Theo đó, Trung tâm Phúc thẩm châu Âu được Ủy ban giám sát của Meta Platforms hỗ trợ và được cơ quan quản lý truyền thông của Ireland chứng nhận, sẽ hoạt động như một cơ quan giải quyết tranh chấp ngoài tòa án theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số EU (DSA).
Cho đến nay, các cá nhân và tổ chức sử dụng mạng xã hội có rất ít lựa chọn để khiếu nại các quyết định về nội dung của các công ty mạng xã hội mà không cần ra tòa.
Trung tâm phúc thẩm châu Âu sẽ bắt đầu hoạt động trước cuối năm nay. Ban đầu, cơ quan này sẽ giải quyết các vụ việc liên quan đến Facebook, TikTok và YouTube, và sẽ bao gồm nhiều nền tảng mạng xã hội hơn theo thời gian.
"Chúng tôi muốn người dùng có quyền lựa chọn đưa tranh chấp lên một cơ quan độc lập với chính phủ và công ty, đồng thời tập trung vào việc đảm bảo các chính sách nội dung của nền tảng được áp dụng một cách công bằng và vô tư", Thomas Hughes, Tổng giám đốc điều hành của Trung tâm Phúc thẩm châu Âu cho biết.
Với một nhóm chuyên gia, cơ quan mới sẽ xem xét từng trường hợp trong vòng 90 ngày và quyết định xem quyết định của nền tảng có phù hợp với chính sách nội dung của họ hay không.
"Chúng tôi hoan nghênh việc cơ quan quản lý Ireland chứng nhận các cơ quan độc lập mới…Chúng tôi sẽ hỗ trợ phát triển hiệu quả và thống nhất hệ thống này trên toàn EU để trao cho tất cả người dùng EU các quyền trực tuyến mạnh mẽ hơn", Thomas Regnier, phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu cho biết.
Trung tâm Phúc thẩm có trụ sở tại Dublin, Ireland và được tài trợ thông qua các khoản phí tính cho các công ty truyền thông xã hội cho mỗi trường hợp. Người dùng đưa ra tranh chấp sẽ phải trả một khoản phí tượng trưng, khoản phí này sẽ được hoàn lại nếu quyết định có lợi cho họ.
Tuy nhiên, theo các quy tắc của DSA, các nền tảng trực tuyến có thể từ chối tham gia với một cơ quan giải quyết tranh chấp như vậy và cơ quan này sẽ không có thẩm quyền áp đặt một giải quyết ràng buộc đối với các bên.