Nhiều ý kiến cho rằng, việc Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi bổ sung một chương riêng quy định về DNNN là không hợp lý, vì phá vỡ cấu trúc truyền thống của Luật là quy định về hình thức pháp lý của các loại hình kinh doanh, không phân biệt thành phần kinh tế. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Đúng là Ban soạn thảo Dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi có nhận được ý kiến của một số chuyên gia, luật sư phản ánh về vấn đề trên. Ý kiến này có lý khi xét về mặt hình thức của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, nếu xét về mặt nội dung, cũng như thực tiễn yêu cầu cần đổi mới tư duy trong quản lý, giám sát DNNN, thì việc bổ sung một chương riêng quy định về DNNN là cần thiết và hợp lý.
Các nỗ lực về cải cách DNNN hiện tại mang tính “cơi nới”, chứ chưa thiết lập được hệ thống mới để thay đổi nếp quản lý, giám sát cũ. Sở dĩ nói cải cách theo kiểu “cơi nới” là bởi khi thấy xuất hiện những chuyện bất ổn trong từng DNNN, hay trong khu vực DNNN, thì các cấp quản lý vội vàng đưa ra các quy định theo kiểu chắp vá nhằm bịt lỗ hổng. Kiểu tư duy “cơi nới” này bởi làm chậm quá trình cải cách DNNN và đến một lúc nào đó không còn chỗ để “cơi nới”. Đây là điều đáng lo ngại, khi DNNN với đặc thù hoạt động của mình đang nắm trong tay một lượng lớn vốn, tài sản của Nhà nước, của dân, nên các hoạt động của khối DN này cần được điều chỉnh ở cấp độ văn bản luật. Với cách đặt vấn đề này, thì việc đặt các quy định mới về DNNN trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, hay văn bản luật khác không quá quan trọng xét về mặt hình thức, mà điều quan trọng là những nội dung quy định chi tiết.
Vậy đâu là những nội dung thể hiện tư duy cải cách về quản lý, giám sát DNNN được Ban soạn thảo đề xuất trong Dự thảo Luật, thưa ông?
Các quy định trong Dự thảo Luật chủ yếu không đề cập đến bản chất sở hữu, mà chỉ nhấn mạnh đến đặc thù về quản trị vốn nhà nước và DN có sở hữu nhà nước. Theo đó, Dự thảo đề cập đến 3 vấn đề lớn, nhằm thay đổi tư duy trong quản lý, giám sát DNNN.
Thứ nhất là quy định về vai trò và chức năng của DNNN nói chung và từng DNNN nói riêng. Đây là nội dung lâu nay chưa có luật nào quy định cụ thể. Với bước cải cách này, thì sẽ định dạng rõ ràng giới hạn những ngành nghề nào DNNN được phép kinh doanh. Có nghĩa là Dự thảo Luật khoanh vùng những gì DNNN được làm và không được làm, tránh tình trạng chạy đua đầu tư trái ngành nghề kinh doanh chính như vừa qua.
Thứ hai, từ chỗ xác định rõ vai trò, chức năng của DNNN như vậy, Dự thảo Luật quy định chi tiết vai trò, chức năng của chủ sở hữu là Quốc hội, Chính phủ… Trong đó, Dự thảo đề cập chi tiết cơ quan chủ sở hữu làm những gì, để khắc phục tình trạng lộn xộn như hiện nay.
Thứ ba, với tư cách là chủ sở hữu, Quốc hội sẽ xác định, giao cho Chính phủ những chỉ tiêu cụ thể để đánh giá hiệu quả, giám sát hoạt động của khu vực DNNN. Trên cơ sở các chỉ tiêu được giao, Chính phủ sẽ giao cho các bộ chủ quản, DNNN phải đạt các chỉ tiêu, kế hoạch gì, trên cơ sở đó mới có căn cứ xác đáng, tin cậy để đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, tránh tình trạng nhập nhèm giữa nhiệm vụ công ích với kinh doanh như hiện nay. Điều này sẽ khắc phục được một hạn chế đang tồn tại là nhiều bộ, UBND cấp tỉnh với tư cách là đại diện chủ sở hữu tại các DNNN, không xác định rõ ràng mục tiêu muốn DNNN làm gì, phải đạt những chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận ra sao, nếu không đạt những chỉ tiêu này, thì ai là người chịu trách nhiệm.
Tôi có hỏi lãnh đạo một tỉnh rằng, tỉnh muốn một DN kinh doanh du lịch làm gì, thì ông này trả lời là để chuyên tổ chức sự kiện. Một công ty du lịch, với lượng vốn đầu tư không nhỏ của Nhà nước, mà chỉ làm một việc mà tôi chắc rằng làm kém xa so với các DN ngoài Nhà nước, rõ ràng xét trên bình diện lợi ích quốc gia thì sự tồn tại của DN này là không ổn. Điều này giải thích tại sao DNNN hoạt động yếu kém, thậm chí làm mất vốn nhà nước…
Dự thảo Luật sẽ khoanh vùng phạm vi ngành nghề của DNNN
Một vấn đề khiến người dân với tư cách là chủ sở hữu của DNNN bức xúc hiện nay là DNNN hoạt động kém minh bạch, nên dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Vấn đề này có được khắc phục khi Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định một chương riêng về DNNN, thưa ông?
Thực ra, DNNN dù hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào, thì tính đại chúng của nó cũng là cao nhất so với các loại hình DN khác, bởi nó thuộc sở hữu của toàn dân, mà Nhà nước là đối tượng thay mặt dân để làm đại diện chủ sở hữu. Với logic này, thì xét về mặt công khai hóa, DNNN phải minh bạch ở cấp độ cao hơn bất kỳ một loại hình công ty nào. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, để đạt đến cấp độ minh bạch này cần có quá trình. Bởi vậy, trước mắt, Ban soạn thảo đề xuất trong Dự thảo Luật là lấy chuẩn mực minh bạch của các công ty niêm yết trên TTCK làm chuẩn minh bạch, công bố thông tin cho các DNNN. Bước cải cách này nhằm khắc phục tình trạng DNNN công bố thông tin theo kiểu hình thức, không theo các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán, thậm chí công bố thông tin gì, thì chủ sở hữu biết, còn không thì chưa có cách gì xử lý để đủ sức răn đe.
Việc minh bạch thông tin hoạt động của các DNNN, sẽ giúp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu được siết chặt hơn. Điều này đồng nghĩa việc giám sát DNNN từ nội bộ được tăng cường. Mặt khác, buộc DNNN định kỳ công bố thông tin như DN niêm yết, còn hỗ trợ cho hoạt động giám sát từ bên ngoài (người dân) hiệu quả hơn. Khi có nhiều tai mắt giám sát hơn, thì DNNN khó bưng bít, che giấu thông tin.