Có một hệ thống cơ sở dữ liệu chung là điều các thành viên thị trường bảo hiểm mong mỏi từ lâu
Cập nhật cả thông tin khách hàng, đại lý vi phạm
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố hình sự một vụ án dựa trên tố giác của 9 công ty bảo hiểm gồm Liberty, Prudential, Aviva, MB Ageas, FWD, Generali, Dai-ichi, VBI và Cathay đối với một khách hàng có dấu hiệu gian dối trong kê khai mua bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm.
Vụ việc đang trong quá trình điều tra, tuy nhiên đây là ví dụ cho thấy tính cấp thiết của việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung ngành bảo hiểm. Báo cáo lên Quốc hội, Chính phủ cho biết, một trong những mục tiêu của việc xây dữ liệu chung về kinh doanh bảo hiểm là để phòng chống trục lợi, gian lận bảo hiểm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, bên cạnh phục vụ phục vụ hoạt động quản lý giám sát, xây dựng mức phí bảo hiểm, đánh giá dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm...
Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi phiên bản mới nhất cũng đã bổ sung một chương hoàn toàn mới (chương VII) quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm. Theo đó, dữ liệu chung này được Bộ Tài chính (hoặc đơn vị được Bộ Tài chính giao) xây dựng, quản lý để cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) và các tổ chức cá nhân khác có liên quan.
Quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp loại bỏ khách hàng xấu (những khách hàng từng có hành vi gian dối, trục lợi bảo hiểm, hay khách hàng có lịch sử bồi thường cao…), nhằm hạn chế tổn thất do trục lợi, gian lận bảo hiểm. Bởi khi đó, trên hệ thống cơ sở dữ liệu chung sẽ cập nhật các thông tin, dữ liệu về bảo hiểm gốc như đối tượng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng; thông tin về các loại sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm mà tổ chức, cá nhân tham gia; lịch sử tổn thất, bồi thường, chi trả bảo hiểm...; các thông tin khác có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm như doanh nghiệp bảo hiểm cấp hợp đồng, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tham gia, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm…
Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu chung này còn cập nhập dữ liệu liên quan tới đại lý bảo hiểm, bao gồm thông tin về đại lý cá nhân và đại lý tổ chức; thông tin về việc cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm; thông tin về cá nhân, tổ chức đại lý bảo hiểm vi phạm quy định hoạt động đại lý bảo hiểm bị xử phạt hành chính hoặc bị chấm dứt hợp đồng đại lý.
Nhà bảo hiểm mong ngóng
Đã từ lâu, các thành viên thị trường đều mong ngóng có một hệ thống cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm, được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Vì thế, nhiều ý kiến đóng góp liên quan tới nội dung này đã được doanh nghiệp bảo hiểm gửi tới cơ quan soạn thảo.
Đơn cử, Bảo hiểm BIDV (BIC) và Bảo hiểm Bảo lãnh Seoul (SGI) đề xuất cho phép công ty bảo hiểm được phép tiếp cận kho dữ liệu thông tin tín dụng do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam của ngành ngân hàng để thực hiện đánh giá khách hàng nhằm hạn chế rủi ro.
Tương tự, Bảo Việt Nhân thọ cũng đề nghị bổ sung quyền của công ty bảo hiểm được chia sẻ thông tin với nhau và với IAV nhằm tăng khả năng phòng chống gian lận bảo hiểm.
Trong bản đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi lần đầu, Generali và Manulife cùng cho biết, việc chia sẻ thông tin về gian lận, trục lợi bảo hiểm, vi phạm của đại lý, khách hàng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm là vô cùng cần thiết nhưng lại vướng rào cản pháp lý (nhà bảo hiểm phải có được sự đồng ý của khách hàng trước khi thu thập thông tin bệnh án của khách hàng và thường gặp khó trong quá trình thu thập, kiểm tra thông tin hồ sơ sức khỏe).
Do đó, ngoài đề xuất bổ sung quy định về việc cho phép chia sẻ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu chung, 2 công ty này còn đề nghị cho phép chia sẻ thông tin tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng nhằm gia tăng khả năng quản trị rủi ro theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành (Khoản 1, Điều 10).
Ngoài ra, Manulife còn đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Y tế phối hợp với công ty bảo hiểm thành lập một tổ chức phi lợi nhuận sở hữu cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin y tế nhằm phát hiện sai sót trên hồ sơ bảo hiểm để giảm gian lận hoặc lựa chọn bất lợi.
Thực tiễn từ những thị trường phát triển
Tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm hiện đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Nhìn sang các thị trường phát triển, hệ thống này đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Chẳng hạn, tại Mỹ, doanh nghiệp bảo hiểm có thể truy cập cơ sở dữ liệu phòng chống gian lận bảo hiểm để tra cứu thông tin về người bảo hiểm, đơn bảo hiểm và các thông tin liên quan khác như dữ liệu y tế tổng hợp (tổng hợp dữ liệu hóa đơn y tế từ các công ty bảo hiểm); áp dụng các điều kiện gian lận đối với dữ liệu tổng hợp và xác định các nhà cung cấp dịch vụ y tế đáng ngờ; trang tổng quan về khiếu nại có nghi vấn, cho phép các công ty bảo hiểm tìm kiếm xem một bên có hành vi gian lận trong quá khứ hay không...
Cơ sở dữ liệu này còn giúp xác định các trường hợp có khả năng gian lận bảo hiểm trước khi yêu cầu bồi thường; tiềm năng dự đoán các lỗ hổng trong quy trình yêu cầu bồi thường đang hấp dẫn các công ty bảo hiểm, vì họ có thể hành động để ngăn chặn hơn là để giải quyết gian lận.
Công nghệ chuỗi khối được một số công ty bảo hiểm áp dụng để xử lý nhiều khiếu nại của cùng một vụ tai nạn và thiết lập tính xác thực của các tài liệu bằng cách giảm thiểu việc làm giả tài liệu…
Tại Anh, cơ sở dữ liệu trung tâm ra đời vào cuối năm 2013 và hiện có hơn 300 công ty bảo hiểm tham gia hệ thống. Trung tâm này cung cấp thông tin về các sản phẩm bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm thành viên, là cơ sở dữ liệu toàn ngành bảo hiểm về những cá nhân có hành vi gian lận đã được chứng minh và lưu trữ thông tin về những gian lận trong tất cả các loại hình bảo hiểm và ở tất cả các giai đoạn trong quy trình bảo hiểm. Danh tính của những cá nhân đã bị phát hiện có hành vi gian lận đối với công ty bảo hiểm, cho dù cấp đơn, tái tục hoặc khi yêu cầu bồi thường, sẽ được các nhà bảo hiểm cập nhật vào hệ thống này.
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), cơ sở dữ liệu trung tâm được thành lập năm 2018 và có 34 công ty bảo hiểm sử dụng, cung cấp những dữ liệu về bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe - tai nạn cá nhân… và sẽ được phát triển để quản lý dữ liệu bảo hiểm du lịch và bảo hiểm nhân thọ ở giai đoạn sau. Các công ty bảo hiểm tham gia có thể tải các thông tin như thông tin sản phẩm, đơn bảo hiểm (số phạm vi bảo hiểm); thông tin yêu cầu bồi thường (ngày xảy ra tai nạn/điều trị); dữ liệu cá nhân (tên, ngày sinh và số ID); dữ liệu của bên thứ ba (nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cửa hàng sửa chữa... lên hệ thống cơ sở dữ liệu chung này.