VPK là đối tác cung cấp bao bì cho nhãn hiệu dầu ăn Tường An

VPK là đối tác cung cấp bao bì cho nhãn hiệu dầu ăn Tường An

Cổ phiếu VPK tăng giá khủng nhất 2012

Với mức tăng giá ấn tượng (gấp gần 3 lần trong nửa năm qua), cổ phiếu VPK của Công ty cổ phần Bao bì dầu thực vật đang dẫn đầu danh sách cổ phiếu tăng giá khủng nhất năm 2012.

Nếu như đầu tháng 7, giá cổ phiếu VPK chỉ loanh quanh mốc dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, thì sau đó, cổ phiếu này đã tăng giá đều đặn và đến nay, có thời điểm lên sát mốc 28.000 đồng/cổ phiếu, tăng 180%. Trong mấy phiên giao dịch gần đây, tuy có điều chỉnh chút ít, nhưng giá cổ phiếu VPK vẫn ở mặt bằng khá cao, gấp gần 3 lần so với thời điểm cách đây nửa năm.

Hiện tượng tăng giá của cổ phiếu VPK thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thị trường chung 6 tháng qua vẫn trong xu hướng đi xuống. Cụ thể, chỉ số VN-Index đã giảm từ mốc 420 điểm hồi tháng 7 xuống còn 391 điểm (kết thúc phiên giao dịch ngày 12/12). Chỉ số HNX-Index cũng giảm từ mốc khoảng 70 điểm hồi tháng 7 xuống 53,86 điểm (kết thúc phiên giao dịch ngày 12/12). Cũng trong giai đoạn này, chỉ số VN30 giảm từ mốc khoảng 490 điểm xuống dưới 460 điểm, chỉ số HNX30 giảm từ mốc trên 130 điểm xuống dưới 100 điểm.

Ngành nghề chủ yếu của VPK là sản xuất, kinh doanh thùng carton, chai dầu ăn bằng nhựa, giấy và chất dẻo nguyên liệu cho ngành bao bì. Trong đó, sản phẩm thùng carton chiếm 85-90% doanh thu hàng năm của VPK.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, VPK đạt doanh thu 90,25 tỷ đồng trong quý III, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 14,2 tỷ đồng, tăng 96%. Lũy kế 9 tháng, VPK đạt doanh thu 257,2 tỷ đồng, tăng 24% so với 9 tháng năm 2011. Lợi nhuận sau thuế đạt 38,8 tỷ đồng, tăng 96,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Hoàng Vũ, Tổng giám đốc VPK cho biết, thời gian qua, do thực hiện chương trình quản lý và kiểm soát chi phí, nên Công ty đã tiết giảm được chi phí tài chính.

VPK có mạng lưới tiêu thụ rộng khắp và khách hàng tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của VPK hầu hết là những tên tuổi lớn, như Công ty Dầu thực vật hương liệu mỹ phẩm Việt Nam (Vocarimex), Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An, Công ty cổ phần Dầu thực vật Tân Bình, Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè, Công ty Dầu thực vật Cái Lân, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)…

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp lệ thuộc vào một số khách hàng lớn cũng hàm chứa rủi ro khi một trong những khách hàng này thay đổi nhà cung cấp. Hiện tại, khách hàng số một của VPK là Vinamilk đã không còn là cổ đông lớn, Vinamilk đã giảm tỷ lệ sở hữu tại VPK từ 17,76% xuống còn 4,87% từ hồi giữa năm 2012.

Thế nhưng, theo nhận định của bà Nguyễn An Thiên Trang, chuyên viên phân tích (Công ty Chứng khoán Bản Việt), việc Vinamilk bán bớt cổ phiếu cũng có tác động tích cực, khi gia tăng lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường, cải thiện thanh khoản cho cổ phiếu VPK.

Hơn nữa, việc Vinamilk rút bớt cổ phần tại VPK, theo một số chuyên gia kinh tế, đơn thuần chỉ là tái cơ cấu hoạt động đầu tư của doanh nghiệp này, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu trong các doanh nghiệp ngoài ngành, qua đó, tập trung cho các hoạt động cốt lõi. Do đó, mặc dù Vinamilk không còn là cổ đông lớn của VPK, nhưng ít khả năng họ sẽ chuyển sang nhà cung cấp khác.