Doanh nghiệp trả cổ tức cao chủ yếu do có khoản lợi nhuận đột biến.

Doanh nghiệp trả cổ tức cao chủ yếu do có khoản lợi nhuận đột biến.

Cổ tức “ăn xổi”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu chia cổ tức cao mang đến cơ hội đầu tư hấp dẫn, nhưng thực tế cho thấy có những rủi ro và mức cổ tức này không bền.

Doanh nghiệp chi trả cổ tức cao…

PRC của Công ty cổ phần Logistics Portserco là mã cổ phiếu “nóng” trong thời gian gần đây khi công ty này công bố kế hoạch trả cổ tức năm 2022 ở mức 350% bằng tiền mặt. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu PRC trong danh sách chốt ngày 31/3/2023 sẽ được nhận 35.000 đồng vào ngày 20/4/2023.

Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex, mã chứng khoán VOC) cho biết, doanh nghiệp sẽ chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 100%. Doanh nghiệp đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để xác định lại ngày chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức, thay vì ngày 17/3/2023 như thông báo trước đó.

Ngày 24/3/2023, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Dầu khí IDICO (mã chứng khoán ICN) sẽ tạm ứng cổ tức đợt 3/2022 bằng tiền, tỷ lệ 45%, nâng tỷ lệ cổ tức tạm ứng 3 đợt lên 150%. Ngoài ra, Công ty sẽ phát hành 8,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 70%.

Cổ phiếu trả cổ tức cao được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là khi so sánh với lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Chẳng hạn, nhà đầu tư mua cổ phiếu PRC vào ngày 15/3/2023 theo giá đóng cửa 63.400 đồng/cổ phiếu, thì với mức cổ tức 35.000 đồng/cổ phiếu, tỷ suất cổ tức đạt 55,2%. Tương tự, tỷ suất cổ tức đối với cổ phiếu VOC là 41,8%. Về mặt lý thuyết, đây đều là những con số rất hấp dẫn khi mức lãi suất tiền gửi ngân hàng cao nhất hiện tại cũng chỉ là hơn 9%/năm.

… chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận đột biến

Năm 2022, PRC là doanh nghiệp có hệ số lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) cao nhất sàn chứng khoán, với 41.537 đồng, trong khi giai đoạn 2014 - 2017 dao động từ 1.500 - 2.200 đồng và giai đoạn 2018 - 2021 giảm còn khoảng 400 đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 của PRC cho thấy, EPS năm 2022 tăng đột biến không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, vì lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1,4 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ lãi 600 triệu đồng. Dù vậy, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 50 tỷ đồng, đột biến so với mức hơn 1,3 tỷ đồng năm 2021 cũng như nhiều năm trước đó chỉ đạt từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.

Lợi nhuận “khủng” năm 2022 của PRC đến từ việc bán dự án kho bãi tổng hợp tại lô B1-13 Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng với giá 85 tỷ đồng trong quý IV/2022, giúp khoản mục lợi nhuận khác trong báo cáo tài chính đạt 64 tỷ đồng, gấp 64 lần năm 2021.

Năm 2023, PRC nhận định, Công ty sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi hoạt động vận chuyển hàng hóa và kinh doanh đại lý dầu nhớt đang lỗ do giá vận tải thấp, nhu cầu giảm. Do đó, PRC đặt mục tiêu doanh thu đạt 105 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả năm 2022, song dự kiến lợi nhuận trước thuế vỏn vẹn 350 triệu đồng.

Tương tự, ICN có lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 342 tỷ đồng, gấp 7 lần năm 2021, giúp EPS đạt 31.198 đồng, gấp nhiều lần các năm trước, chủ yếu do ghi nhận doanh thu 1 lần đối với số tiền cho thuê nhận trước tại Dự án Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac. Bên cạnh đó, ICN có một số khoản đầu tư mang lại lợi nhuận như hơn 1,06 triệu cổ phiếu HTI của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO, tính đến cuối năm 2022 ghi nhận lãi 62% so với giá trị đầu tư 10,7 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty đầu tư 100 tỷ đồng trái phiếu của Công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp và đô thị Thủ Thừa Idico - Conac.

