Cơ quan của Quốc hội báo cáo gì về vụ doanh nghiệp kêu cứu vì chậm hoàn thuế

0:00 / 0:00
0:00
Trong báo cáo dày 21 trang gửi Quốc hội báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế GTGT đối với xuất khẩu, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã có một nhận xét đáng chú ý.

“Ngành thuế vừa qua đã quá nhấn mạnh các yếu tố rủi ro và xem nhẹ các yếu tố về lịch sử tuân thủ của người nộp thuế trong quản lý rủi ro, gây ra ách tắc dòng tiền hoàn thuế, ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của doanh nghiệp; đồng thời các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành cũng đặt ra gánh nặng quá lớn đối với các cơ quan quản lý thuế cấp dưới, điều này là không khả thi và cũng gây rủi ro cho cán bộ trực tiếp giải quyết hoàn thuế", Ủy ban Tài chính - Ngân sách viết trong báo cáo vừa gửi Quốc hội.

Điều này dường như lý giải ngay thực tế gần như rất ít tiến triển trong việc giải quyết các đơn kiến nghị mà doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã phải gửi vượt cấp lên tới tận Quốc hội.

Đánh giá rủi ro vẫn thủ công

Nguyên cớ của nhận định này đến từ việc kết quả giám sát việc tổ chức thực hiện quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế GTGT trong ngành thuế. Mặc dù quy định về quản lý rủi ro trong hoàn thuế đã được nhắc đến từ năm 2016, bắt đầu từ việc bộ tiêu chí phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, nhưng đến ngày 18/9/2023, để triển khai quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế, Tổng cục Thuế mới chính thức ban hành Quyết định số 1388/QĐ-TCT về việc áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.

Nhưng đây là thông tin cập nhật, còn tại thời điểm Đoàn giám sát làm việc với các Cục thuế, Bộ Tài chính/Tổng cục Thuế vẫn chưa ban hành văn bản quy định này. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phân loại tự động hồ sơ hoàn thuế cũng có tình trạng tương tự khi có thông tư quy định vào năm 2021 (Thông tư số 31/2021/TT-BTCT), nhưng theo Báo cáo của Tổng cục Thuế và theo phản ánh của một số cục thuế, hiện tại, trong ngành thuế trên thực tế vẫn chưa có một ứng dụng quản lý rủi ro nào được sử dụng để hỗ trợ cho các cục thuế trong công tác phân loại và giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

Vì vậy, báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh tới thực tế việc phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch thanh tra hoàn thuế GTGT hiện đang hoàn toàn được các cục thuế thực hiện theo cách thủ công trên cơ sở phân tích các thông tin sẵn có.

“Vì vậy, việc đánh giá rủi ro và phân loại hồ sơ để giải quyết hoàn thuế còn thiên về định tính và ít nhiều phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cán bộ trực tiếp làm công tác hoàn thuế”, Ủy ban Tài chính - Ngân sách báo cáo Quốc hội.

Ủy ban cũng báo cáo, các cục thuế mà đoàn giám sát đã làm việc đều kiến nghị Tổng cục Thuế sớm triển khai các ứng dụng phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động để hỗ trợ cho cơ quan thuế các cấp trong công tác phân loại và giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT, làm cơ sở để tránh các yếu tố chủ quan trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT.

Nhiều văn bản chỉ đạo trong ngành khiến mỗi nơi thực hiện một khác

Ngược lại với sự chậm trễ trên, số văn bản chỉ đạo trong ngành để đẩy mạnh quản lý chống gian lận hoàn thuế GTGT tăng nhanh. Từ năm 2020-2023, Tổng cục Thuế đã ban hành 27 văn bản chỉ đạo trong ngành, trong đó yêu cầu các cục thuế đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT và đặc biệt đã yêu cầu các cơ quan thuế các cấp phối hợp thực hiện rà soát xác minh việc cung ứng hàng hoá, dịch vụ đầu vào qua các khâu cũng như xác minh đầu ra của doanh nghiệp; Các văn bản này tập trung vào một số các ngành hàng được cảnh báo, bao gồm các lĩnh vực: (i) gỗ dăm, viên nén, gỗ thành phẩm; (ii) tinh bột sắn; (iii) cao su; (iv) linh kiện điện, điện tử, điện thoại.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận xét, các văn bản này đã chỉ đạo một cách không rõ ràng việc phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT để yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, xác minh.

“Điều này dễ dẫn đến cách hiểu là toàn bộ các hồ sơ của doanh nghiệp trong các lĩnh vực được cảnh báo sẽ đều cần được thực hiện rà soát, xác minh chi tiết về các nhà cung cấp qua các khâu đầu vào cũng như về các đối tác nước ngoài đối với đầu ra. Trên thực tế, cách hiểu và mức độ thực hiện các công văn tại các Cục thuế cũng rất khác nhau. Có doanh nghiệp thì bị dừng đợi kiểm tra nhưng có doanh nghiệp có chung khách hàng Trung Quốc được hoàn thuế với cam kết bị truy thu nếu phát hiện đề nghị hoàn sai... Văn bản số 1167/BDN ngày 3/10/2023 của Ban Dân nguyện cung cấp thông tin có đề cập đến thông tin là trong cùng thời gian một số công ty (như Công ty An Phát tại Cục thuế Hà Nội, công ty Focovev tại Cục Thuế TP.HCM) bị dừng hoàn để thực hiện kiểm tra, xác minh thì có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác trên toàn quốc (có chung khách hàng Trung Quốc) đã được các cục thuế địa phương khác giải quyết hoàn thuế (các doanh nghiệp này có cam kết bị truy thu nếu phát hiện đề nghị hoàn sai).

