Mùa ĐHCĐ sắp diễn ra và một trong những câu chuyện vẫn luôn được cổ đông quan tâm là cổ tức. Ông đánh thế nào về cổ tức ngân hàng năm nay?
Tiền của cổ đông đầu tư vào ngân hàng, nên việc họ quan tâm đến việc chia cổ tức như thế nào là hết sức bình thường. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là để có thể chia được cổ tức, thì yếu tố cơ bản là ngân hàng phải có lãi.
Hiện nay, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam là thấp. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến hết quý III/2016, tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản của cả hệ thống là 0,45% và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn tự có là 5,66%, khá thấp so với chuẩn mực thông thường thế giới, tương ứng là 1% và 10%.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Với thực tế đó, việc chia cổ tức cho các cổ đông là bài toán hóc búa. Thông thường, ngân hàng chia một nửa lợi nhuận hằng năm cho cổ đông, còn lại một nửa thì dùng để bổ sung vốn tự có. Nhưng nếu lợi nhuận thấp và cổ tức tính trên mỗi cổ phần đã thấp thì phải lấy cả lợi nhuận để trả cổ tức, khi đó thì lấy đâu ra tiền để bổ sung vốn tự có.
Ngược lại, nếu dùng số lợi nhuận ít ỏi để bổ sung vốn tự có thì đương nhiên khoản cổ tức đó đành phải “chờ đến năm sau”. Được biết, tình trạng cổ đông ngân hàng bị “treo” cổ tức kéo dài là không hiếm.
Trước mùa ĐHCĐ, đề cập đến vấn đề này có lẽ sẽ khiến các cổ đông “xót xa”, nhưng có một thực tế là tỷ lệ sinh lời của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam quá thấp để trả cổ tức, thậm chí có ngân hàng còn lỗ, nên việc trả cổ tức là điều không thể.
Thực tế hiện nay, việc trả cổ tức của các ngân hàng thương mại phải được cơ quan quản lý, mà cụ thể ở đây là NHNN chấp thuận, điều này ảnh hưởng thế nào đến các cổ đông?
Chúng ta cần thẳng thắn với nhau là sổ sách của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung chưa minh bạch, nên rất khó xác định mức lợi nhuận cụ thể là bao nhiêu. Trong ngành ngân hàng, tất cả ngân hàng đều có kiểm toán độc lập, nhưng mức độ tin cậy vẫn “rất tương đối”. Thậm chí, tại một số ngân hàng, ban lãnh đạo có thể còn không nắm chính xác mức sinh lời của ngân hàng mình do những cách hạch toán không chính xác về nợ xấu, các khoản lãi phải thu từ các món nợ xấu và những “chi phí ngoại bảng”.
Do vậy, với tư cách là cơ quan quản lý, đồng thời là nơi nắm rõ nhất về hoạt động, cũng như mức độ lợi nhuận của mỗi ngân hàng, nếu thấy ngân hàng nào hoạt động chưa hiệu quả, việc NHNN phủ quyết phương án chia cổ tức của ngân hàng đó là hoàn toàn hợp lý, nhằm buộc ngân hàng dùng vốn đó tăng vốn tự có để hỗ trợ tăng trưởng hoạt động cho vay và chống đỡ rủi ro.
Trong trường hợp NHNN chỉ định không cho chi trả cổ tức, cổ đông cần phải hiểu rằng, vốn của họ không mất, chỉ là dùng vốn đó để tăng cường sức mạnh tài chính của ngân hàng. Những năm tiếp theo, nếu ngân hàng hoạt động kinh doanh tốt thì giá trị cổ phiếu tăng lên, lúc đó, cổ đông sẽ là người hưởng lợi trước tiên.
Trong những trường hợp này, ngân hàng không chi cổ tức bằng tiền mặt, nhưng chia cổ tức bằng cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị cổ phần đầu tư của cổ đông tăng lên. Về lâu dài, đó là điều có lợi cho cổ đông.
Theo ông, NHNN không cần can thiệp bằng biện pháp hành chính, thì có thể dùng biện pháp nào khác trong việc chia cổ tức?
Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý nên đưa ra định hướng, hướng dẫn về vấn đề lương thưởng, chia cổ tức trên cơ sở lợi nhuận hằng năm. Cụ thể, NHNN có thể quy định cho phép các ngân hàng chia cổ tức nếu ngân hàng đạt được những chỉ tiêu tài chính tối thiểu như ROA, ROE, tỷ lệ nợ xấu…, đồng thời mức cổ tức có thể tính trên các mức thang điểm của các chỉ tiêu tài chính này.
Tại các quốc gia có hệ thống ngân hàng phát triển như Mỹ, Đức, Anh, Pháp… ngân hàng trung ương thường không đưa ra các quy định chặt chẽ về việc chia cổ tức và cho phép các ngân hàng có quyền tự quyết việc chia cổ tức của mình. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng còn non trẻ và ít cổ đông có kinh nghiệm trong việc giám sát sự an toàn vốn, cũng như hoạt động của ngân hàng, thì việc NHNN can thiệp vào việc chia cổ tức tại một số ngân hàng như hiện nay để bảo đảm sự an toàn và ổn định là điều rất cần thiết.