Cơ quan giám sát tài chính Trung Quốc cam kết sẽ mở rộng thị trường tài chính hơn nữa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa thị trường tài chính 60 nghìn tỷ USD cho các ngân hàng và công ty đầu tư nước ngoài, đồng thời tuân thủ mục tiêu cuối cùng là ngăn ngừa rủi ro hệ thống.
Cơ quan giám sát tài chính Trung Quốc cam kết sẽ mở rộng thị trường tài chính hơn nữa

Li Yunze, người đứng đầu Cục Quản lý Tài chính Quốc gia (NFRA) của Trung Quốc cho biết, quốc gia này sẽ “kiên quyết” mở cửa lĩnh vực tài chính và chào đón các tổ chức tài chính nước ngoài chất lượng đến với Trung Quốc.

“Mở cửa là chính sách nhà nước lâu đời của Trung Quốc và cánh cửa lĩnh vực tài chính sẽ chỉ rộng hơn”, ông cho biết.

Yi Huiman, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cũng cho biết Trung Quốc sẽ thúc đẩy thị trường mở hơn đồng thời đảm bảo ổn định niềm tin của thị trường.

Các bình luận được đưa ra khi các ngân hàng toàn cầu đang đánh giá lại mục tiêu ở thị trường Trung Quốc thông qua cắt giảm dự báo doanh thu và nhân sự. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn có một sức hút mạnh mẽ. JPMorgan Chase vào tháng 5 đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh dành cho khách hàng tại Thượng Hải, trong đó Giám đốc điều hành Jamie Dimon cam kết sẽ ở lại nước này trong cả thời điểm thuận lợi và khó khăn.

Đầu tuần này, Giám đốc điều hành của Citigroup, Jane Fraser đã có mặt tại Bắc Kinh và bày tỏ sự tin tưởng vào sự phát triển kinh tế và tài chính của Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động trong cuộc họp hôm thứ Hai (5/6) với cơ quan quản lý tài chính hàng đầu của quốc gia.

“Rủi ro tổng thể trong ngành tài chính của Trung Quốc có thể kiểm soát được, và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và có thể bảo vệ điểm mấu chốt là ngăn ngừa rủi ro hệ thống”, ông Yi Huiman cho biết.

Cảnh báo mạnh mẽ

Theo ông Li Yunze, mặc dù các sự kiện rủi ro ngân hàng quốc tế gần đây ít có tác động trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng chúng đã đóng vai trò “như một lời cảnh báo mạnh mẽ”.

“Cơ quan quản lý tài chính quốc gia sẽ có thái độ chủ động hơn để giải quyết các rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn khác nhau, tuân thủ nguyên tắc xác định sớm, cảnh báo sớm, phát hiện sớm và xử lý sớm và cố gắng giải quyết rủi ro ngay từ giai đoạn đầu”, ông cho biết.

Những nỗ lực cũng sẽ được thực hiện để bịt các lỗ hổng trong quy định tài chính của Trung Quốc và kiên quyết ngăn chặn những rủi ro mới hình thành.

Trung Quốc đã coi việc kiềm chế rủi ro tài chính là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm nay ngay cả khi nước này đấu tranh để vực dậy nền kinh tế sau khi từ bỏ phương pháp tiếp cận Zero Covid vào cuối năm ngoái.

CSRC sẽ giải quyết các rủi ro vỡ nợ trái phiếu một cách có trật tự, xử lý các vi phạm bao gồm giao dịch nội gián và tăng cường giám sát giao dịch định lượng như một phần trong nỗ lực cải thiện quy định thị trường.

Thúc đẩy kinh tế

Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm cả nỗ lực thúc đẩy hoạt động cho vay của ngân hàng sau khi dữ liệu gần đây cho thấy sự chậm lại. Cho đến nay, các nhà chức trách đã kiềm chế việc cắt giảm lãi suất và tăng mạnh chi tiêu tài chính do lo ngại về rủi ro ổn định tài chính sau khi các khoản nợ của chính quyền địa phương tăng vọt.

Sau khi tăng đột biến trong quý đầu tiên, tín dụng và các khoản vay mới đã suy yếu trong tháng 4 do người tiêu dùng và doanh nghiệp hạn chế đi vay. Các hộ gia đình đang tiết kiệm nhiều hơn và trả bớt các khoản thế chấp thay vì vay nợ nhiều hơn, trong khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhu cầu giảm và lợi nhuận giảm.

Ông Li Yunze cam kết đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế thực, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tiêu dùng và cải thiện tài chính cho các doanh nghiệp tư nhân. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tối ưu hóa các dịch vụ tài chính để phục hồi và mở rộng nhu cầu hiệu quả” trong nền kinh tế.

Theo ông Yi Huiman, CSRC sẽ hỗ trợ đổi mới công nghệ của Trung Quốc theo cách tiếp cận “có mục tiêu” hơn, bằng cách tăng cường tài trợ vốn cổ phần và trái phiếu.

“Mặc dù nền kinh tế trong nước đã cho thấy đà phục hồi, nhưng động lực bên trong vẫn chưa mạnh. Chúng ta còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thúc đẩy phát triển chất lượng cao”, ông cho biết.

Tin bài liên quan