Cổ phiếu “vua” chờ “hiệu ứng tân binh“

Cổ phiếu “vua” chờ “hiệu ứng tân binh“

(ĐTCK) Việc thị trường chứng khoán liên tục lập đỉnh mới trong thời gian qua tạo động lực thúc đẩy các ngân hàng sớm triển khai kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn. Động thái này được nhìn nhận sẽ đem lại cơ hội cho giới kinh doanh cổ phiếu, cho dù sự phân hóa giữa các ngân hàng ngày càng rõ nét.

TPBank (mã TBP) dự kiến niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) ngay trong tháng 4 tới. Cổ phiếu TPB cũng vừa tạm ngừng chuyển nhượng từ ngày 21/3 để Ngân hàng thực hiện các thủ tục niêm yết.

Trong khi đó, HOSE cũng vừa công bố chấp thuận cho 555 triệu cổ phiếu TPB được niêm yết trên sàn này, tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 5.550 tỷ đồng. Như vậy, nếu thực hiện niêm yết theo đúng kế hoạch, TPBank sẽ là ngân hàng thứ 2 niêm yết trên HOSE trong năm 2018, sau HDBank.

Năm 2017, TPBank đạt lợi nhuận 1.200 tỷ đồng sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro, đạt 155,6% kế hoạch năm và tăng 70,5% so với thực hiện năm 2016. Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của TPBank đạt trên 124.000 tỷ đồng, huy động đạt 115.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,87%. Mới đây, TPBank hé lộ kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2018 với lợi nhuận trước thuế đạt 275,8 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2017.

Tại OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, HĐQT OCB sẽ trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên diễn ra ngày 31/3 tới đây thông qua việc tiếp tục thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phần trên HOSE.

Năm 2018, OCB đặt mục tiêu đạt 2.000 tỷ lợi nhuận trước thuế, cao gấp đôi năm 2017; tổng tài sản vượt 100.000 tỷ đồng, đạt 115.700 tỷ đồng; vốn huy động tăng 36%; dư nợ cho vay thị trường I (không bao gồm trái phiếu VAMC) tăng trưởng 25%.

OCB cũng dự kiến tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng trong năm nay thông qua việc trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 14,2%, chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 20,5% với giá 10.000 đồng/CP, phần còn lại sẽ huy động từ các cán bộ chủ chốt, cổ đông lớn của Ngân hàng qua phát hành cổ phần.

Một ngân hàng khác cũng dự kiến niêm thẳng cổ phiếu trên HOSE là Techcombank. Kế hoạch này đã được cổ đông thông qua tại ĐHCĐ thường niên tổ chức hồi đầu tháng 3 này. Một điểm đáng chú ý là Techcombank tiếp tục không chia cổ tức năm 2017, cũng là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng giữ lại lợi nhuận, mà theo lãnh đạo Techcombank là để tái đầu tư dài hạn, nhằm tạo ưu thế tài chính, từ đó gia tăng hiệu quả sử dụng vốn và tạo giá trị tăng thêm của mỗi cổ phiếu. Dù vậy, việc này cũng đã được cổ đông thông qua.

Được biết, sau khi trích các quỹ, lợi nhuận còn lại có thể phân phối của Techcombank là 9.345 tỷ đồng, tương đương 80,17% vốn Ngân hàng. Với kết quả kinh doanh ấn tượng cùng đà tăng giá của cổ phiếu ngân hàng, giá cổ phiếu Techcombank trên thị trường OTC hiện giao dịch quanh mức 60.000 đồng/CP, thậm chí có thời điểm lên tới 95.000 đồng/CP, cao hơn nhiều so với mức 30.000 đồng/CP cách đây hơn 1 năm.

Ngoài các ngân hàng trên, LienVietPostBank cũng có ý định chuyển từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HOSE. Tuy không tiết lộ kế hoạch niêm yết cụ thể, nhưng đại diện Ngân hàng cho hay sẽ thực hiện trước năm 2020.

Tính đến nay, đã có 15 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên các sàn chứng khoán. Trong đó, sàn HOSE có 8 ngân hàng là VCB, BID, CTG, MBB, VPB, HDB, STB và EIB, sàn HNX có 3 ngân hàng là ACB, SHB và NCB, còn UPCoM có 4 ngân hàng đang giao dịch là VIB, LBP, KLB và BAB. Theo ước tính của CTCK TP.HCM (HSC), khả năng đến hết năm 2018 sẽ có khoảng 10 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch.

Năm 2017, thị trường chứng khoán đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, trong đó có đóng góp không nhỏ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Hàng loạt cổ phiếu như BID, VCB, CTG, VPB, ACB, MBB… đều đã phá đỉnh lịch sử.

Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu này đang chịu áp lực điều chỉnh sau thời gian dài tăng giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và lợi nhuận ngân hàng được dự báo tích cực nhờ hoạt động tín dụng được cải thiện, nhiều ý kiến cho rằng, dư địa để cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng vẫn còn, đặc biệt là các cổ phiếu "tân binh", bởi đây sẽ là những "động cơ" đưa nhóm cổ phiếu "vua" thiết lập mặt bằng giá mới.

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, việc cổ phiếu lên sàn không chỉ giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn, mà còn giúp các ngân hàng huy động vốn dễ dàng hơn, hoạt động minh bạch hơn, giúp hệ thống tài chính - ngân hàng Việt hội nhập tốt hơn với thị trường tài chính quốc tế.

"Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa mạnh, nhất là sau quá trình tái cấu trúc, lợi nhuận của một số ngân hàng tăng mạnh, trong khi còn nhiều nhà băng vẫn chật vật với nợ xấu. Do đó, nhà đầu tư cũng cần thận trọng khi đầu tư", ông Minh nói.

Tin bài liên quan