Cơ quan hải quan hỗ trợ tối đa doanh nghiệp xuất nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Trong 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 497,66 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đào Duy Tám, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan).

Ông Đào Duy Tám, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan).

Để hỗ trợ tối đa doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, ông Đào Duy Tám, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) khẳng định, cơ quan hải quan sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm không phải lỗi của hải quan, nhưng nếu hải quan hỗ trợ tối đa cũng tạo điều kiện đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, thưa ông?

Đúng vậy. Vì thế, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, chủ trì xây dựng và kiến nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 15/7/2023) quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu. Quy định này có rất nhiều điểm mới.

Đơn cử, với quy định về bảo lãnh thuế đối với trường hợp chậm nộp chứng từ, chứng nhận xuất xứ và xác minh xuất xứ hàng hóa, trường hợp chưa có chứng từ, chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan, thì hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng thuế suất ưu đãi (MFN) hoặc thuế suất thông thường, nhưng nếu được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế chênh lệch, thì được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt và doanh nghiệp chỉ phải nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn một năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Hải quan được ghi nhận là một trong số các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng số hóa mạnh nhất. Thưa ông, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, việc số hóa được áp dụng như thế nào?

Nếu như trước đây, doanh nghiệp phải nộp bản giấy chứng từ, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thì nay, doanh nghiệp nộp chứng từ, chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc chứng từ giấy chuyển đổi sang chứng từ điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thông qua Hệ thống Xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Trường hợp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hoặc được cấp trên Trang thông tin điện tử theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, doanh nghiệp không phải nộp, nhưng phải khai theo quy định.

Nhưng lưu ý rằng, mặc dù là điện tử hóa, số hóa giấy tờ các loại, song doanh nghiệp vẫn phải lưu giữ bản gốc, bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và xuất trình cho cơ quan hải quan trong quá trình kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành hoặc kiểm tra hải quan hoặc khi cơ quan hải quan có nghi ngờ về tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Mặc dù vậy, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chi tiết hồ sơ (luồng vàng) hiện vẫn chiếm trên 30% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian thông quan hàng hóa, thưa ông?

Hiện tại, số lượng hàng hóa được xếp vào diện luồng xanh, thông quan tự động, cơ quan hải quan không kiểm tra hồ sơ cũng như kiểm tra trực tiếp hàng hóa ở khâu thông quan, mà kiểm tra sau thông qua khi hàng hóa đã vào nội địa, nhưng khối lượng luồng vàng vẫn còn khá lớn, nên chúng tôi đã và đang tìm cách giảm luồng vàng.

Việc cho phép doanh nghiệp được nộp chứng từ, chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN hoặc được cấp trên Trang thông tin điện tử theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu chính là giải pháp để giảm luồng vàng. Việc cho phép doanh nghiệp số hóa chứng từ liên quan đến giấy phép, giấy tờ kiểm tra chuyên ngành hàng hóa cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ kiểm tra hồ sơ, qua đó rút ngắn thời gian thông quan.

Hải quan chỉ làm một số khâu trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa, còn nhiều khâu khác thuộc các bộ, ngành khác. Các bộ, ngành có chức năng kiểm tra hàng hóa chuyên ngành như nông nghiệp, y tế, công thương, khoa học - công nghệ... cũng phải đẩy mạnh việc số hóa, giảm thiểu và tiến đến loại bỏ giấy tờ giấy. Tất cả giấy tờ được số hóa và giao dịch trên không gian mạng, thì mới rút ngắn được thời gian kiểm tra hồ sơ đối với hàng hóa thuộc diện luồng vàng.

Tuyệt đại đa số hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được thực hiện qua đường biển, trong khi nước ta có đường sắt để xuất khẩu vào nội địa Trung Quốc hoặc qua Trung Quốc để tới châu Âu. Thưa ông, hải quan đã làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu qua đường sắt?

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào nội địa Trung Quốc bằng đường sắt, như bố trí nguồn nhân lực, thiết bị, máy móc, bộ máy để giải quyết thủ tục hải quan tại các ga liên vận quốc tế như ga Kép (Bắc Giang), ga Sóng Thần (Bình Dương), qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Chỉ có vậy thôi sao, trong khi vận tải hàng hóa bằng đường sắt vào nội địa Trung Quốc và qua Trung Quốc vào châu Âu có rất nhiều lợi thế, thưa ông?

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu bằng đường sắt, chúng ta hiện có 4 ga vận chuyển liên vận quốc tế, gồm ga Kép (Bắc Giang), Đồng Đăng (Lạng Sơn), ga Gia Lâm (Hà Nội) và ga Lào Cai. Nhưng khối lượng vận chuyển không nhiều, năng lực bốc xếp tại các ga này rất thấp, hạ tầng chưa bảo đảm điều kiện để thực hiện kiểm tra, giám sát hải quan.

Rất tiếc là chúng ta chưa khai thác được lợi thế của vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt do năng lực của ngành còn rất nhiều hạn chế. Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc xây dựng quy hoạch các nhà ga liên vận quốc tế. Theo quy hoạch này, sẽ có 9-10 nhà ga liên vận quốc tế. Khi vận tải hàng hóa bằng đường sắt cải thiện, hải quan sẽ đầu tư nhân lực, thiết bị, máy móc để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu.

Tin bài liên quan