Kỳ vọng tìm lại hào quang
Một số chuyên gia phân tích thị trường tại Citigroup và Goldman Sachs nhận định, nhóm cổ phiếu xanh đang bước vào giai đoạn chuyển mình và có thể sớm tìm lại ánh hào quang. So với đầu năm nay, giá cổ phiếu của Công ty khai thác trang trại gió Orsted A/S tăng 20%, mức tăng của cổ phiếu Siemens Energy AG tăng 170%.
Nền kinh tế xanh tính đến giữa năm 2024 có giá trị vốn hóa 7.200 tỷ USD, ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 14% trong suốt thập kỷ qua. Theo định nghĩa của London Stock Exchange Group (LSEG), nền kinh tế xanh được đánh giá bằng cách xác định các yếu tố cấu thành doanh thu với các hoạt động kinh doanh xanh của hơn 19.000 công ty trên toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy, hơn 4.000 công ty trong số đó tạo ra doanh thu từ các sản phẩm và dịch vụ xanh, bao gồm mọi thứ từ sản xuất năng lượng tái tạo đến khai thác hoặc chế biến khoáng sản quan trọng cần cho pin và phát triển vật liệu có thể tái chế.
LSEG sử dụng Chỉ số Cơ hội môi trường toàn phần FTSE Russell, một chuẩn mực chọn ra các công ty có hơn 20% doanh thu xanh, bao gồm Microsoft Corp., Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. và Tesla Inc. trong số các cổ phiếu hàng đầu, làm đại diện cho ngành. Chỉ số này đã vượt trội hơn 82% so với chuẩn FTSE Global All Cap kể từ năm 2008.
Yếu tố đóng góp lớn nhất vào hiệu suất vượt trội của ngành xanh là quản lý và hiệu quả năng lượng, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ghi nhận 2 con số trong 5 năm qua. Thiết bị công nghệ thông tin và điện tử hiệu quả hiện đã vượt qua vật liệu xây dựng xanh để trở thành một trong những động lực hàng đầu cho tăng trưởng.
Về sự suy giảm của ngành trong các năm gần đây, nhiều thành viên trong ngành chuyển đổi năng lượng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu đến từ lãi suất cao. Bởi vậy, khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bắt đầu đảo chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng, tâm lý thị trường ở phân khúc này sẽ tốt hơn.
Kỳ vọng có thể trở thành thất vọng
Ông Barry Norris, người sáng lập và Giám đốc đầu tư của Quỹ Argonaut Capital Partners tại Anh đánh giá, kỳ vọng vào chu kỳ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giúp hồi sinh quá trình chuyển đổi xanh là sai lầm.
Ông Norris chỉ ra trên thị trường chứng khoán vẫn có nhiều cổ phiếu xanh tiếp tục gặp khó khăn, như cổ phiếu Vestas Wind Systems A/S hiện có mức giảm khoảng 30% so với đầu năm, bởi chi phí bảo trì tăng cao đã bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp. Theo BloombergNEF, Vestas và không ít nhà sản xuất tuabin khác ở châu Âu dần mất thị phần tại thị trường gió đang phát triển ở Ấn Độ. Chỉ số S&P Global Clean Energy đã giảm khoảng 6% kể từ cuối tháng 12, so với mức tăng hơn 20% của S&P 500.
Gần đây, một số cổ phiếu xanh đã tăng trở lại, nhưng chỉ số ngành này chưa bằng một nửa mức đỉnh đầu năm 2021, thời điểm các tiêu chí ESG đạt cực thịnh giữa các cuộc khủng hoảng năng lượng và các đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.
Ông Norris bày tỏ sự hồ nghi về tiền đề cơ bản của quá trình chuyển đổi xanh. Đây không chỉ là quan điểm cá nhân, mà còn phản ánh sự thay đổi của các “ông lớn” tài chính, khi đà hưng phấn thời điểm đại dịch đối với quá trình chuyển đổi xanh được thay thế bằng góc nhìn có phần thực dụng và tập trung vào lợi nhuận nhiều hơn.
Tại châu Âu, các chính sách buộc khu vực tư nhân áp dụng quá trình chuyển đổi xanh khiến cổ phiếu của các công ty trong khu vực này thường xuyên có định giá thấp hơn so với các đối thủ Mỹ. Chỉ số Stoxx Europe 600 có mức tăng bằng một nửa so với S&P 500 trong năm nay, tính trong 5 năm qua thì mức tăng chỉ bằng một phần ba.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, trừ khi có nhiều nguồn vốn từ khu vực tư nhân hơn được đổ vào nền kinh tế xanh, con người sẽ thất bại trong việc kiểm soát khí thải nhà kính, đẩy sự nóng lên toàn cầu vượt quá mức giới hạn 1,5°C. Mặc dù các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm nỗ lực điều chỉnh danh mục đầu tư cho phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu, nhưng ít có các động thái từ phần còn lại của ngành tài chính toàn cầu làm điều tương tự.