Với Vocarimex, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2022 theo báo cáo tài chính quý IV/2022 âm 45,6 tỷ đồng, nên mức cổ tức 100% sắp chia là nhờ thoái vốn đầu tư 24% tại Công ty TNHH Calofic, mang lại khoảng 2.100 tỷ đồng (sẽ dùng 1.218 tỷ đồng để chia cổ tức cho 121,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành).

Năm 2022, Vocarimex lỗ sau thuế gần 46 tỷ đồng do giá vốn tăng mạnh, khiến EPS âm 375 đồng. Trước đó, năm 2021, Công ty lãi 115,5 tỷ đồng, EPS là 948 đồng.

Lưu ý rủi ro

Điểm chung của các doanh nghiệp trả cổ tức “khủng” nêu trên là có lãi đột biến không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và ít có khả năng tiếp tục ghi nhận khoản lợi nhuận cao. Việc mạnh tay chi trả cổ tức như vậy cũng cho thấy doanh nghiệp không có kế hoạch tái đầu tư hay mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Nếu quay trở lại điều kiện bình thường, EPS của các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng lùi về mức trước khi có khoản lãi đột biến và cổ tức chỉ là “ăn xổi” một lần. Thực tế, trên thị trường chứng khoán những năm qua có một số doanh nghiệp trả cổ tức đột biến trong 1 - 2 năm, nhưng không duy trì được lâu hơn.

Ví dụ, năm 2018, Gemadept (mã chứng khoán GMD) chi trả cổ tức với tỷ lệ 95% bằng tiền, sau khi có lợi nhuận từ thoái vốn tại một số công ty con; đó là năm duy nhất Gemadept trả cổ tức ở mức hơn 2.000 đồng/cổ phiếu. Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây (mã chứng khoán WCS) mạnh tay trả cổ tức năm 2018 và 2019, tỷ lệ lần lượt là 400% và 516%, nhưng sau đó quay về mức 20%/năm.

Doanh nghiệp công bố phương án chia cổ tức “khủng” đã trở thành chất xúc tác cho cổ phiếu tăng giá, nhưng rồi sớm quay đầu giảm.

Chính vì vậy, chiến lược mua cổ phiếu trả cổ tức cao không đơn giản và “dễ ăn”, dù doanh nghiệp công bố phương án chia cổ tức “khủng” trở thành chất xúc tác cho cổ phiếu tăng giá.

Ngày 28/2/2023, PRC có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng là 31/3 để nhận cổ tức với tỷ lệ 350%, giá cổ phiếu này liên tiếp có các phiên tăng trần sau đó, từ 47.000 đồng/cổ phiếu lên 70.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 8/3, tương ứng tăng hơn 50%, nhưng đến ngày 16/3 giảm còn 62.300 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu VOC có nhịp tăng giá gần 33%, từ 21.000 đồng/cổ phiếu ngày 23/2/2023 lên 27.900 đồng/cổ phiếu ngày 2/3. Tuy nhiên, ngày 3/3, Hội đồng quản trị Vocarimex có quyết định tạm hoãn thực hiện chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức, khiến giá cổ phiếu gần như liên tục giảm, đến ngày 16/3 còn 23.300 đồng/cổ phiếu.

Ở góc độ kỹ thuật, vào ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức, giá tham chiếu của cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng, chưa kể mức thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 5% cho phần cổ tức bằng tiền.

Nhà đầu tư có thể kỳ vọng, cổ phiếu trả cổ tức cao sẽ tăng giá sau khi bị điều chỉnh kỹ thuật vì mức giá thấp so với trước và xét thời gian đầu tư dài thì giá cổ phiếu thường tăng, mang lợi ích kép là cổ tức và chênh lệch giá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chiến thuật đầu tư này chủ yếu mang lại hiệu quả khi doanh nghiệp có khả năng duy trì chính sách trả cổ tức cao trong dài hạn. Do đó, nhà đầu tư cần đánh giá tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp để đưa ra quyết định nắm giữ cổ phiếu, hay áp dụng chiến thuật đầu cơ.

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Duy Hùng cho rằng, chia cổ tức cao là một hình thức doanh nghiệp giữ chân cổ đông, nhưng việc duy trì cổ tức sau đó rất khó khăn. Trường hợp doanh nghiệp dùng cổ tức để “kích” giá cổ phiếu mà không có kế hoạch kinh doanh khả thi để lợi nhuận tăng trưởng sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư mua đuổi.

Tin bài liên quan