Cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn hấp dẫn, chứng khoán leo lên đỉnh mới

Cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn hấp dẫn, chứng khoán leo lên đỉnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp thị trường tiếp tục tăng mạnh và xác lập kỷ lục mới tại mốc 1.240 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền không "bỏ quên" nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp nhiều mã duy trì sức nóng.

Sau diễn biến khá tích cực của phiên sáng khi dòng tiền sôi động đã giúp thị trường tiếp tục chinh phục những đỉnh cao của năm với sự trở lại dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, thị trường có chút chững lại khi bước sang phiên giao dịch chiều. Áp lực bán gia tăng đã khiến nhiều cổ phiếu lớn bé thu hẹp biên độ, thậm chí là đảo chiều điều chỉnh, đã khiến VN-Index giật lùi.

Tuy nhiên, đây chỉ là cú nhún nhẹ để thị trường lấy đà bật nảy xa hơn. Cụ thể, ngay khi chạm mốc 1.230 điểm, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp VN-Index tăng vọt và đã thử thách thành công ngưỡng 1.240 điểm.

Thị trường tiếp tục có phiên ấn tượng với mức tăng hơn 15 điểm và xác lập mức cao nhất trong hơn 13 tháng, kể từ 15/9/2022 khi vượt thành công mốc 1.240 điểm. Đặc biệt là thanh khoản thị trường phá kỷ lục mới của năm và cũng là mức cao nhất trong hơn 16 tháng, đạt tổng giá trị giao dịch hơn 26.500 tỷ đồng chỉ tính trên sàn HOSE. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán.

Bên cạnh đó, những thông tin như VSD vừa công bố rằng, số tài khoản chứng khoán mở mới tháng 7 xác lập mức cao nhất trong 10 tháng, kể từ tháng 9/2022; đồng thời đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp thị trường đón nhận số tài khoản mới cao hơn tháng liền trước, càng củng cố niềm tin thị trường sẽ tiếp tục chinh phục những đỉnh cao hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, với đà tăng khá nóng, thị trường cũng không ngoại trừ sẽ có những nhịp điều chỉnh để lấy đà cho chặng đường tiếp theo.

Đóng cửa, sàn HOSE có 342 mã tăng và 129 mã giảm, VN-Index tăng 15,44 điểm (+1,26%) lên 1.241,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,3 tỷ cổ phiếu, trị giá 26.533,32 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và 14,89% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 4/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 181,25 triệu đơn vị, giá trị 4.549,45 tỷ đồng.

Dòng bank vẫn là động lực chính của thị trường khi chỉ còn ACB giảm 2,66%, còn lại đều khởi sắc, với sự đóng góp tích cực của CTG khi kết phiên tăng 5,16% lên mức 32.600 đồng/CP.

Tuy nhiên, điểm sáng của ngành vẫn là LPB, STB, SSB, trong đó STB kết phiên tăng 3,8% với thanh khoản sôi động nhất dòng bank, đạt 49,46 triệu đơn vị; trong khi LPB đóng cửa tăng kịch trần với thanh khoản bùng nổ đạt hơn 20,3 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.

Không chỉ dòng bank, các nhóm ngành khác cũng ghi nhận diễn biến tích cực hơn ở top vừa và nhỏ. Điển hình, nhóm cổ phiếu bất động đã trở nên phân hóa với VHM, VCG, HDB, DXG, DIG, NLG… đảo chiều giảm điểm; trong khi HPX vẫn sôi động với gần 20 triệu cổ phiếu khớp lệnh và dư mua trần hơn 4,36 triệu đơn vị; TCH cũng tăng kịch trần với thanh khoản hơn 22,2 triệu đơn vị và dư mua trần 1,26 triệu đơn vị…

Cổ phiếu HQC cũng quay xe ngoạn mục và có thời điểm chạm trần. Đóng cửa, HQC tăng 4,1% lên mức 5.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt hơn 56 triệu đơn vị.

