Cùng với những thay đổi về cách tính lương hưu, những quy định liên quan đến trách nhiệm đóng bảo hiểm, thanh tra, quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội... được kỳ vọng hạn chế tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được thông qua với tỷ lệ tán thành hơn 71%, dù trước đó vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí đề nghị không thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này. Luật gồm 9 chương, 125 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Luật đưa ra quy định khá đầy đủ về chức năng của cơ quan bảo hiểm; trong đó, nhấn mạnh chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm. Người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm đầy đủ theo quy định. Các hành vi như trốn, chậm đóng bảo hiểm, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm đều bị nghiêm cấm.
Thực tế, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của nhiều doanh nghiệp rất phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động, nhưng cơ quan bảo hiểm không dễ giải quyết. Thậm chí, ngay cả khi cơ quan bảo hiểm ra quyết định xử lý hành chính thì doanh nghiệp vẫn phớt lờ và chấp nhận nộp phạt. Do đó, cơ quan bảo hiểm xã hội buộc phải tính đến giải pháp khởi kiện, nhưng việc này rất phức tạp và không phải khi nào cũng đạt được kết quả.
Chỉ tính riêng trên địa bàn TP. HCM, từ đầu năm đến nay, có tới 1.124 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội và cơ quan bảo hiểm xã hội phải khởi kiện để đòi tổng số nợ 303 tỷ đồng. Trong tháng 10/2014, Bảo hiểm xã hội TP. HCM đã phải nộp đơn khởi kiện gần 300 đơn vị. Được biết, kể từ khi bắt đầu công tác khởi kiện nợ bảo hiểm (từ năm 2008 đến nay), cơ quan này đã khởi kiện gần 3.400 đơn vị.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vừa được thông qua đã trao quyền cho cơ quan bảo hiểm xã hội được kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế. Đồng thời, xử lý vi phạm hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý vi phạm. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng được quyền công khai trên phương tiện truyền thông những trường hợp doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm. Những quy định này được kỳ vọng khi đi vào cuộc sống sẽ phần nào hạn chế tình trạng doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội.
Luật Bảo hiểm sửa đổi lần này có một số nội dung đáng chú ý khác, như cách tính lương hưu, sửa đổi theo hướng tăng dần theo số năm đóng. Cụ thể, từ 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng sẽ được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Từ 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 16 năm (nếu lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018), 17 năm nếu nghỉ hưu vào 2019, 18 năm nếu nghỉ hưu vào năm 2020 và 20 năm nếu nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi. Với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Mức bình quân lương hàng tháng để tính lương hưu của khu vực công cũng được điều chỉnh theo lộ trình, tính bình quân 15 năm cuối từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2019; tính bình quân 20 năm cuối từ 1/1/2020 đến 31/12/2024 và từ 1/1/2025 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian.
Luật cũng bổ sung quy định, lao động nam được nghỉ việc 10 ngày khi vợ sinh đôi và từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Lao động nữ được nghỉ việc 6 tháng khi sinh con. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.
Có 2 đối tượng được mở rộng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: người lao động có hợp đồng lao động 1-3 tháng và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.