Cơ hội tích lũy
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã dẫn dắt chỉ số VN-Index tiệm cận đỉnh giá cao nhất năm 2023. Sau 4 tháng thị trường tăng điểm được dẫn dắt từ sóng cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư đã được chứng kiến nhiều cổ phiếu ngành này phá kỷ lục giá. Trong đó, NAB, VCB là hai cổ phiếu có nhiều lần phá kỷ lục giá nhất, với 16 lần kể từ đầu năm 2024, nhưng 2 cổ phiếu này cũng có chuyển động giá khá khác nhau.
Cụ thể, NAB đã tăng hơn 130% trong năm 2023 và đầu năm 2024, NAB tăng thêm gần 7%, một phần tác động từ yếu tố chuyển sàn niêm yết của Ngân hàng và kết quả năm qua khá tích cực. Còn cổ phiếu VCB của Vietcombank lại ghi nhận màu tím từ lâu mới thấy xuất hiện trong phiên giao dịch gần cuối tháng 2/2024, lan tỏa sự tích cực sang nhiều cổ phiếu ngân hàng khác như MBB, ACB, TCB, HDB…
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VPS nhận định, giai đoạn nửa đầu năm 2024, nhóm ngân hàng sẽ có nhiều động lực tăng trưởng khi mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy nhu cầu tín dụng phục vụ cho sản xuất - kinh doanh, đồng thời các khoản tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao trước đó đáo hạn. Cùng với đó, các vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản đang dần được tháo gỡ, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi dần, giúp các ngân hàng xử lý các khoản vay có liên quan.
Nhận định về thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, khi so sánh với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết cũng như triển vọng của thị trường cho thấy khả năng VN-Index còn tiếp tục tăng. Trong đó, riêng với nhóm ngân hàng niêm yết chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn đã có mức tăng giá 20 - 30% từ đầu năm 2024 đến nay. Đặc biệt, nhóm ngân hàng niêm yết vốn chiếm 60% tổng lợi nhuận của ngành nên cơ hội đối với nhóm cổ phiếu “vua” còn lớn. BSC cho rằng, mức định giá hiện tại của ngành ngân hàng vẫn phù hợp để tích lũy cổ phiếu, nhất là đối với nhóm ngân hàng tư nhân.
Theo đánh giá của TS. Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Tài chính, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, với lượng tiền gửi tiết kiệm năm 2023 đạt cao kỷ lục (13,5 triệu tỷ đồng) vào hệ thống ngân hàng được ví như “đập nước” đang chờ chảy vào các kênh đầu tư phù hợp, nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động bị “nhấn chìm” hiện nay. Về các kênh đầu tư, trước mắt, bất động sản chưa cho thấy sự phục hồi rõ rệt, khó sớm phục hồi ở vùng ven, trong khi giá vàng trong nước cao hơn nhiều giá thế giới nên chứng khoán được nhà đầu tư xem xét, trong đó cổ phiếu “vua” được coi là an toàn để tích lũy.
Theo ông Vũ, thực tế, cổ phiếu nhóm ngành này có tỷ suất sinh lời cao hơn so với VN- Index trong 2 năm qua, cũng như chưa hết tiềm năng trong thời gian tới. Dù trước mắt có khó khăn nhất định, nhưng ngân hàng chính là “huyết mạch” của nền kinh tế, nên khi kinh tế hồi phục, tín dụng tăng trưởng sẽ tác động lên tăng trưởng lợi nhuận của ngành này.
Nhận diện triển vọng ngành
Ông Đàm Nhân Đức - Kinh tế trưởng Ngân hàng Quân đội (MB) đánh giá, động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2024 bao gồm nhiều yếu tố như: sự hồi phục của nền kinh tế; Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng và Chính phủ sẽ tận dụng thời cơ này để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng ở mức cao so với GDP (thường ở mức cao hơn gấp đôi), đặc biệt là tín dụng bán lẻ luôn cao hơn tăng trưởng tín dụng của toàn ngành. Thanh toán số tăng mạnh, bình quân khoảng 30% nhưng giao dịch qua kênh số tăng trưởng mạnh. Cùng với chỉ tiêu tín dụng/GDP của Việt Nam còn thấp hơn các nước như Thái Lan, Singapore…, nên đây là những động lực tăng trưởng cho các ngân hàng nói chung, trong đó có MB, đặc biệt là ở mảng bán lẻ cũng như ngân hàng số.
