Giá dầu tăng gây sức ép lên lạm phát Mỹ
Mặc dù có khởi đầu tuần không tệ, nhưng nhiều chỉ số chứng khoán toàn cầu lại kết thúc tuần qua trong sắc đỏ. Nguyên nhân chính đến từ sự thất vọng của các nhà đầu tư khi số liệu lạm phát của Mỹ - chỉ số quan trọng để kích hoạt tiến trình giảm lãi suất của Fed - cao hơn dự báo. Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,3% so với tháng 11, cao hơn dự báo chung của các nhà phân tích 0,2% và cao hơn mức tăng 0,1% trong tháng 11. Chỉ số CPI lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng 0,3%, cao hơn dự báo tăng 0,2%.
Nhìn trên bảng đồ thị vận động các tài sản, S&P 500 vẫn ở trong vùng Tăng mạnh, trong khi VN-Index đang cải thiện tích cực vị thế trong vùng Hồi phục, cho thấy lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường vẫn còn. Nhờ vậy, dư địa tiếp tục tăng cho S&P 500 và VN-Index có thể được duy trì trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, trạng thái lưỡng lự với diễn biến giằng co mạnh trong phiên khi các nhà đầu tư có động thái chốt lời các khoản đầu tư có lãi của năm 2023 và trở nên cẩn trọng hơn khi đi tìm lý do tăng trưởng mới có thể sẽ tiếp tục được nhận thấy trong những phiên giao dịch tiếp theo.
Ở các thị trường châu Á, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sẽ cắt giảm lãi suất chính sách quan trọng và bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính vào ngày 15/1/2024 khi cố gắng chống lại áp lực giảm phát và tăng cường cho vay để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Theo cuộc khảo sát mới nhất của Bloomberg, các chuyên gia cho rằng, lãi suất đối với các khoản vay chính sách kỳ hạn 1 năm có thể giảm 1%, xuống 2,4%. Động thái này, bất chấp những lo ngại liên quan tới dân số già và thị trường bất động sản, được kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường chứng khoán Thượng Hải chuyển động tích cực hơn, thay vì vẫn dè dặt ngoài vòng Elip, trong vùng Giảm mạnh.
Trong một diễn biến khác, thị trường dầu thô cho thấy các dấu hiệu tăng giá trở lại, khi mức chênh giá của 2 hợp đồng đáo hạn cách nhau 1 ngày (prompt timespread) quay lại mốc cân bằng 0 và chuẩn bị tiến vào giai đoạn “backwardation” - khi giá tương lai gần cao hơn giá tương lai xa - là dấu hiệu thường thấy của một xu hướng tăng trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư kỳ vọng, giá dầu sẽ tăng khi nhu cầu đang có dấu hiệu hồi phục và có thể vượt cung khoảng 120.000 thùng/ngày trong năm 2024. Những diễn biến mới của giá dầu sẽ tạo áp lực lên lạm phát và khả năng sớm giảm lãi suất của Fed.
Giá dầu tăng một phần cũng tới từ các căng thẳng địa chính trị gần đây, đẩy giá cước vận tải hàng hóa bao gồm dầu thô lên cao. Giá dầu thô đã tăng vọt sau khi Mỹ và Anh tiến hành không kích vào các mục tiêu của phiến quân Houthi ở Yemen, sau các cuộc tấn công của nhóm phiến quân vào các tàu hàng ở Biển Đỏ.
VN-Index: Giữ vững thành quả
Sau khi bứt phá ra khỏi vùng giá hẹp 1.080 - 1.130 điểm trong tuần đầu tiên của năm 2024 và hình thành vùng giá mới, VN-Index trong tuần giao dịch vừa qua đã giữ được vùng giá này khi giao dịch giằng co trong vùng 1.150 - 1.170 điểm. Nhưng đây cũng chính là mức cản tiếp theo mà chỉ số phải đối mặt.
Đồ thị kỹ thuật cho thấy, vùng kháng cự này là đáy của mẫu hình đỉnh đôi nửa năm trước và xác suất giá kiểm tra lại vùng đáy đó rất cao. Ngược lại, nếu chỉ số vượt qua vùng 1.150 - 1.170 điểm thì có thể chinh phục lại đỉnh ngắn hạn cũ tại 1.250 điểm. Hơn nữa, đây cũng là vùng Fibonacci 38,2% và trong suốt tuần qua, VN-Index đi ngang trong vùng kháng cự, với những thân nến rất hẹp, thể hiện sự không phân thắng bại giữa bên mua và bên bán.
Đáng lưu ý, tâm lý thị trường dần yếu đi, đà lan tỏa ngắn hạn tạo vùng đỉnh trên 90% sau đó thất bại khi kiểm tra ngưỡng MA10 của chính mình. Áp lực điều chỉnh đến từ tất cả các nhóm ngành, trừ ngành ngân hàng vẫn cho thấy sức bền bỉ, nhiều mã duy trì sắc xanh, đặc biệt các ngân hàng có hoạt động ngân hàng bán lẻ mạnh. Sau giai đoạn dẫn dắt thị trường bứt phá, giờ đây ngân hàng đóng vai trò giữ nhịp, giúp thị trường giao dịch ổn định, không xuất hiện hiện tượng bán tháo. Tâm lý thị trường được dự báo sẽ còn nhiều lo lắng khi tuần giao dịch phái sinh với “đặc sản” biến động nhanh, mạnh, bất ngờ đã tới và tâm lý e ngại giao dịch cận Tết bao trùm.
Để có thể định hình được xu hướng của VN-Index, chúng ta cần nhìn lại những diễn biến thời gian vừa qua. Trong đó, chỉ số đã thoát khỏi vùng tích lũy 3 tháng, hình thành một xu hướng tăng ngắn hạn và hiện tại đang gặp lực cản. Dẫu vậy, xu hướng của VN-Index thời gian qua là xu hướng tăng. Kèm với đó, chỉ số kỹ thuật MACD và đường Singal tiếp tục tăng, Histogram được duy trì. RSI cũng đã tiệm cận vùng 70, điều này khẳng định cho động lực tăng trước đây là dứt khoát và thiên hướng cho một chu kỳ mạnh mẽ sắp tới.
Với diễn biến giá và xu hướng hiện tại của VN-Index, dự báo chỉ số sẽ tiếp tục được củng cố, thiên về một xu hướng tăng tiếp diễn, sau khi giằng co tại vùng giá 1.150 - 1.170, hướng tới 1.250 điểm. Việc giữ được thành quả sau một tuần bứt phá đầu năm là tín hiệu tốt, khẳng định cho sự vững vàng hơn trong xu hướng tăng ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể tự tin hơn vào một kỳ vọng trong một chu kỳ mới tốt đẹp hơn của thị trường.
Do tuần qua, giao dịch chủ yếu theo chiều tích lũy, diễn biến rung lắc, điều chỉnh có khả năng tái diễn, nhưng đây sẽ là cơ hội để các vị thế mua mới tích luỹ thêm vị thế, thay vì mua đuổi trong các phiên tăng. Ngưỡng giá hấp dẫn để giải ngân hoặc gia tăng tỷ trọng là kịch bản khi chỉ số có thể quay về quanh mức 1.125 - 1.135 điểm. Trong đó, đặc biệt ưu tiên nhóm nhận được dòng tiền, duy trì được đà tăng, tạo được nền giá chặt chẽ và còn tiềm năng tăng trưởng như ngân hàng, bán lẻ, bất động sản, vật liệu xây dựng...