Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Xác lập nền tảng công dân số

0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không chỉ giảm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn hiện thực hóa giấc mơ “công dân số”.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Xác lập nền tảng công dân số

Tiết kiệm 4.846 tỷ đồng/năm

Là một trong 6 cơ sở dữ liệu quan trọng của đất nước, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ quản lý thông tin của hơn 97 triệu người dân toàn quốc, với hơn 11.500 điểm từ cấp xã, huyện đến trung ương, hơn 40.000 người truy cập vào hệ thống.

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân, nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân. Theo tính toán, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp giảm chi phí khoảng 4.864 tỷ đồng.

Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đánh giá, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và góp phần phát triển Chính phủ điện tử.

“Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để dùng chung, nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội”, Thiếu tướng Tô Văn Huệ nói.

Đặc biệt, theo TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa rất quan trọng trong xác lập nền tảng công dân số trong các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Qua đó, cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính.

Xây dựng thần tốc

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Liên danh Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) - HADIC - GTEL ICT làm đối tác về công nghệ xây dựng.

Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch VNPT cho biết, Dự án được triển khai với tiến độ thần tốc dù khá phức tạp, bởi quy mô lớn và phạm vi rộng, đòi hỏi các bên tham gia phải có tiềm lực mạnh về công nghệ thông tin, có kinh nghiệm triển khai các dự án lớn mang tầm quốc gia.

“VNPT đã tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất của Tập đoàn và 63 tỉnh, thành phố cùng các đối tác trong Liên danh”, ông Long chia sẻ.

Theo đó, 780 giảng viên nội bộ triển khai hơn 550 lớp đào tạo cho cán bộ, chiến sỹ, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội từ Trung ương đến địa phương để nắm vững nghiệp vụ quản trị, sử dụng và vận hành hệ thống. Toàn bộ hạ tầng kết nối, hệ thống tích hợp và các phần mềm ứng dụng, đào tạo huấn luyện cho hơn 23.000 cán bộ chiến sỹ công an sử dụng đã hoàn tất.

Bên cạnh đó, VNPT còn phát triển 13 phần mềm cho hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đào tạo sử dụng 8 phần mềm ứng dụng quản trị phục vụ hệ thống.

Hiện các dữ liệu đã được làm sạch, chuẩn hóa và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ của hơn 97 triệu dân. Hệ thống đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, tỉnh, thành phố và sẵn sàng đi vào hoạt động.

Tin bài liên quan