Cổ phiếu ngân hàng đã về mặt bằng hấp dẫn nhưng dòng tiền lớn vẫn chưa vào

Cổ phiếu ngân hàng đã về mặt bằng hấp dẫn nhưng dòng tiền lớn vẫn chưa vào

Cổ phiếu "vua" chờ dòng tiền lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có nhiều yếu tố được các chuyên gia đánh giá sẽ tạo nên chất xúc tác cho cổ phiếu “vua” tăng giá trong năm 2022.

Đà tăng trưởng khó cản

Chuyên gia kinh tế - tài chính Huỳnh Trung Minh cho biết, dịch Covid-19 dần bị đẩy lùi, sức khỏe doanh nghiệp và điều kiện kinh tế theo hướng tốt lên trong năm 2022 sẽ có tác động tích cực đối với tín dụng ngân hàng. Cùng với đầu tư công được đẩy mạnh thì việc hỗ trợ tài chính, tín dụng cho doanh nghiệp sau làn sóng Covid-19 như bù lãi suất, kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, cải thiện môi trường đầu tư sẽ thúc đẩy tín dụng tăng trưởng.

Theo ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, năm 2022, một trong những lĩnh vực có triển vọng sáng là ngân hàng (chiếm đến 30% VN-Index). Lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay có thể sẽ tăng 30% nhờ tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 14% và ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các vấn đề về chất lượng tài sản sẽ ít ảnh hưởng đến lợi nhuận và các ngân hàng, nhất là ngân hàng có vốn nhà nước chi phối không còn phải “hy sinh” lợi nhuận để hỗ trợ kinh tế, tức không tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, chi phí vốn của ngành ngân hàng dự kiến sẽ giảm, nhờ khả năng huy động được nhiều hơn từ các tài khoản tiết kiệm vãng lai có chi phí thấp.

Tuy nhiên, lợi nhuận sẽ phân hóa mạnh, mức tăng trưởng dao động trong khoảng 6 - 50%, chủ yếu do có sự khác biệt lớn về tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng, bởi hạn mức tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước giao là khác nhau, dựa trên quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn, quy mô khách hàng...

Một số yếu tố khác sẽ hỗ trợ lợi nhuận và giá cổ phiếu ngân hàng là các giao dịch bancassurance độc quyền với công ty bảo hiểm nước ngoài, thường phát sinh khoản trả trước khá lớn và câu chuyện về tài trợ quay vòng, tái cơ cấu nợ.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam dự báo, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ tăng, đạt trung bình trên 3% nhờ chi phí vốn giảm sâu hơn mức giảm tỷ suất sinh lời trung bình của tài sản. Mặt bằng lãi suất đầu vào đã giảm sâu, trong khi mức giảm của lãi suất cho vay không đồng pha, tạo nên biên chênh lệch có lợi cho các ngân hàng.

Mặc dù vậy, sự mở rộng của NIM có khả năng sẽ chậm lại từ quý III/2022, khi nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động và nỗ lực đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất để cung cấp vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hồi phục. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng tăng cường áp dụng tiêu chuẩn Basel III, nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn vốn, dự trữ bắt buộc cũng sẽ tác động lên NIM. Bù lại, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh số hóa để huy động các nguồn vốn giá rẻ, tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của ngành ngân hàng Việt Nam cao gấp đôi so với nhiều ngân hàng tương đương trong khu vực, trong khi tăng trưởng lợi nhuận duy trì trên 25%/năm.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực nhận định, năm 2022, ngành ngân hàng có nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức, do ảnh hưởng của đại dịch lên ngành có độ trễ. Nợ xấu của các ngân hàng có thể sẽ tăng, nhưng với việc tăng cường trích lập dự phòng thời gian qua, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của đa số ngân hàng tăng cao, hệ thống ngân hàng có đủ nguồn lực để ứng phó với rủi ro trong 1 - 2 năm tới.

Ngân hàng đầu tư toàn cầu Credit Suisse vừa đưa ra báo cáo đánh giá triển vọng ngành ngân hàng Việt Nam, trong đó nhận xét, giá cổ phiếu ngành này đang ở mức hấp dẫn so với nhiều ngân hàng trong khu vực. Theo Credit Suisse, 6 ngân hàng tiềm năng và nổi bật nhất bao gồm Vietcombank, Techcombank, VPBank, MB, ACB và VIB.

