Cổ tức ngân hàng chủ yếu vẫn bằng… cổ phiếu

Cổ tức ngân hàng chủ yếu vẫn bằng… cổ phiếu

(ĐTCK) Sau một năm kinh doanh khởi sắc, điều nhiều cổ đông trông đợi là khoản cổ tức hậu hĩnh từ các nhà băng. Tuy nhiên, phương án chia cổ tức các ngân hàng dự kiến trình cổ đông thông qua chủ yếu vẫn là bằng cổ phiếu, thậm chí có nhà băng còn không chia cổ tức. 

Ngày 22/3, Ngân hàng Á châu (ACB) sẽ chốt danh sách cổ đông để tham dự đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019. Đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 23/4 tới. Một trong những nội dung quan trọng được ACB dự kiến trình cổ đông là phương án tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu chia cổ tức.

Đây cũng là tiền lệ của ACB. Năm 2017, tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu của ACB là 15%, còn năm 2018, mức chia là 30%, với tổng giá trị dự kiến là 3.740 tỷ đồng. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt 6.388 tỷ đồng, tăng trưởng 140,5% và hoàn thành 112,1% kế hoạch đề ra (5.700 tỷ đồng).

Đồng thời, ACB dự kiến bán cổ phiếu quỹ để tăng vốn. Theo báo cáo tài chính năm 2018, ACB đang sở hữu 41,42 triệu cổ phiếu quỹ. Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), lợi nhuận trước thuế năm 2019 của ACB dự báo đạt 7.772 tỷ đồng; nợ xấu sau khi xử lý tương đương 1% tổng dư nợ.

Tại Ngân hàng VIB, mặc dù đã được NHNN công nhận hoàn thành Basel II, nhưng VIB vẫn đứng trước áp lực tăng vốn. Ngày 23/3 tới, VIB dự kiến sẽ trình đại hội đồng cổ đông phương án tăng vốn điều lệ lên mức tối đa 10.900 tỷ đồng, bao gồm cả kế hoạch thưởng cổ phiếu cho cổ đông và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, VIB đề xuất Đại hội ủy quyền cho Hội đồng quản trị lựa chọn thời điểm thích hợp để niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.

Mùa đại hội cổ đông ngân hàng đã cận kề, cổ tức lại tiếp tục thu hút sự quan tâm của thị trường. Nhưng với cổ đông VPBank có lẽ không phải là tin mừng sau một năm chờ đợi. Nhà băng này vừa xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018.

Theo đó, VPBank cho biết, năm 2018, Ngân hàng đạt hơn 7.355 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau khi trích lập các quỹ (bao gồm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ đầu tư phát triển) hơn 3.924 tỷ đồng, số lợi nhuận chưa phân phối 3.431 tỷ đồng sẽ được giữ lại toàn bộ nhằm mục đích bổ sung vốn cho hoạt động của VPBank.

Việc các ngân hàng chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu thực ra cũng dễ hiểu. Hiện nay lợi nhuận dù có cải thiện, nhưng các ngân hàng chịu áp lực tăng vốn để đáp ứng Basel II với những tiêu chuẩn về an toàn vốn khắt khe hơn nhiều, cổ đông khó kỳ vọng nhận cổ tức tiền mặt. Kể cả các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank), vài năm gần đây cũng liên tục đề xuất được chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì chia bằng tiền mặt.

Trước đó, năm 2018, VPBank đã phát hành hơn 925,6 triệu cổ phần để nâng vốn điều lệ lên gần 25.300 tỷ đồng, trong đó gồm hơn 452,4 triệu cổ phần để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2017; hơn 15,4 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ từ nguồn Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, và hơn 457,7 cổ phần để tăng vốn điều lệ từ nguồn thặng dư vốn cổ phần.

Năm 2018, MB thành công tăng vốn khi chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cụ thể, MB tăng thêm 3.450 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên gần 21.605 tỷ đồng nhờ vào đợt phát hành riêng lẻ 345 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức đợt 2/2017 tỷ lệ 5%, và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14%. Tại Techcombank, Ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1:2 trong quý III/2018, giúp vốn điều lệ tăng gấp 3 lần lên 34.956 tỷ đồng.

Quý cuối năm 2018, LienVietPostBank phát hành 37,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhằm tăng vốn lên 9.875 tỷ đồng. ABBank cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chia cổ tức tỷ lệ 7,4%, tương ứng với phát hành hơn 39,3 triệu cổ phiếu.

SeABank thực hiện 3 đợt phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, trả cổ tức và chào bán cho các cổ đông hiện hữu… với hơn 222,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 7.688 tỷ đồng. TPBank lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng tỷ lệ 28% để tăng vốn lên 8.566 tỷ đồng.

Mục tiêu Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần đến cuối năm 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực quy định của Basel II, trong đó ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên.

Tới cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt. Thời hạn hoàn thành ngày càng gần, nhưng tính đến nay trong số 10 ngân hàng thí điểm Basel II chỉ mới 2 ngân hàng chính thức áp dụng là Vietcombank, VIB và thêm một ngân hàng nằm ngoài danh sách này là OCB đã hoàn tất Basel II.

Tuy nhiên, các ngân hàng này vẫn tiếp tục đứng trước áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) đáp ứng đúng quy chuẩn mới. Với 8 ngân hàng còn lại, tăng vốn đáp ứng Basel II lại cần thiết hơn. Nhiều ngân hàng khác đang tái cơ cấu cũng sẽ không đứng ngoài yêu cầu này. Do vậy, thời cổ tức ngân hàng bằng tiền mặt có thể còn lâu mới trở lại.            

Tin bài liên quan