Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ kêu gọi quản lý cứng rắn hơn sau khi Credit Suisse sụp đổ

Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ kêu gọi quản lý cứng rắn hơn sau khi Credit Suisse sụp đổ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã kêu gọi về việc sử dụng quyền lực quản lý chặt chẽ hơn để giám sát các ngân hàng sau khi họ đã làm mọi thứ có thể để ngăn chặn sự sụp đổ của Credit Suisse trong năm nay.

Hôm thứ Ba (19/12), FINMA đã công bố một báo cáo dài 84 trang về sự sụp đổ của Credit Suisse, gây chấn động hệ thống tài chính Thụy Sĩ.

Báo cáo cho thấy sự sụp đổ của ngân hàng 167 tuổi này là kết quả của việc “thực hiện không đầy đủ các lĩnh vực trọng tâm chiến lược, liên tục xảy ra các vụ bê bối và sai sót trong quản lý”.

Thomas Hirschi, người đứng đầu bộ phận xử lý khủng hoảng và ngân hàng của FINMA cho biết, cơ quan quản lý đã sớm phát hiện ra các vấn đề tại Credit Suisse và “sử dụng đầy đủ các công cụ” để cố gắng ổn định ngân hàng.

“Mặc dù hành động của cơ quan quản lý có hiệu quả nhưng họ không thể khắc phục được những nguyên nhân gây mất niềm tin, chẳng hạn như những bất cập trong việc thực hiện chiến lược và quản lý rủi ro”, ông cho biết.

Hệ thống quản lý tài chính của Thụy Sĩ từ lâu đã bị quốc tế chỉ trích vì thiếu thẩm quyền của các cơ quan ngang hàng trên toàn cầu và cho phép các ngân hàng hoạt động với mối đe dọa về những hình phạt tối thiểu đối với những hành vi sai trái.

Trong báo cáo, FINMA cho biết, rằng để cải thiện khả năng giám sát lĩnh vực tài chính, họ cần có khả năng xử phạt các công ty. Đồng thời, FINMA cũng kêu gọi áp dụng chế độ quản lý cấp cao, tương tự như hệ thống ở Anh, mà các giám đốc điều hành có trách nhiệm cá nhân cao hơn nhiều.

Kể từ năm 2012, FINMA cho biết họ đã tiến hành 43 cuộc điều tra sơ bộ về ngân hàng về các thủ tục cưỡng chế có thể xảy ra, kết quả là đã đưa ra 9 lời khiển trách, nộp 16 cáo buộc hình sự và hoàn thành 11 thủ tục kiện tụng đối với ngân hàng và 3 thủ tục đối với các cá nhân. Trong đó có 11 trong số 14 thủ tục kiện tụng này đã diễn ra kể từ năm 2018.

“FINMA đã liên tục thông báo cho Credit Suisse về các rủi ro, kêu gọi cải tiến và áp dụng các biện pháp sâu rộng…Chúng bao gồm các biện pháp mở rộng vốn và thanh khoản, can thiệp vào quản trị và thù lao của ngân hàng cũng như hạn chế hoạt động kinh doanh”, báo cáo cho biết.

Từ năm 2018 đến năm 2022, FINMA đã tiến hành 108 cuộc đánh giá giám sát tại chỗ tại ngân hàng và ghi nhận 382 điểm yêu cầu hành động, 113 trong số đó được xếp vào loại rủi ro cao hoặc nghiêm trọng.

Báo cáo cho biết: “Những số liệu và biện pháp này minh họa rằng FINMA đã cạn kiệt các lựa chọn và quyền lực pháp lý của mình”.

Tin bài liên quan