Có sai số trong “cân đo” sức khỏe tài chính của công ty chứng khoán?

Có sai số trong “cân đo” sức khỏe tài chính của công ty chứng khoán?

(ĐTCK) Ghi nhận từ “người trong cuộc”, đang có những quan ngại về việc chỉ tiêu an toàn tài chính chưa phản ánh chính xác sức khỏe tài chính của khối CTCK. 

Cần rà soát kỹ lưỡng các rủi ro

“Chỉ tiêu an toàn tài chính mà các CTCK đang định kỳ công bố ra thị trường chưa phản ánh hoàn toàn chuẩn xác sức khỏe tài chính của họ. Lý do là bởi với một số chỉ tiêu tài chính, có CTCK hạch toán theo nguyên tắc giá gốc, có công ty lại hạch toán theo giá thị trường, nên chưa phản ánh sát những biến động giá trị tài sản của các CTCK...”, Tổng giám đốc một CTCK đang niêm yết nhìn nhận.

Từ thực tế này, vị lãnh đạo CTCK trên cho rằng, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa công bố dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 226/2010 của Bộ Tài chính quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính và Thông tư 165/2012 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 226/2010 là chưa hợp lý.

“Lẽ ra, nên thúc đẩy việc áp dụng nguyên tắc giá thị trường trong lập báo cáo tài chính của các CTCK thì căn cơ và chuẩn mực hơn”, vị Tổng giám đốc CTCK nói.

Căn cứ vào chỉ tiêu an toàn mới nhất mà các CTCK công bố tính đến thời điểm này là 30/6/2016, có những công ty đạt tỷ lệ an toàn tài chính lên đến 1.000%. Tỷ lệ rất cao này khiến nhiều người băn khoăn: liệu Thông tư 226/2010 đã bao quát được toàn bộ các nhân tố rủi ro mà các CTCK phải tính? Do đó, một số ý kiến đề nghị trong lần sửa đổi Thông tư 226/2010 này, UBCK cần rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tất cả các rủi ro: thị trường, hoạt động, thanh toán… phải được phản ánh đầy đủ vào chỉ tiêu an toàn tài chính của CTCK, nhất là trong bối cảnh TTCK phái sinh chuẩn bị đi vào hoạt động.

Liên quan đến cách tính giá trị rủi ro hoạt động, Điều 8 của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 226/2010 quy định: rủi ro hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán được xác định bằng 25% chi phí duy trì hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán trong vòng 12 tháng liền kề tính tới tháng gần nhất, hoặc 20% vốn pháp định theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào giá trị nào lớn hơn. Ý kiến từ phía CTCK cho rằng, mức 20% vốn pháp định là quá cao, nếu xét trong điều kiện các CTCK có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét áp dụng ở mức 10% vốn pháp định thì hợp lý hơn. 

… nhưng không nên làm khó CTCK

Liên quan đến nội dung kiểm soát đặc biệt, tại khoản 5, Điều 16, dự thảo Thông tư quy định: sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt, nếu tổ chức kinh doanh chứng khoán không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp (chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán) đạt mức 50% vốn điều lệ trở lên sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Nội dung này, theo chia sẻ của một số CTCK là chưa rõ ràng và làm khó cho CTCK khi rơi vào trạng thái bị đình chỉ hoạt động. Do vậy, vị này đề nghị UBCK cần làm rõ quy định này theo hướng: đối với CTCK có chức năng tự doanh thì chỉ đình chỉ nghiệp vụ mua, còn phải cho phép họ bán chứng khoán để cải thiện tình hình tài chính.

“Nếu cấm cả tự doanh bán chứng khoán khác nào ép CTCK vào chỗ chết”, vị này nói.

Ngoài ra, tại khoản 6, Điều 16 của dự thảo quy định: sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt, nếu tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp dưới 50% vốn điều lệ hoặc không bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về phá sản doanh nghiệp, UBCK yêu cầu tổ chức kinh doanh chứng khoán tạm ngừng hoạt động. Quy định này, theo nhìn nhận của một số CTCK là chưa ổn.

Hướng hoàn thiện quy định này được các CTCK đề xuất theo hướng: Đối với CTCK có chức năng tự doanh thì chỉ tạm ngừng nghiệp vụ mua, còn phải cho phép họ bán để cải thiện sức khỏe tài chính, nếu không sẽ đẩy CTCK vào ngõ cụt và đối mặt với nguy cơ xóa sổ hoạt động…

Tin bài liên quan