Hay ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu VDS là điểm sáng khi đóng cửa tăng kịch trần lên mức 16.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,65 triệu đơn vị. Trong khi đó, VND đảo chiều giảm nhẹ, cổ phiếu VCI chỉ nhích nhẹ hơn 0,5%, SSI có chút tích cực hơn khi đóng cửa tăng 1,7%...

Nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất thị trường là chế biến thủy sản với sự đóng góp chính của CMX đóng cửa tăng kịch trần, VHC tăng gần 2%, IDI tăng 4,26%, ANV và FMC cùng tăng hơn 2%...

Trên thị trường, hầu hết các nhóm ngành đều đóng cửa trong sắc xanh, ngoại trừ nhóm sản phẩm cao su giảm hơn 1% và các nhóm khác như chăm sóc sức khỏe, sản xuất hàng gia dụng giảm chưa tới 0,1%.

Trên sàn HNX, thị trường vẫn duy trì đà tăng khá tốt trong suốt cả phiên chiều nhờ dòng tiền sôi động.

Đóng cửa, sàn HNX có 126 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 3,27 điểm (+1,35%) lên 245,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 120 triệu đơn vị, giá trị 1.951,6 tỷ đồng, tăng 12,83% về lượng và 7,94% về giá trị so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,11 triệu đơn vị, giá trị 171,75 tỷ đồng.

Nhóm chứng khoán trên sàn HNX có phần khởi sắc hơn, trong đó SHS giữ mức tăng 3,9% lên 16.100 đồng/CP với thanh khoản vẫn vượt trội, đạt 25,39 triệu đơn vị; APS tăng 6,7%, MBS tăng 2,4%, VIG tăng 2,4%, BVS tăng 2,3%, PSI tăng 7,8%...

Tuy nhiên, dòng tiền vẫn tiếp sức cho đà tăng mạnh của nhiều mã vừa và nhỏ, trong đó, IDJ kết phiên tăng 8,5% lên sát trần 7.700 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 3 khi đạt hơn 6,22 triệu đơn vị khớp lệnh; API tăng 4,4% lên mức 7.100 đồng/CP, các mã MBG, AMV, LIG, DL1… đều tăng 1-2% với thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị.

Cổ phiếu CEO giữ vững mức giá trên 20.000 đồng/CP. Đóng cửa, CEO tăng 1,5% lên 20.200 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua SHS với 8,85 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UPCoM, thị trường cũng diễn biến khởi sắc.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,87 điểm (+0,95%), lên 92,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 84,45 triệu đơn vị, giá trị 1.143,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,94 triệu đơn vị, giá trị 118,84 tỷ đồng.

Cổ phiếu vừa và nhỏ trên UPCoM cũng đua nhau khởi sắc. Trong đó, thanh khoản tốt nhất vẫn thuộc về SBS với 9,12 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 8,4% lên mức giá cao nhất ngày 9.000 đồng/CP.

Các mã khác trong nhóm chứng khoán cũng đều nới rộng biên độ như AAS tăng 6,5% lên mức 11.400 đồng/CP và khớp 3,58 triệu đơn vị; TCI tăng 10,4% lên mức cao nhất ngày 11.700 đồng/CP và khớp 1,88 triệu đơn vị…

Ngoài ra, một số mã đáng chú ý khác như C4G kết phiên tăng 3,9% và khớp 5,15 triệu đơn vị, DDV tăng 6,3% và khớp 3,14 triệu đơn vị, VAB tăng 4,9% và khớp 1,89 triệu đơn vị… Điểm sáng là DGT và ABW giữ vững đà tăng trần với khối lượng dư mua trần gần 0,2 triệu đơn vị và thanh khoản đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng khá tốt, với VN30F2308 tăng 15,6 điểm, tương đương +1,3% lên 1.250,2 điểm, khớp lệnh 190.560 đơn vị, khối lượng mở hơn 55.220 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm đa số, với CSTB2307có thanh khoản tốt nhất với hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 27,3% lên mức 560 đồng/cq; tiếp theo là CVPB2212 khớp hơn 1,95 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 18,2% lên 130 đồng/cq.

Tin bài liên quan