Biến động cổ đông
Bắt đầu từ ngày 17/10, ông Trần Quang Cần, Phó chủ tịch VNE bị công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp 391.500 cổ phiếu. Đến ngày 25/10, ông Cần tiếp tục bị bán 848.500 cổ phiếu và giảm xuống còn 5,86 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,15%.
Sau hai đợt bị bán giải chấp, Phó Chủ tịch VNE đã chủ động đăng ký bán toàn bộ 5,86 cổ phiếu còn lại từ ngày 01/11 đến ngày 30/11 nhằm thực hiện nhu cầu tài chính cá nhân.
Bên cạnh đó, trong hai ngày 24 và 25/10, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT VNE cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp với tổng khối lượng là 1.435.800 cổ phiếu và giảm sở hữu xuống còn 2.409.010 cổ phiếu, tỷ lệ 2,94%.
Sau đó, ông Tuấn đã đăng ký bán số lẻ 409.010 cổ phiếu trong tổng số cổ phiếu hiện đang nắm giữ từ ngày 30/10 đến ngày 27/11 để giảm tỷ lệ sở hữu tại VNE xuống 2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,44%. Ông Tuấn cho biết đợt bán này là nhằm tái cấu trúc lại các khoản đầu tư của ông.
Một công ty khác mà ông Tuấn đang là Chủ tịch HĐQT là CTCP Malblue, cũng là cổ đông lớn của VNECO, đăng ký bán 3,6 triệu cổ phiếu VNE trong giai đoạn từ 12/10 đến 09/11. Nếu giao dịch thành công, Malblue sẽ giảm sở hữu tại VNECO từ 7,2% (hơn 6,5 triệu cổ phiếu), xuống còn 3,2% (2,9 triệu cổ phiếu). Vào đầu tháng 10, Malblue đã bán ra 2 triệu cổ phiếu VNE và giảm sở xuống còn hơn 6,5 triệu cổ phiếu như hiện tại.
Trong ngày 23/10, quỹ đầu tư đến từ Thái Lan – Smit Cheancharadpong, cổ đông lớn của VNECO thông báo bán ra toàn bộ hơn 4,32 triệu cổ phiếu VNE, tỷ lệ 5,27%, qua đó không còn là cổ đông lớn của VNECO.
Cùng ngày trên, cổ đông lớn La Mỹ Phượng đã mua vào hơn 4,32 triệu cổ phiếu VNECO và nâng sở hữu Công ty từ hơn 5,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,35% lên hơn 9,52 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 11,63%. Rất có thể, đây là thương vụ sang tay giữa nhà đầu tư Thái Lan và cổ đông La Mỹ Phượng.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán, từ ngày 17/10 đến ngày 23/10, cổ phiếu VNE bị giảm sàn liên tiếp khiến HOSE yêu cầu Công ty có văn bản giải trình. Công ty cho biết, giá cổ phiếu giảm trong thời gian gần đây do diễn biến tâm lý chung trên thị trường chứng khoán, đặc biệt tại phiên giao dịch giảm ngày 17/10 (ngày ông Cần bị bán giải chấp) đã tác động trực tiếp tới cổ phiếu.
"Việc giao dịch cổ phiếu là do các nhà đầu tư quyết định nằm ngoài sự kiểm soát của VNE và VNE không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường. Còn hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động đầu tư của VNECO vẫn đang diễn ra bình thường", giải trình từ VNE cho biết.
Dù vậy, thị trường vẫn đang đặt nhiều dấu hỏi với những biến động liên tục đang xảy ra tại VNECO. Sau đợt giảm sàn kể trên, từ ngày 24/10 đến nay, cổ phiếu VNE tiếp tục lao dốc mạnh và đã rơi về mức 6.040 đồng/CP (đóng cửa ngày 26/10), giảm hơn 40% kể từ phiên ngày 17/10.
6 tháng đầu năm lãi vỏn vẹn 509 triệu đồng
Tiền thân của VNE là Công ty xây lắp điện 3 được thành lập vào năm 1988 trên cơ sở hợp nhất Công ty Xây lắp đường dây và Trạm 3 cùng Công ty Xây lắp đường dây và Trạm 5. Hiện tại, VNE đang có số vốn điều lệ lên tới hơn 904,3 tỷ đồng và hoạt động chủ yếu với các dự án xây lắp công trình lưới điện, thiết kế, sản xuất và kinh doanh điện, vật tư.
VNECO được MBS đánh giá cao triển vọng trong thời gian tới vì được hưởng lợi từ quá trình triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài với tổng mức đầu tư 23.000 tỷ đồng dự kiến triển khai trong quý IV/2023 và hoàn thành trong tháng 6/2024.
Hiện tại, Công ty chưa công bố BCTC quý III/2023. Theo báo cáo bán niên 2023, trong nửa đầu năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 475 tỷ đồng, giảm hơn 64,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu về hoạt động xây lắp điện giảm 79,33%; doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 30,5%,
Công ty cho biết, thời gian qua, một số công trình còn tiếp tục vướng các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng thi công, tiền thanh toán từ các chủ đầu tư về chậm ảnh hưởng đến việc chậm giải ngân thanh toán vốn cho nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị... Vì vậy đã không đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nghiệm thu kịp thời với các chủ đầu tư khiến doanh thu sụt giảm mạnh.
Kết quả, Công ty lãi vỏn vẹn 509 triệu đồng trong nửa đầu năm 2023, giảm gần 91% so với cùng kỳ. Trong đó, Công ty mẹ lãi hơn 3,27 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý II, tổng tài sản doanh nghiệp đạt hơn 3.697,4 tỷ đồng, giảm 7,8% so với đầu năm. Trong đó, Công ty còn 158,6 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; đầu tư tài chính ngắn hạn còn hơn 68,8 tỷ đồng, Công ty còn dành 910,8 triệu đồng đầu tư vào cổ phiếu CTG, HSG và VE9.
Phải thu ngắn hạn của khách hàng còn 588,7 tỷ đồng, giảm hơn 35% so với đầu năm. Hàng tồn kho 581,8 tỷ đồng, tăng 15%, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và nguyên liệu, vật liệu.
Ở bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của VNECO còn 2.663 tỷ đồng, giảm 10,5% so với đầu năm. Riêng tổng nợ vay của Công ty còn 1.719,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là gần 1,7 lần.
Đến cuối quý II, VNECO sở hữu 11 công ty con và 1 công ty liên kết hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp các công trình lưới điện; sản xuất, truyền tải, phân phối điện và kinh doanh bất động sản… VNECO cho biết, năm 2023, Công ty sẽ triển khai mạnh mẽ giai đoạn 2 tái cấu trúc hệ thống từ Công ty mẹ đến các đơn vị thành viên để giữ vững thương hiệu.
Vào cuối tháng 8, Công ty thống nhất việc bán bớt 51.864 cổ phần, tỷ lệ 3,93% tại CTCP Xây dựng Điện VNECO3 (VE3) theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh trên sàn HNX để tái cơ cấu đầu tư tài chính. Nếu bán hoàn tất, Công ty sẽ giảm sở hữu tại VE3 xuống 646.708 cổ phần, tỷ lệ 49% và VE3 không còn là Công ty con của VNE. Thời gian thực hiện trong tháng 9 - 10/2023.