Theo ông Đức, năm 2023, động lực tăng trưởng của nền kinh tế cơ bản chỉ từ hoạt động đầu tư công, nhưng sang năm 2024, mảng xuất nhập khẩu dự báo tăng trưởng tốt hơn sẽ là nhân tố đáng để kỳ vọng. Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng dù yếu một chút nhưng vẫn tốt và đây là nhân tố sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng ngành ngân hàng tích cực hơn so với 2023.
Các chuyên gia BSC cũng cho rằng, triển vọng của ngành ngân hàng khả quan trong 2024 dựa trên các luận điểm chính: Môi trường lãi suất thấp cùng triển vọng kinh tế phục hồi giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện và NIM (biên lãi ròng) bật tăng nhờ chi phí vốn giảm; việc tăng cường xử lý nợ xấu trong năm 2023 tạo dư địa để ghi nhận lợi nhuận từ thu hồi nợ trong 2024; được hỗ trợ bởi mức định giá vẫn trong vùng phù hợp để tích lũy.
Bà Phạm Liên Hà, Giám đốc Nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính, Công ty Chứng khoán HSC nhận định, môi trường hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2023. Cụ thể, thanh khoản hệ thống dồi dào nên mặt bằng lãi suất duy trì thấp, kinh tế dần hồi phục và chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng, tỷ giá được kiểm soát phù hợp... Ngoài ra, còn có một số chính sách hỗ trợ như Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ hay Thông tư 16 quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng nhiều khả năng vẫn sẽ được kéo dài và sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn.
Dựa trên các yếu tố thuận lợi này, bà Hà kỳ vọng, cầu tín dụng sẽ hồi phục giúp tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong năm 2024, so với mức nền thấp của năm 2023. Theo đó, ước tính tăng trưởng lợi nhuận của 14 ngân hàng đầu ngành sẽ đạt mức 20 - 21% trong năm nay, cao hơn mức tăng 5,5% năm 2023.
Hiện một số ngân hàng đã công bố chỉ tiêu lợi nhuận 2024 nhiều tham vọng như MB với 28.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; Vietcombank đặt mục tiêu lãi hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023; Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.180 tỷ đồng. Các ngân hàng đều cho biết, có cơ sở để đạt được mục tiêu lợi nhuận năm nay khi các dấu hiệu kinh tế hồi phục dần rõ nét, tín dụng tăng trở lại khi lãi suất giảm dần, kể cả với tài chính tiêu dùng. NIM cũng được cải thiện khi chi phí đầu vào giảm mạnh.
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng cho biết, năm nay sẽ chia cổ tức trên dưới 20% bằng cổ phiếu và cả tiền mặt; bán vốn cho nhà đầu tư ngoại… cũng sẽ là những yếu tố tác động tích cực lên giá nhóm cổ phiếu ngành này.
Tuy nhiên, TS. Trần Anh Vũ cũng lưu ý một số thách thức đối với ngân hàng năm nay. Chẳng hạn, đà hồi phục của thị trường bất động sản còn chậm với những rủi ro hiện hữu về thanh khoản của nhóm doanh nghiệp ngành này, dẫn đến nợ xấu tăng và ngân hàng khó xử lý tài sản thu hồi nợ. Bên cạnh đó, việc cơ quan quản lý đưa ra chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn đối với kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng cũng khiến một số nhà băng có nguồn thu lớn từ kênh bảo hiểm có thể bị tác động tiêu cực.
Về yếu tố thị trường, sau 4 tháng tăng trưởng liên tiếp, một số cổ phiếu ngân hàng được các chuyên gia nhận định rằng đã tăng quá nhanh so với yếu tố nội tại. Vì thế, có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh ở nhóm này và cần thời gian cũng như xuất hiện thêm những triển vọng ở nhóm này để nhà đầu tư tin tưởng hơn.