Nghị định vừa ban hành có nhiều điểm mới quan trọng, trong đó, chức năng và phạm vi thanh tra – giám sát được mở rộng hơn rất nhiều.
Về mô hình hoạt động, Nghị định đã chỉ rõ sự đổi mới căn bản về mô hình tổ chức thanh tra trong NHNN theo hướng bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với xu hướng tập trung hóa quản trị, điều hành về trụ sở chính của TCTD.
Nghị định xác định rõ Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng là cơ quan thanh tra nhà nước, được tổ chức thành hệ thống gồm Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Cơ quan TTGSNH) trực thuộc NHNN và Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh) được thành lập tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục TTGSNH thuộc Cơ quan TTGSNH.
Cơ quan TTGSNH là đơn vị tương đương Tổng cục trực thuộc NHNN, có cơ cấu tổ chức gồm Vụ, Cục, Văn phòng tại trụ sở chính và các cục TTGSNH đặt tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cục trưởng Cục TTGSNH được ra quyết định thanh tra, thành lập đoàn thanh tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo Cơ quan TTGSNH thì điểm mới cơ bản tại Nghị định là quy định về đối tượng thanh tra, giám sát, nguyên tắc thanh tra, giám sát, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng theo hướng mở rộng hơn, phù hợp với khuôn khổ pháp lý hiện hành như Luật NHNN Việt Nam; Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Xử lý vi phạm hành chính... và hướng tới thực hiện thông lệ, chuẩn mực quốc tế về thanh tra, giám sát ngân hàng hiệu quả của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng ban hành.
“Theo đó, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng được giao thực hiện nhiệm vụ rộng hơn, gồm đầy đủ 4 khâu của quá trình quản lý, thanh tra, giám sát đối với các TCTD (cấp phép; xây dựng quy chế về an toàn hoạt động ngân hàng; giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ; xử lý vi phạm). Phương pháp thanh tra, giám sát tiến dần đến thực hiện thông lệ, chuẩn mực quốc tế: Thanh tra, giám sát toàn bộ hoạt động của TCTD, kết hợp thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật với thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng…”, lãnh đạo Cơ quan TTGSNH cho biết.
Ngoài ra, các vấn đề liên quan tới chức năng và vai trò của thanh tra cũng được hoàn thiện và thay đổi. Cụ thể là quy định một số đặc thù phù hợp thanh tra chuyên ngành ngân hàng về xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng (chung cho toàn hệ thống). Trước kia, Cơ quan thanh tra giám sát Trung ương và Cơ quan thanh tra giám sát chi nhánh đều có kế hoạch riêng nhưng vài năm trở lại đây đã có kế hoạch chung cho toàn hệ thống và chính thức đưa vào Nghị định.
Theo Luật Thanh tra, thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài đến 70 ngày, nhưng với đặc thù của hoạt động thanh tra ngân hàng dàn trải trên toàn quốc, tài sản, quy mô hoạt động lớn... có thể kéo dài thời hạn thực hiện trên 70 ngày thì Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng báo cáo để Thống đốc NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thông thường, trong các cuộc thanh tra, có sự kết hợp giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật với thanh tra, nhưng với đặc thù của ngành ngân hàng, có thêm phần giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng. Do vậy, với nội dung này, cần phải có báo cáo kết luận thanh tra tương thích nên Thống đốc NHNN hướng dẫn về nội dung báo cáo kết quả thanh tra, nội dung kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra đối với các cuộc thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Nghị định số 91/1999/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngân hàng đã phản ánh rõ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngân hàng, mà không có giám sát ngân hàng. Nghị định mới bổ sung quy định về giám sát ngân hàng về nội dung, hình thức giám sát; các biện pháp xử lý giám sát; căn cứ thực hiện giám sát; quy định về phối hợp giữa thanh tra ngân hàng với giám sát ngân hàng…
“Do vậy, điểm rất mới trong Nghị định đó là việc Cơ quan Thanh tra giám sát có quyền yêu cầu TCTD thực hiện kiểm toán độc lập phục vụ yêu cầu thanh tra, giám sát ngân hàng”, lãnh đạo cơ quan Thanh tra giám sát cho biết.
Đặc biệt, theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” được phê duyệt theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ có nội dung tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả thanh tra giám sát ngân hàng; hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng… Điều này có nghĩa, cùng với việc tái cơ cấu các TCTD, Cơ quan thanh tra giám sát cũng cần phải tái cơ cấu. Do vậy, Nghị định số 26/2014/NĐ-CP là một bước “tái cơ cấu” của nội tại cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng
“Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ra đời đã tạo nền tảng cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, bảo đảm sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD. Đồng thời, Nghị định sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tiền tệ, đồng thời góp phần ổn định hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.