Quý I/2018 khép lại với tăng trưởng GDP đạt 7,38%, ông đánh giá thế nào về mức tăng này và dự báo kinh tế vĩ mô trong quý II cũng như nửa đầu năm?
Tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây là một thông tin tích cực. Điều này trước hết thể hiện sự phát huy hiệu quả của các chích sách điều hành kinh tế vĩ mô, bao gồm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, thu hút đầu tư, cũng như chính sách tiền tệ hợp lý. Bên cạnh đó, mức tăng này còn được cho là hưởng lợi từ đà tăng trưởng cao của cuối năm ngoái.
Ông Ngô Phụng Hiệp
Tuy nhiên, theo nhiều nhận định, khả năng tốc độ tăng trưởng GDP giữa các quý trong năm nay sẽ không theo mẫu hình thường thấy, quý sau cao hơn quý trước, bởi ảnh hưởng của một số yếu tố đột biến của năm ngoái, chẳng hạn sự đóng góp mạnh mẽ từ các doanh nghiệp FDI và trong năm nay có tiếp tục đóng góp lớn hay không thì vẫn chưa rõ ràng.
Theo tôi, nếu chúng ta tiếp tục đạt được sự cân bằng vĩ mô tương đối trong trung và dài hạn với tăng trưởng GDP ở quanh mức 6,5 - 7% và CPI được kiểm soát dưới 4% thì có thể sẽ là một trong những yếu tố tích cực để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán, kể cả từ trong nước và nước ngoài, như những gì đã diễn ra trong khoảng 2 năm gần đây. Qua đó, VN-Index có triển vọng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Có rủi ro hay lực cản nào đáng xem xét và tác động lớn đến thị trường hay không, thưa ông?
Trong thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán có một số phiên điều chỉnh, ảnh hưởng một phần từ diễn biến không thuận lợi của thị trường Mỹ, nguyên nhân chủ yếu đến từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng như diễn biến điều chỉnh của các cổ phiếu công nghệ Mỹ.
Mặc dù đánh giá một số yếu tố từ thị trường quốc tế kể trên chỉ mang tính ngắn hạn và không tác động nhiều đến các mặt cơ bản của thị trường Việt Nam, nhưng theo tôi, nhà đầu tư cũng nên thường xuyên theo dõi diễn biến các thị trường này để có những bước đi phù hợp.
VN-Index đã vượt qua ngưỡng cao lịch sử của 11 năm trước. Một số ý kiến cho rằng, thị trường đang ở cuối chu kỳ tăng. Quan điểm của ông như thế nào?
Nếu chúng ta nhìn vào diễn biến của VN-Index trong thời gian qua thì rõ ràng chỉ số đã có sự bứt phá ngoạn mục, với mức tăng trưởng trong vòng 1 năm tính đến thời điểm hiện tại là hơn 60%. Chỉ số chứng khoán đang duy trì trên ngưỡng đỉnh lịch sử 1.170 điểm, đồng thời hệ số P/E trượt của VN-Index dao động quanh ngưỡng 22 lần, bằng với mức cao của các thị trường trong khu vực. Vì lẽ đó, thị trường tạm thời tích lũy và hãm đà tăng là điều hoàn toàn có thể lý giải được.
Tôi cho rằng, nhìn một cách tổng thể, vùng giá hiện tại của VN-Index, không phải là đắt. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp, thể hiện qua lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm đang ở mức thấp kỷ lục khoảng 4,2%, trong khi bình quân tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các doanh nghiệp niêm yết đạt mức 2 con số, thì chỉ số /PE trượt 22 lần vẫn hợp lý.
Trong thời gian tới, nếu điều kiện vĩ mô trong nước và trên thế giới thuận lợi, qua đó mặt bằng lãi suất thấp và xu hướng tăng trưởng EPS được duy trì, thì chúng ta có thể kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giải ngân ở thời điểm này không còn dễ dàng. Ông có gợi ý gì cho nhà đầu tư về chiến lược đầu tư cũng như các nhóm ngành triển vọng?
Tôi cho rằng, tình hình thị trường hiện tại không phải quá khó để giải ngân, đặc biệt với nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn. Một trong các chiến lược mà nhà đầu tư trung và dài hạn có thể chọn là giải ngân vào một rổ cổ phiếu từ 5 - 10 mã bluechips mang tính đại diện cho các ngành nghề của nền kinh tế, có tiềm năng tăng trưởng, đồng thời chỉ số định giá đang ở mức hợp lý. Trong đó, nhiều cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 là đối tượng lựa chọn tốt.
Nhà đầu tư ngắn hạn cũng có thể cân nhắc chọn các cổ phiếu trong VN30, kết hợp với các cổ phiếu trong ngành tài chính - ngân hàng, hoặc kết hợp áp dụng chiến thuật “mua đỏ, bán xanh”, hay chiến thuật theo dấu dòng tiền mạnh, đặc biệt từ khối nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.