Có thể vay nợ trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Cuối tháng 12, Quốc hội sẽ họp bất thường để giải quyết những vấn đề trọng đại, phát sinh, trong đó có việc xem xét thực hiện gói hỗ trợ thứ 3 nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Gói hỗ trợ tiếp theo đang được Chính phủ xây dựng và sẽ sớm trình Quốc hội cho ý kiến tại cuộc họp bất thường vào cuối năm nay.

Gói hỗ trợ tiếp theo đang được Chính phủ xây dựng và sẽ sớm trình Quốc hội cho ý kiến tại cuộc họp bất thường vào cuối năm nay.

Trước biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2, ngoài việc tái áp dụng hạn chế di chuyển, thậm chí là thực hiện giãn cách xã hội một phần, nhiều nước trên thế giới đã tính đến việc áp dụng chính sách tài khóa - tiền tệ mới nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với làn sóng dịch được cho là nguy hiểm hơn rất nhiều so với biến chủng Delta.

Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến tháng 11/2021, tổng số tiền mà các nước phát triển đã bỏ ra để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tương đương 19,4% GDP. Tỷ lệ này đối với các nước đang phát triển là 7,51% GDP; còn các nước chậm phát triển là 4,3% GDP. Trong đó, tổng giá trị các gói hỗ trợ của Trung Quốc đến nay khoảng 6,1% GDP, EU 10,5%, Mỹ là 27,9%, Nhật Bản lên tới 44,8%.

Kể cả quy mô lẫn so với GDP, gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực, như Indonesia (5,4% GDP), Malaysia (8,8% GDP), Thái Lan (15,6% GDP). Trong điều kiện nợ công, nợ chính phủ, bội chi của Việt Nam rất an toàn, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, đã đến lúc, Việt Nam cần mạnh dạn chi tiêu tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Dư địa mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam còn khá lớn và có phần thuận lợi hơn nếu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ.

Ông Lực cho rằng, mặc dù nhiều khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN) đang được giãn, hoãn và các khoản chi được huy động tối đa cho phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế, song thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn mức nhiều so với mức trung bình của thế giới.

“Dư địa mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam còn khá lớn và có phần thuận lợi hơn nếu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ vì bội chi và nợ công được kiểm soát tốt giai đoạn trước và thấp hơn các nước trong khu vực. Đây là cơ hội để tăng vay nợ trong nước qua phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp, rủi ro thấp do không phải chịu áp lực tỷ giá, thời gian vay khá dài, đủ để phục hồi kinh tế. Việc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và cơ cấu lại nợ công những năm trước đây là những kinh nghiệm quý báu, tạo không gian chính sách, tạo nguồn tích lũy ngân sách để duy trì xu hướng mở rộng trong giai đoạn 2022-2023”, ông Lực nhấn mạnh.

Gói hỗ trợ tiếp theo đang được Chính phủ xây dựng và sẽ sớm trình Quốc hội cho ý kiến tại cuộc họp bất thường vào cuối năm nay. Tuy nhiên, theo quan điểm của chuyên gia Cấn Văn Lực, về gói tài khóa, nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước; thúc đẩy bảo lãnh qua các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn ngân hàng; hỗ trợ lãi suất khoảng 2-3% đối với doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận tín dụng hoặc không đủ điều kiện tiếp cận tín dụng nhưng có khả năng phục hồi; tiếp tục giảm một số loại thuế, phí như đã thực hiện năm 2021…

“Tổng các gói hỗ trợ này ước khoảng 400.000 tỷ đồng, ước thực chi khoảng 240.000 tỷ đồng, chỉ tương đương 3% GDP, chưa kể phần hỗ trợ an sinh xã hội, phần tăng đầu tư cho hạ tầng”, ông Lực tính toán.

“Thực hiện hỗ trợ bằng chính sách tài khóa tác động ngay tới thâm hụt ngân sách do tăng chi - giảm thu; gói này khiến nợ công, nợ chính phủ tăng, nhưng bù lại sẽ phục hồi được doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp phục hồi, hoạt động bình thường trở lại sẽ làm cho quy mô GDP tăng lên, đóng góp nhiều hơn với NSNN có tác động làm giảm bội chi, nợ công, nợ chính phủ; giảm chi tiêu cho NSNN trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội”, ông Phan Đức Hiếu, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ quan điểm đồng tình.

Tin bài liên quan