Theo ông, có nên thực hiện miễn, giảm thuế đối với những doanh nghiệp bị thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất do sự cố đáng tiếc trên?
Về nguyên tắc, miễn thuế, giảm thuế là quyền của Quốc hội. Nếu Chính phủ thấy cần phải hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp miễn thuế, giảm thuế, thì có thể trình Quốc hội cho ý kiến ngay tại Kỳ họp này.
Sự kiện công nhân bị phần tử xấu lôi kéo, kích động biểu tình, thậm chí có hành vi phá hoại tài sản của một số doanh nghiệp FDI vừa mới diễn ra, nên đến thời điểm này, Chính phủ chưa trình Quốc hội đề xuất về việc miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, họ bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng, song vẫn tin tưởng vào sự bảo đảm về tài sản, hoạt động của họ tại Việt Nam. Họ vẫn muốn tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt sau khi những công nhân đi biểu tình trái pháp luật nhận ra sai lầm của mình và quay trở lại làm việc bình thường.
Vậy việc xử lý thiệt hại cho doanh nghiệp bị thiệt hại về vật chất bằng cách nào?
Đối với phần tài sản đã được mua bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm phải khẩn trương kiểm tra, xác định những thiệt hại cụ thể về tài sản, kịp thời bồi thường giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất - kinh doanh. Số thiệt hại bất khả kháng sau khi được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường, cơ quan quản lý thuế các cấp phải hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện miễn, giảm hoặc hoàn thuế theo quy định của các luật thuế hiện hành.
Cụ thể là gì, thưa ông?
Theo Luật Thuế xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đang trong quá trình giám sát của cơ quan hải quan, nếu bị hư hỏng, mất mát thì được xét giảm thuế. Doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã nộp thuế, nhưng không xuất khẩu, nhập khẩu thì được hoàn lại thuế xuất, nhập khẩu đã nộp. Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh gây ra và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được coi là chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế.
Hàng hóa của các doanh nghiệp kể trên chưa xuất khẩu, bị hư hỏng do bất khả kháng, nhiều hàng hóa đã nộp thuế xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Tài sản của doanh nghiệp bị thiệt hại là bất khả kháng. Vì vậy, căn cứ vào quy định của các luật thuế, cơ quan thuế, hải quan phải khẩn trương thực giảm thuế, hoàn thuế trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị giảm thuế, hoàn thuế của doanh nghiệp.
Ông đánh giá thế nào trước phản ứng của ngành tài chính trong việc hỗ trợ doanh nghiệp FDI bị thiệt hại vừa qua?
Không chỉ tôi, mà rất nhiều người, trong đó có cả cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá rất cao phản ứng của Bộ Tài chính trong việc đảm bảo sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp FDI, sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra trong tuần trước.
Cụ thể, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện 697/CĐ-TTg (ngày 15/5) nêu rõ việc một số người có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, môi trường đầu tư, thì ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công điện khẩn yêu cầu giám đốc sở tài chính các địa phương phải triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp bảo đảm sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp; yêu cầu lãnh đạo cơ quan thuế và hải quan các cấp phải nắm bắt vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Theo ông, sự việc đáng tiếc diễn ra vừa qua ảnh hưởng, tác động thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung?
Sự việc xảy ra vừa qua rất đáng tiếc, nhưng cũng chỉ vừa mới xảy ra, nên các bộ ngành, địa phương và bản thân doanh nghiệp cũng chưa thống kê hết thiệt hại. Chính phủ sẽ có báo cáo cụ thể về vấn đề này với Quốc hội, trong đó có đánh giá thiệt hại và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư.
Sau khi có báo cáo của Chính phủ, chúng tôi sẽ thông tin kịp thời đến các phương tiện thông tin đại chúng.