Giá cổ phiếu thép tăng nhờ kỳ vọng chính sách
Giá cổ phiếu TVN từ ngày 2/5 đến 10/7/2024 tăng từ 5.600 đồng/cổ phiếu lên 11.900 đồng/cổ phiếu.
Xét về định giá, do VNSteel thua lỗ trong năm 2022 - 2023 nên phương pháp định giá P/E không phù hợp. Nếu xét định giá theo P/B so với các doanh nghiệp cùng gặp khó khăn trong kinh doanh thép, VNSteel đang có định giá 0,89 lần (đầu năm 2024 là 0,51 lần), trong khi TIS là 0,71 lần, HMC là 0,85 lần, POM là 0,69 lần, TLH là 0,51 lần. Như vậy, sau nhịp tăng nóng của cổ phiếu TVN, định giá của VNSteel hiện cao hơn nhiều so với trung bình ngành và đầu năm nay.
Giá cổ phiếu thép tăng chủ yếu là do các nhà đầu tư kỳ vọng, thời điểm khó khăn nhất của ngành thép đã qua và việc khởi xướng cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất thép trong nước tăng tính cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp tôn mạ tiêu thụ sản phẩm trong nước, thay vì chủ yếu nhập khẩu như trước đây (HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm tôn thép, ống thép, thép kết cấu).
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông tháng 4/2024, trước lo ngại làn sóng thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam, ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc VNSteel, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: “Trong 2 năm gần đây, lượng nhập khẩu thép Trung Quốc tăng đột biến. Điều này tạo áp lực cho các đơn vị sản xuất thép trong nước. Chúng tôi sẽ kiến nghị với Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp cần thiết như phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước”.
Thực tế, ngày 14/6/2024, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Cùng ngày, Bộ này thông báo về việc cơ quan điều tra Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC từ Ấn Độ và Trung Quốc (hồ sơ nộp lần đầu ngày 19/3/2024).
VNSteel có cổ đông lớn là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, sở hữu 93,93% vốn điều lệ, còn lại 6,07% vốn điều lệ thuộc về cổ đông nhỏ, tương ứng gần 41,2 triệu cổ phiếu.
Số lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài ít giúp giá TVN tăng mạnh hơn nhiều so với các mã khác trong nhóm ngành thép như HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát, HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim.
Nhiều đơn vị thành viên gặp khó khăn
Tình hình kinh doanh của VNSteel chưa thực sự được cải thiện, nhiều đơn vị thành viên vẫn còn khó khăn và dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 chưa biết khi nào mới có thể đưa vào khai thác.
Tính đến cuối năm 2023, VNSteel đang đầu tư vào 10 công ty có lỗ luỹ kế gồm Công ty TNHH MTV MDC - VNSTeel, Công ty cổ phần Thép tấm Miền Nam, Công ty cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, Công ty TNHH Ống thép Việt Nam, Công ty TNHH NatsteelVina, Công ty TNHH Nippovina, Công ty cổ phần Thép Đà Nẵng, Công ty TNHH Ống thép hàn xoắn Nippon Steel Việt Nam, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê.
Bên cạnh đó, VNSteel phải giám sát đặc biệt đối với các khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Thép tấm Miền Nam, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH MTV MDC - VNSTeel, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, Công ty cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất, Công ty cổ phần Tân Thành Mỹ, Công ty cổ phần Kim khí Miền Trung, Công ty Liên doanh Sản xuất thép Vinausteel, Công ty TNHH Ống thép Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNSteel.
Về vấn đề này, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2024, Ban lãnh đạo VNSteel chia sẻ, doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực để sớm xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc kéo dài của hai dự án tại Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung và Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
Đáng lưu ý, trong báo cáo kiểm toán năm 2023 của VNSteel, đơn vị kiểm toán tiếp tục đưa ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Đơn vị kiểm toán cho biết, dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên được triển khai từ năm 2007, việc đầu tư dự án kéo dài so với dự kiến ban đầu, hiện vẫn chưa hoàn thành. Chính phủ và các cơ quan có liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định được ảnh hưởng của các vấn đề đến việc hợp nhất dự án, chi phí lãi vay được vốn hoá vào dự án, tổn thất liên quan đến dự án do chậm triển khai.
Thêm nữa, tính đến 31/3/2024, dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 là dự án ghi nhận chi phí xây dựng dở dang lớn nhất trong các dự án mà VNSteel triển khai, với giá trị 6.680 tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng tài sản (kế hoạch tổng vốn đầu tư ban đầu là 3.843,67 tỷ đồng, sau đó đội vốn lên 8.104,9 tỷ đồng). Ngược lại, tổng nợ vay 8.551,9 tỷ đồng, bằng 92,3% vốn chủ sở hữu.
Việc dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 chậm đưa vào khai thác khiến VNSteel tiếp tục chịu áp lực chi phí tài chính. Tính tới 31/12/2023, tổng chi phí lãi vay vốn hoá vào dự án lên tới 3.413,4 tỷ đồng (năm 2022, vốn hoá chi phí lãi vay thêm 268,6 tỷ đồng và năm 2023 thêm 358,7 tỷ đồng).
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan tới khoản đầu tư vào Công ty TNHH Khoáng sản Luyện kim Việt Trung, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê.
Giai đoạn 2022 - 2023, ngành thép khó khăn, nhiều đơn vị thành viên kinh doanh không hiệu quả nên báo cáo tài chính hợp nhất của VNSteel cho thấy, đơn vị này ghi nhận lợi nhuận âm: năm 2022 âm 770,5 tỷ đồng, năm 2023 âm 257,7 tỷ đồng.
Quý I/2024, VNSteel có lãi trở lại khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 45,9 tỷ đồng, nhưng giảm 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng lưu ý, lợi nhuận gộp trong quý đầu năm nay là 302,6 tỷ đồng, thấp hơn 32,3 tỷ đồng so với tổng chi phí (chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp). Doanh nghiệp thoát lỗ chủ yếu nhờ doanh thu tài chính.