theo hướng tích cực.

“Hoạt động tín dụng tăng trở lại sẽ kéo theo lợi nhuận ngân hàng tăng. Đồng thời, bất động sản hồi phục là cơ hội để xử lý nợ xấu, hoàn nhập dự phòng thì khả năng cổ tức cũng sẽ được chia trong thời gian tới. Giá cổ phiếu ngân hàng có thể trước mắt chưa thể kỳ vọng bật mạnh, nhưng khả năng hồi phục là có”, ông Thanh kỳ vọng.

Thực tế cho thấy, hoạt động tín dụng tăng trưởng tích cực trong năm qua và dự báo mức tăng trưởng năm 2016 còn cao hơn. Sức khỏe của những nhà băng sau M&A dần cải thiện khi quá trình tái cấu trúc chuẩn bị kết thúc.

Một ngân hàng thuộc diện M&A tự nguyện cho biết, năng lực tài chính đã tăng lên đáng kể, mức vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng tăng lên 8.100 tỷ đồng. Năm qua, ngân hàng này đạt lợi nhuận xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn, hầu hết các nhà băng đều nói “không” với cổ tức cho cổ đông, nhưng tỷ lệ cổ tức năm 2014 của nhà băng trên đã đạt 5% và dự kiến cổ tức năm 2015 cũng không thể thấp hơn.

Trả lời ĐTCK, tổng giám đốc một ngân hàng cũng cho hay, ngân hàng đã chia cổ tức 7% năm 2014 và cổ tức năm 2015 sẽ tăng lên chút đỉnh. Bởi hoạt động của ngân hàng trong năm qua khả quan hơn khi vượt chỉ tiêu lợi nhuận, đạt mức 1.130 tỷ đồng và kế hoạch năm 2016 tăng trưởng lợi nhuận hơn 20%.

Trong khi đó, lãnh đạo cấp cao của một nhà băng khác cho hay, mặc dù đang giai đoạn cuối tái cấu trúc và cổ đông ngân hàng cũng thông cảm với việc “nói không” với cổ tức trong 2 năm qua, song ông kỳ vọng cổ đông sẽ được bù đắp trong thời gian tới khi ngân hàng tiến hành bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hai năm qua, ngân hàng dành mọi nguồn lực cho quá trình tái cơ cấu, lợi nhuận thu về chủ yếu để trích dự phòng rủi ro. Nhưng theo vị lãnh đạo này, năng lực tài chính của ngân hàng đã được cải thiện (vốn điều lệ đã tăng trên 14.000 tỷ đồng) và đang quá trình đàm phán với đối tác để bán trên 50% cổ phần.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2015 của OCB mới đây, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, mặc dù kết quả hoạt động năm qua của Ngân hàng chưa hoàn toàn đạt kỳ vọng ban đầu, nhưng đã có những bước tiến đáng ghi nhận về thương hiệu, công nghệ, con người và nhiều yếu tố khác.

Theo ông Tuấn, năm 2016 là thời điểm thuận lợi để OCB tăng tốc, phát triển quy mô với mục tiêu trở thành 1 trong 15 ngân hàng mạnh nhất Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2016, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 31% so với năm 2015; tổng dư nợ tín dụng tăng 44%; tổng huy động thị trường 1 tăng 46%; tổng lượng khách hàng tăng 43%. Ngày 16/1 vừa qua, OCB đã phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ hơn 3.547 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận của các ngân hàng, đặc biệt là khối ngân hàng niêm yết, trong năm qua được cải thiện khi tín dụng tăng trưởng tích cực. Cùng với đó là việc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.

Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, hệ thống ngân hàng đã từng bước được làm sạch và củng cố, loại dần ngân hàng yếu. Do đó, những nhà băng còn lại sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt trong thời gian tới khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ngày càng tích cực hơn.

Theo ông Lịch, tín dụng năm 2016 sẽ theo chiều hướng tăng trưởng hơn năm 2015. Đây sẽ là cơ hội để ngân hàng cải thiện lợi nhuận, nhưng cũng cần thận trọng kiểm soát rủi ro khi dư nợ tăng mạnh.

Tin bài liên quan