Nhìn chung, ngành ngân hàng được các chuyên gia phân tích đánh giá là một trong những ngành mà nhà đầu tư không nên bỏ qua trong năm 2022. Tuy nhiên, cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả, các ngân hàng có khả năng đẩy mạnh cho vay, hoặc có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ có lợi thế hơn.

Các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho hay, cổ phiếu các ngân hàng Việt Nam đang được giao dịch ở mức 2,3 lần giá trị sổ sách, cao hơn nhiều so với đa phần các ngân hàng trong khu vực. Tuy nhiên, mức định giá hiện tại là hợp lý do tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) cao hơn gấp đôi so với những ngân hàng tương đương trong khu vực. Trong khi đó, mức tăng trưởng lợi nhuận của ngành được duy trì trên 25%/năm.

Hấp dẫn vốn ngoại

Theo công bố của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết, một số cổ phiếu ngân hàng thường xuyên ở trong tình trạng cạn room ngoại (khối ngoại sở hữu tỷ lệ tối đa được phép) như VPB, VIB, STB, TCB, OCB…

Mới đây, các quỹ thành viên Dragon Capital đã liên tiếp nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank (mã STB), MB (mã MBB), trở thành cổ đông lớn của hai ngân hàng này. Cụ thể, ngày 1/3/2022, Dragon Capital mua tổng cộng 916.800 cổ phiếu MBB thông qua các quỹ thành viên, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,99% lên 5%. Sau đó, nhóm cổ đông nước ngoài này thông báo nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên trên 5%. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 360 triệu cổ phiếu STB, tương đương tỷ lệ sở hữu 19,12%.

Theo bà Nguyễn Hằng Nga, Phó tổng giám đốc Quỹ đầu tư Vietcombank, Sacombank được ví như một cô gái xinh đẹp, nhưng phải xử lý một số vấn đề trong quá khứ. Hiện tại, Ngân hàng đã xử lý gần xong những “vết sẹo”, nên cổ phiếu thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.

Từ năm 2017, sau khi sáp nhập SouthernBank đến nay, Sacombank đã xử lý, thu hồi được gần 71.500 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó có 58.171 tỷ đồng thuộc Đề án tái cấu trúc. Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay. Ngân hàng đã kéo giảm tỷ lệ nợ xấu từ 6,68% tổng nợ đầu năm 2017 theo Thông tư 02/2012/TT-NHNN xuống 1,35%. Nợ xấu nội bảng năm 2017 là hơn 9.400 tỷ đồng thì đến năm 2021 đã giảm gần một nửa, xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 5/2021, các quỹ của Dragon Capital đã mua 3,15 triệu cổ phiếu VPB, nâng tỷ lệ sở hữu tại VPBank từ 4,99% lên 5,12%. Một quỹ khác thuộc Dragon Capital là Dragon Financial Holdings Limited (DFHL) đang là cổ đông lớn tại ACB với 149,56 triệu cổ phiếu sở hữu, tương đương tỷ lệ 6,92%. Dragon Capital thường đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng.

Là quỹ đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam với tổng tài sản quản lý lên tới hàng tỷ USD, hoạt động cơ cấu danh mục của Dragon Capital luôn được giới đầu tư quan tâm. Động thái mua thêm cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn tại các ngân hàng trong gian gần đây của quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam này đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trên thị trường.

Đối với Eximbank, ngày 18/3/2022, SMBC đã có thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược, nhưng hiện vẫn sở hữu hơn 15% vốn cổ phần của Ngân hàng. Định chế tài chính này tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển tại Việt Nam, không chỉ thông qua các chi nhánh hiện tại, mà còn thông qua việc hợp tác với VPBank. Trong năm 2021, SMBC đã mua 49% vốn điều lệ FE Credit của VPBank, trị giá gần 1,4 tỷ USD.

Thị trường đang đồn đoán, SMBC có thể sẽ sớm thoái 15% vốn tại Eximbank để mua lại cổ phần của một ngân hàng khác, có thể là VPBank. Mới đây, VPBank đã nâng room ngoại từ 15% lên 17,5% để chuẩn bị phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Lãnh đạo VPBank chia sẻ, SMBC là đối tác tiềm năng.

Tin bài liên quan