Cổ phiếu VNZ của VNG bị hạn chế giao dịch từ 25/5

Cổ phiếu VNZ của VNG bị hạn chế giao dịch từ 25/5

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 22/5, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có quyết định đưa cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/5/2023.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, lý do cổ phiếu VNZ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch vì VNG đã chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn công bố thông tin, thuộc vào trường hợp bị hạn chế giao dịch theo quy định.

Với việc bị đưa vào danh sách hạn chế, cổ phiếu VNG sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2023.

Giải trình về lý do chậm công bố Báo cáo tài chính kiểm toán 2022, VNG cho biết đang thực hiện song song Báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và Chuẩn mực quốc tế (IFRS). Nguyên nhân do Công ty hiện hoạt động không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới, với 33 công ty con và 7 công ty liên kết. Trong đó, 18 công ty con và 1 quỹ xã hội – tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tại Việt Nam và 14 công ty con ở nước ngoài với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.

Do đó, VNG cho biết cần nhiều khá nhiều thời gian để kiểm tra, đối chiếu, xác nhận các thông tin, đảm bảo số liệu của Báo cáo tài chính thống nhất và đáp ứng chuẩn mực kế toán cả trong và ngoài nước.

Trước đó, VNZ đã có công văn xin gia hạn thời gian công bố BCTC vì lý do trên gửi tới UBCK và HNX. Theo VNG, việc xin gia hạn này xuất phát từ nguyên nhân khách quan, cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các cổ đông và nhà đầu tư. VNG đang gấp rút hoàn thành việc kiểm tra, đối chiếu và kiểm toán xong số liệu để có thể phát hành báo cáo tài chính trong thời gian HNX yêu cầu và cổ phiếu VNG có thể sớm giao dịch bình thường trở lại.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNG của Công ty cổ phần đã có chuỗi tăng trần và lập đỉnh kỷ lục vào phiên giao dịch ngày 16/2/2023 với thị giá 1.562.000 đồng/cổ phiếu. Hiện chỉ còn giá 740.000 đồng/cp (đóng cửa phiên 24/5/2023).

Cổ phiếu này từng thu hút các quỹ ngoại vào như Mirae Asset, Temasek - những cổ đông từng mua vào cổ phần VNG tại các mức giá từ 1,7 triệu đến gần 1,9 triệu đồng/cổ phiếu.

Kết thúc quý I/2023, Công ty cổ phần VNG ghi nhận doanh thu đạt 1.852,5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty ghi nhận tiếp tục lỗ 40,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 15,9 tỷ đồng, tức giảm 24,6 tỷ đồng.

Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của VNG đạt 8.975,7 tỷ đồng tăng 0,9% so với đầu năm, lên. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 2.922,5 tỷ đồng, chiếm 32,6% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 2.367,3 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 1.547,5 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.203,7 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Hiện Công ty cổ phần VNG chưa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán nhưng trong báo cáo tự lập, luỹ kế cả năm 2022, Công ty cổ phần VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.800,57 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 858,35 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 414,06 tỷ đồng.

Mới đây có thông tin Công ty cổ phần VNG đang tìm cách huy động 100 triệu USD trong vòng cấp vốn mới và hiện đang làm việc với Maybank về việc huy động vốn. VNG đã tiếp cận các quỹ đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư doanh nghiệp để tham gia vào vòng cấp vốn mới nhất và lên kế hoạch sử dụng số tiền thu được để mở rộng hơn nữa.

Tin bài liên quan