Với các cục thuế, thậm chí yêu cầu phải xác minh đến khâu cuối cùng là thu mua từ người dân hoặc xác minh đến người nhập khẩu ở nước ngoài là một gánh nặng, về cơ bản, yêu cầu về kiểm tra, xác minh trước hoàn là không thể thực hiện được trong thời hạn 40 ngày theo quy định.

“Điều này là nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ, cao su, dăm gỗ đã phải chờ đợi rất lâu mà chưa được hoàn thuế. Có doanh nghiệp phản ánh với Đoàn giám sát về thời gian giải quyết hoàn đã kéo dài đến 3 năm mà doanh nghiệp vẫn chưa được hoàn thuế.

“Ngoài ra, việc dừng hoàn để thực hiện rà soát, xác minh theo yêu cầu nghiệp vụ của Tổng cục Thuế trong nhiều trường hợp sẽ khó có thể phù hợp quy định của pháp luật là việc dừng hoàn chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, Ủy ban báo cáo Quốc hội.

Hai câu hỏi để ngỏ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách

Câu hỏi về về tính phù hợp của các văn bản cảnh bảo rủi ro trong ngành hiện nay đang được Ủy ban Tài chính - Ngân sách đặt ra trong báo cáo gửi Quốc hội.

Lý do, nhìn lại toàn bộ kết quả hoàn thuế trong các lĩnh vực, ngành hàng có các văn bản chỉ đạo nghiệp vụ trong ngành, số liệu cho thấy một số điểm khác biệt so với mặt bằng chung, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định.

Đối với lĩnh vực gỗ và các sản phẩm gỗ, tỷ lệ số hồ sơ đã được giải quyết mỗi năm là tương đối cao, chiếm 96-98% trên tổng số hồ sơ đề nghị hoàn, trong đó số hồ sơ được hoàn trước chiếm tỷ lệ trên dưới 90% tổng số hồ sơ, chỉ 10% là thực hiện kiểm trước. Tuy nhiên, số liệu tình hình thực hiện của nửa đầu năm 2023 đã thay đổi rõ nét, số hồ sơ được giải quyết hoàn đã giảm xuống còn 85% tổng số hồ sơ đề nghị, trong đó 16% là được kiểm trước.

Đối với lĩnh vực tinh bột sắn, tỷ lệ số hồ sơ được giải quyết hoàn trên tổng số hồ sơ đề nghị giảm dần qua các năm, từ mức 94-95% của năm 2019, năm 2020 giảm xuống còn 84-82% năm 2021 và năm 2022, sang nửa đầu năm 2023 số hồ sơ được giải quyết hoàn thuế chỉ là 45%; tỷ lệ số hồ sơ được hoàn trước trên tổng số hồ sơ đề nghị cũng đã giảm từ mức khoảng trên dưới 70% của các năm 2019-2021 xuống còn 49% của năm 2022 và 22% của nửa đầu năm 2023; số hồ sơ tồn của các năm 2019-2022 chỉ là vài hồ sơ mỗi năm thì năm 2023 đã tăng lên là 43 hồ sơ.

Đối với lĩnh vực cao su, tương tự như lĩnh vực tinh bột sắn, tỷ lệ số hồ sơ được giải quyết hoàn trên tổng số hồ sơ đề nghị hoàn đã giảm dần qua các năm, từ mức 96-98% năm 2019-2020 giảm xuống còn 82% năm 2021-2022 và chỉ còn 61% trong nửa đầu năm 2023; tỷ lệ hoàn trước cũng giảm dần từ mức khoảng 80% của các năm 2019-2021 xuống còn 75% năm 2022 và 62% nửa đầu năm 2023. Tỷ lệ số hồ sơ tồn chưa được giải quyết hoàn là tương đối lớn (48 hồ sơ, chiếm 34% tổng số hồ sơ đề nghị hoàn).

Đối với lĩnh vực linh kiện điện, điện tử: Tỷ lệ số hồ sơ được giải quyết hoàn trên tổng số hồ sơ đề nghị hoàn là rất cao qua các năm 2019-2021 ở mức 94-97%; giảm xuống mức 90% năm 2022 và 81% nửa đầu năm 2023; số hồ sơ được hoàn trước chiếm tỷ lệ khoảng trên dưới 75%, riêng trong 6 tháng đầu năm chỉ có 59% số hồ sơ được hoàn trước; số tồn chưa được giải quyết hoàn là 38 hồ sơ.

Ủy ban cũng báo cáo các số liệu về hồ sơ tồn đọng có thể chưa chính xác vì các doanh nghiệp cũng phản ánh với đoàn giám sát rằng có trường hợp doanh nghiệp được khuyến nghị rút hồ sơ hoàn hoặc không gửi hồ sơ hoàn tiếp theo khi hồ sơ trước đó chưa được hoàn.

Điều này phần nào làm cho các số liệu tổng hợp không thể hiện đúng thực tế về số tiền thuế các doanh nghiệp đang bị đọng chưa được hoàn hiện nay.

Thực tế này đang đặt ra 2 câu hỏi, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Một là, đối với các hồ sơ của doanh nghiệp trước đây được giải quyết hoàn trước, song bây giờ lại chuyển sang kiểm trước có thể đặt ra câu hỏi về chất lượng công tác hoàn thuế đã thực hiện (nếu đây thực sự là các lĩnh vực có rủi ro lớn về gian lận hoàn thuế).

Hai là, câu hỏi về tính phù hợp của các văn bản cảnh bảo rủi ro trong ngành hiện nay.

Tin bài liên quan