Có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng đạt 6% trong nửa đầu năm 2024 - đạt yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và kỳ vọng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện trong nửa cuối năm sẽ giúp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14-15% đề ra cho cả năm.
Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng thêm hơn 210.000 tỷ đồng chỉ tính riêng tuần cuối tháng 6.

Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng thêm hơn 210.000 tỷ đồng chỉ tính riêng tuần cuối tháng 6.

Bắt đầu bứt tốc từ tháng 6

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân đến từ Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm trong nửa đầu năm nay và tín dụng chỉ mới cải thiện trong tháng cuối quý II/2024. Nguyên nhân do tính chất mùa vụ khi quý đầu năm trùng với thời điểm lễ tết và sức cầu thị trường còn yếu, thị trường bất động sản chưa hồi phục rõ nét…

Cụ thể, nửa đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng có những bước đi chậm chạp sau khi đạt mức tăng trưởng 13,78% vào cuối năm 2023.

Hai tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống giảm so cuối năm 2023: Cuối tháng 1/2024 giảm 0,6% và cuối tháng 2 giảm 0,72%. Đến cuối tháng 3, tín dụng mới quay đầu tăng 1,34% và tăng dần trong các tháng sau đó: Cuối tháng 4 tăng 2,01% và cuối tháng 5/2024 tăng 2,41%.

Đáng chú ý, theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6/2024, tín dụng nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. Trong đó, cho vay tiêu dùng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, hơn 810.000 tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế. Trong quý II/2024, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 630.000 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với quý trước đó, báo hiệu tín dụng đã tăng tốc kể từ cuối quý II. Chỉ tính riêng tuần cuối tháng 6 (từ 24/6 đến 30/6), dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng thêm hơn 210.000 tỷ đồng.

Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB đưa ra nhận định, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam 6 tháng qua còn chậm, nhất là trong 5 tháng đầu năm.

Theo chuyên gia UOB, nhu cầu tín dụng có một phần lớn liên quan đến mức độ tự tin của các doanh nghiệp khi đánh giá triển vọng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai và mức độ của các đơn đặt hàng thực tế mà doanh nghiệp nhận được, bên cạnh những yếu tố khác.

“Sau mức tăng trưởng GDP yếu, thương mại quốc tế sụt giảm đáng kể vào năm 2023, không có gì là ngạc nhiên khi doanh nghiệp và người tiêu dùng đều ngần ngại vay vốn để đầu tư, chi tiêu khi bước sang năm 2024 do triển vọng tăng trưởng không chắc chắn”, ông Suan Teck Kin nói.

Bà Bùi Thị Thao Ly - Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam cũng cho hay, trong bối cảnh tiêu dùng nội địa yếu, bất động sản gặp nhiều khó khăn…, tín dụng tăng trưởng chậm trong 5 tháng đầu năm 2024, ước tính chỉ đạt 2,41%, còn cách xa mục tiêu 15% của cả năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 4662/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và kết quả là đến hết cuối quý II đạt 6%.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% năm nay, hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, mà vẫn phải đảm bảo kiểm soát được rủi ro tín dụng.

Bên cạnh đó, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn cũng mới được chấp thuận kéo dài đến ngày 31/12/2024, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay bình quân giảm nhẹ khoảng 0,2%/năm so với tháng 5 và giảm gần 1%/năm so với thời điểm cuối năm 2023. Động thái này cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho vay.

Tiến tới mục tiêu tăng trưởng 14-15% cả năm

Theo bà Bùi Thị Thao Ly, dư địa giảm lãi suất cho vay không còn nhiều khi lãi suất huy động bắt đầu tăng trở lại trong tháng 6/2024 ở nhiều ngân hàng với mức tăng bình quân khoảng 0,5%/năm.

Tuy nhiên, thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, tiết giảm chi phí, kỳ vọng các ngân hàng có thể sẽ giảm lãi suất cho vay thêm 0,5-1%/năm từ nay đến cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia Shinhan Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn không đổi ở mức 3%/năm và 4,5%/năm kể từ tháng 6/2023, cho dù tiền đồng chịu áp lực mất giá khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất USD ở mức cao trong thời gian dài để ứng phó với tình trạng lạm phát cao dai dẳng.

Sau một loạt biện pháp can thiệp trên thị trường mở, bán ngoại tệ dự trữ, kiểm soát thị trường vàng, tỷ giá VND/USD đã có dấu hiệu ổn định trở lại từ giữa tháng 4/2024. Đà tăng CPI có dấu hiệu chững lại trong tháng 5/2024 và vẫn trong ngưỡng mục tiêu 4-4,5%.

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank đưa ra đánh giá, sự hồi phục của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2024 rõ nét hơn so với nửa đầu năm, đồng thời sức hấp thụ vốn cũng tốt hơn.

Theo ông Hiếu, qua số liệu tăng trưởng vĩ mô cũng cho thấy điều đó và trong quá trình làm việc với khách hàng, ngân hàng cũng nhận thấy được hoạt động kinh doanh của mình có dấu hiệu hồi phục.

Từ đó, khách hàng mới có nhu cầu vay vốn tín dụng để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Điều này được chứng minh qua tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng trở lại trong quý II/2024 sau khi tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm nay. Số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho thấy, tín dụng đến cuối tháng 6/2024 đã đạt mức tăng trưởng kỳ vọng.

Còn ông Suan Teck Kin đánh giá, mặc dù tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 còn cách khá xa so với mục tiêu 14% của cả năm, nhưng khi dữ liệu tín dụng được cải thiện dần trong tháng 6/2024 và kỳ vọng về những mức tăng tiếp theo, niềm tin có thể sẽ quay trở lại.

Điều này có thể dẫn đến việc khách hàng sẵn sàng đi vay nhiều hơn trong nửa cuối năm. Chưa kể, theo yếu tố mùa vụ, nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng thường tăng cao hơn trong thời gian này.

Theo chuyên gia UOB, nếu trong nửa cuối năm nay tình hình đơn hàng tiếp tục khả quan với các doanh nghiệp thì tín dụng sẽ tăng. Bên cạnh đó, nếu các lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, xuất khẩu… cùng tăng trưởng thì mảng kho bãi cũng sẽ tăng theo, từ đó tăng trưởng tín dụng sẽ bền vững hơn.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chương trình để hỗ trợ các ngân hàng, doanh nghiệp trong phát triển tín dụng.

Thế nhưng, theo các nhà phân tích, phải xem xét để tăng nguồn cung ở thị trường nội địa như khu vực công - tư để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Cơ quan này dự báo tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm 2024 sẽ khả quan trước quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, đồng thời phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng 6 tháng cuối năm 2024 là chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất tiếp tục được điều hành ổn định theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung trong nền kinh tế; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, với những mục tiêu, giải pháp, dự báo được đưa ra cho năm 2024 và kết quả thực hiện trong nửa đầu năm như trên, có thể thấy rằng, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% đặt ra cho năm nay, hệ thống ngân hàng sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong nửa cuối năm, mà vẫn phải đảm bảo kiểm soát được rủi ro tín dụng.

Tin bài liên quan