Nới thêm room để kích cầu tín dụng
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thông báo tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Việc bổ sung hạn mức tín dụng này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước mà các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị.
Trước đó, từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng. Song việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hồi cuối tháng 8 được đưa ra trong bối cảnh tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm.
Mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng không đồng đều, có các tổ chức tín dụng tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm, trong khi một số tổ chức tín dụng tăng sát chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đã thông báo. Các ngân hàng đã hoàn thành mức 80% trở lên như ACB, HDB, LPB, TCB đã được tăng lên mức 18 - 18,7% trong đợt cấp thêm hạn mức cuối tháng 8/2024.
Các chuyên gia phân tích của MBS nhận định, nhóm ngân hàng thương mại quy mô lớn đang dẫn dắt tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống, trong khi tăng trưởng tín dụng của ngân hàng quốc doanh vẫn chậm vì hoạt động trả trước tăng mạnh nhờ lãi suất thấp. Một số ngân hàng như VPB, MBB, TCB, HDB có thể hy sinh lãi bằng cách giảm lãi suất cho vay, song MSB dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% trong năm 2024 với kịch bản tăng trưởng GDP cả năm là 6,5%.
Tuy nhiên, tín dụng đối với nền kinh tế 11 tháng chỉ tăng hơn 11%, trong khi room tín dụng cả năm lên đến 14-15%. Như vậy, room tín dụng trong tháng cuối năm còn khá lớn. Việc Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục nới room cho thấy, tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng đang phân hóa rất mạnh, không phải ngân hàng nào cũng có khả năng mở rộng tín dụng. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nới room để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng tín dụng, tránh cảnh nơi thừa, chỗ thiếu, đảm bảo tín dụng toàn hệ thống cả năm có thể đạt mục tiêu 15%.
Giữ và nỗ lực giảm lãi suất cho vay
Cùng với việc nới room tín dụng, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, quyết liệt tổ chức thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024. Theo đó, yêu cầu ngành ngân hàng khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân theo tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ... Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay và tiếp tục triển khai nhiệm vụ tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2024, mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Công văn số 9774/NHNN-CSTT về việc ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Theo đó, các tổ chức tín dụng được chỉ đạo duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ cũng như mặt bằng lãi suất thị trường…
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng kỳ vọng, lãi suất cho vay giảm thêm khoảng 0,5% trong thời gian còn lại của năm. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc giảm lãi suất cũng còn tùy thuộc vào chi phí vốn của các ngân hàng. Chi phí vốn đầu vào của ngân hàng tăng thì việc giảm lãi suất không dễ, nhất là trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng hiện nay. Nếu nợ xấu tăng thì các ngân hàng phải đẩy lãi suất cho vay để bù đắp dự phòng nợ xấu và các thất thoát khi khách hàng mất khả năng trả nợ, nên khó giảm lãi vay… Còn với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay, ông Hiếu cho là có khả năng đạt được.