Đưa ra bình luận tại hội thảo về điều kiện kinh doanh diễn ra sáng nay (14/6), Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Chủ tịch Công ty Luật BASICO - Trọng tài viên VIAC khẳng định, không cần phải chờ đến ngày 1/7, tất cả hàng nghìn điều kiện kinh doanh đang được quy định tại các thông tư trong khoảng thời gian 10 năm qua đều là trái luật.
Lý do là, ngay từ khoản 5, Điều 7 về “Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ: Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Trước đó, Nghị định số 03 ngày 3/2/2000 của Chính phủ “Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp” cũng đã quy định rõ: “Các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành hoặc các cấp chính quyền địa phương ban hành mà không căn cứ vào luật, pháp lệnh, nghị định quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành, nghề đó đều không có hiệu lực thi hành.”
Quy định mới của Luật Đầu tư năm 2014 chỉ có một điểm khác là, hiện nay Thủ tướng Chính phủ cũng không còn được phép ban hành điều kiện kinh doanh như trước đây.
Ông Trương Thanh Đức cho biết, sau 16 năm, số giấy phép con, tức điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn không ngừng tăng vọt với con số lên đến khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh trái luật.
"Đến nay, ngoài cuộc chiến tiếp diễn chống lại điều kiện kinh doanh do các thông tư ban hành trái luật thì còn phải đối mặt thêm với các nghị định trái luật và ngay cả luật trái luật", vị luật sư bình luận.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng chỉ ra thực tế, mặc dù Luật Đầu tư năm 2014 có quy định chỉ có 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng tại thời điểm này lại xuất hiện ít nhất ngành, nghề kinh doanh thứ 268 là dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
"Đến nay, ngoài cuộc chiến tiếp diễn chống lại điều kiện kinh doanh do các thông tư ban hành trái luật thì còn phải đối mặt thêm với các nghị định trái luật và ngay cả luật trái luật, Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Chủ tịch Công ty Luật BASICO bình luận."
Ông Đức tỏ ra quan ngại, nếu vẫn không dứt khoát về quan điểm và tôn trọng quy định nêu trên của Luật Đầu tư thì lại sẽ có nguy cơ không xác định được cụ thể 268++ bao nhiêu ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Những điều kiện kinh doanh thuộc 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng chưa có quy định cụ thể hoặc mới chỉ được quy định trong các thông tư, mà không được Chính phủ ban hành bằng các Nghị định trước ngày 1/7/2016 thì sẽ vô hiệu
Ngoài ra, dẫn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 "thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành", ông Đức cho biết, dù các điều kiện kinh doanh có được ban hành đúng thẩm quyền ngay hôm nay, thì vẫn cứ trái luật.
Ngay cả trường hợp ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư năm 2014, nhưng nếu cứ chép lại điều kiện kinh doanh trong các thông tư vào nghị định hay cứ ban hành điều kiện kinh doanh không có cơ sở hợp lý, thì không nhưng gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh, mà cũng còn trái với quy định tại Luật Đầu tư, thậm chí là còn vi Hiến.
Vị luật sư cho biết, mỗi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014 có thể tương ứng với một hoặc hàng chục điều kiện kinh doanh khác nhau. Theo đó, "hàng chục ngành, nghề kinh doanh và hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã trái, đang trái và sẽ tiếp tục đứng trước nguy cơ trái luật", ông Đức nhận định.