Các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền, để giữ lại nguồn lợi nhuận bổ sung cho hoạt động kinh doanh.

Các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền, để giữ lại nguồn lợi nhuận bổ sung cho hoạt động kinh doanh.

Cổ tức bằng… giấy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông năm 2021, câu chuyện cổ tức nhận được sự đồng thuận khá tốt của các cổ đông. Nhưng đó là chuyện của năm ngoái. 

Trong nửa đầu năm 2021, cổ phiếu ngân hàng cùng thép và các công ty chứng khoán tạo bộ ba “bằng chứng thép” dẫn sóng thị trường, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thậm chí còn nhận được sự đồng thuận lớn của các cổ đông ngân hàng.

Cùng tỷ lệ cổ tức 10%, nếu 1 cổ đông đang sở hữu 1.000 cổ phiếu, nếu nhận bằng tiền mặt thì con số được hưởng là 1 triệu đồng, nhưng nếu nhận bằng cổ phiếu với thị giá giao dịch giả sử 22.000 đồng/cổ phiếu thì con số sẽ gấp đôi, kể cả sau khi đã điều chỉnh thị giá vào ngày chốt quyền.

Một phép tính nhỏ chưa phản ánh hết đầy đủ bài toán của nhà đầu tư, vì chưa có mức giá mua vào cổ phiếu, giá thời điểm cổ phiếu được chia về tài khoản, nhưng trong xu hướng giá tăng thì cổ tức bằng cổ phiếu luôn được chào đón. Thậm chí, các đợt phát hành thêm cũng ít có quyền mua bị bỏ bởi mua thì có lợi hơn bỏ quyền khi giá còn tăng.

Đó là chuyện năm ngoái, còn năm nay các dữ liệu liên quan tới bài toán cổ tức bằng cổ phiếu đã khác.

Kể từ tháng 7/2021, cách đây đã tới 6 tháng, giá cổ phiếu ngành bank gần như chỉ dao động xung quanh một khoảng rất hẹp và thấp hơn mức đỉnh giá của nhóm cổ phiếu này trung bình khoảng 10 - 20%. Hàng tỷ cổ phiếu được trả cổ tức năm 2020 và cổ phiếu phát hành thêm tạo độ pha loãng lớn, là nguyên nhân chính ép giá “cổ phiếu vua” không tăng được bên cạnh các nguyên nhân khác như dòng tiền đã chuyển hướng tìm tới các nhóm ngành khác có cơ hội tăng giá tốt hơn.

Nếu năm 2022, tiếp tục các đợt trả cổ tức khủng cho thành tích kinh doanh 2021 thì độ pha loãng còn có thể lớn hơn nữa. Giá cổ phiếu đã khó tăng lại gặp điều chỉnh sau mỗi ngày chốt quyền thì nhận thêm cổ tức bằng cổ phiếu không còn có lợi bằng tiền mặt.

Tiếc rằng điều này chắc chắn sẽ xảy ra, VIB sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 35,7%, OCB dự kiến từ 20 - 25%, MSB chia cổ tức 30%, SHB tối thiểu 15%…

Với các nhà đầu tư trung dài hạn, nắm giữ cổ phiếu 3-5 năm thì điều này không có vấn đề gì, chỉ cần một con sóng tăng giá thì mức thu lời thậm chí rất tốt. Nhưng với các nhà đầu tư ngắn hạn, nắm giữ cổ phiếu trong vài tháng thì rõ ràng, cách chia cổ tức “bằng giấy” không có lợi bằng chia tiền mặt.

Chưa kể, các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua vài trăm cổ phiếu thì tỷ lệ cổ tức trên dù cao nhưng số cổ phiếu được chia thêm chỉ là vài chục, trở thành cổ phiếu lẻ trong tài khoản, muốn bán cũng không được vì chính sách lô tối thiểu 100 cổ phiếu vẫn đang duy trì kể từ khi hệ thống công nghệ của HOSE bị lỗi năm ngoái.

Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp gia tăng vốn chủ sở hữu cho các ngân hàng. Điều này khá phổ biến ở những ngân hàng đang trong giai đoạn tăng trưởng cao, giữ lại lợi nhuận để mở rộng kinh doanh, đồng thời, cải thiện hệ số an toàn vốn… Đây cũng là “chính sách cứng” của Ngân hàng Nhà nước dành cho cổ tức 2021 các ngân hàng.

Lãnh đạo các ngân hàng vui với chính sách này vì họ giữ lại được nguồn lợi nhuận bổ sung vốn kinh doanh, đây là vốn góp của cổ đông có giá huy động là 0%/năm. Còn ngược lại, với các cổ đông, tài khoản sẽ được cộng thêm một số phần trăm cổ phiếu, tất nhiên cũng sẽ vui nếu cổ phiếu có thêm con sóng mới. Hy vọng được không?

Tin bài liên quan