Vị thế dẫn đầu
Một trong những yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm nhất khi chấm một doanh nghiệp nào đó là vị thế ngành. VNA có lợi thế về vấn đề này.
Cụ thể, là hãng hàng không quốc gia Việt Nam, tính đến cuối năm 2013, VNA có mạng đường bay quốc tế gồm 52 đường bay đến 29 điểm thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, mạng đường bay nội địa gồm 39 đường bay đến 21 điểm.
Bên cạnh đó, Hãng hợp tác liên danh song phương với 20 hãng hàng không và 1 hãng tàu hỏa quốc gia Pháp, hợp tác chia chặng đặc biệt với 80 hãng hàng không và 1 hãng tàu hỏa của Đức. Thông qua hợp tác liên danh, số lượng điểm đến của VNA tăng thêm 66 điểm so với trước thời điểm mở rộng mạng bay quốc tế.
Tài sản của VNA theo thống kê trải rộng trên địa bàn các tỉnh thành phố trong cả nước và ở nước ngoài, trong đó quy mô lớn nhất là đội tàu bay. Tổng giá trị tài sản của VNA theo giá trị sổ sách là 57.156 tỷ đồng, thì giá trị tài sản máy bay lên tới 32.691 tỷ đồng, chiếm 57% với 83 chiếc. Ngoài ra, Hãng đã thiết lập được hệ thống đại lý bán vé bao phủ rộng về địa lý và lớn về số lượng.
Thách thức lớn
Khác với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền, hoặc có lợi thế ngành lớn. Hàng không tuy là ngành nghề có điều kiện nhưng cả thị trường nội địa và quốc tế, VNA đều phải cạnh tranh quyết liệt.
Ở trong nước, sự xuất hiện của tân binh VietJet Air khá ồn ào và đến cuối 2013, họ đã chiếm khoảng 23% thị phần hàng không nội địa, dưới áp lực cạnh tranh gay gắt, tăng trưởng doanh thu vận chuyển hàng hóa bưu kiện của VNA đã và đang có xu hướng giảm… Trên các thị trường quốc tế, nhất là tại Đông Nam Á, vệc phát triển mạnh mẽ của hàng không giá rẻ trong khu vực cũng tạo ra nhiều áp lực với Hàng không Quốc gia Việt Nam.
Do đặc thù của ngành hàng không, các hãng đều bị ảnh hưởng lớn bởi biến động về giá nhiên liệu, tỷ giá, sự phát triển kinh tế. Cụ thể, tính chung trong giai đoạn 2008 - 2013, doanh thu của VNA tăng trưởng trung bình 19,7%/năm. Song doanh thu của công ty mẹ năm 2009 giảm tới 8,2% so với 2008, nguyên nhân do nền kinh tế suy thoái kéo theo nhu cầu đi lại giảm, đặc biệt là thị trường quốc tế, khiến sản lượng vận chuyển khách quốc tế - nguồn khách đem lại doanh thu cao cho VNA giảm .
Còn chi phí nhiên liệu bay chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí hoạt động kinh doanh của VNA ước lên tới 34%. Chi phí dịch vụ mua ngoài như thuê máy bay, thuê động cơ… riêng trong năm 2013 là 23.108 tỷ đồng, tăng 1.548 tỷ đồng so với 2012. Biến động của những yếu tố này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của DN.
Chỉ số tài chính: Trông chờ được cải thiện
Xét trên quy mô vốn điều lệ lớn, tới 14.101 tỷ đồng, lợi nhuận và các chỉ số tài chính, vốn được nhà đầu tư quan tâm nhất, cổ phiếu VNA không hẳn nổi trội. Tổng lợi nhuận trong 5 năm 2008 - 2012 của Công ty mẹ là 933 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận của VNA không ổn định, năm 2010 đạt cao nhất là 314 tỷ đồng, năm 2011 đạt thấp nhất là 36,6 tỷ đồng, năm 2013 tăng trưởng trở lại với 157 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận hợp nhất toàn hệ thống cũng không có sự ổn định. Lợi nhuận sau thuế của toàn hệ thống đạt mức cao nhất vào năm 2010 với giá trị 810 tỷ đồng; năm 2012 lợi nhuận chỉ còn 142 tỷ đồng; năm 2013 lợi nhuận tăng 80,5% so với 2012 lên mức 258 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu trong 5 năm gần đây ở mức 0,08 - 0,6 lần, năm gần nhất đạt 0,28%. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản cũng ở mức thấp, duy trì 0,25% trong 2 năm gần đây.
Nếu xét về các chỉ tiêu tài chính đơn thuần, mức giá khởi điểm cho phiên đấu giá ngày 14/11 tới đây là 22.300 đồng/cổ phiếu không hẳn là hấp dẫn. Tuy nhiên, xét trong mối tương quan với nhiều yếu tố về vị thế ngành, quy mô và triển vọng phát triển của doanh nghiệp, bỏ vốn vào cổ phiếu VNA không hẳn là lựa chọn tồi.
Năm 2013, ngành hàng không tăng trưởng về doanh thu đạt mức 710 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2012, lợi nhuận sau thuế toàn ngành đạt 10,6 tỷ USD. Hiệp hội hàng không thế giới dự báo, trong năm 2014, doanh thu toàn ngành sẽ tăng lên 746 tỷ USD, tương đương tăng trưởng 5%.
Cũng theo tổ chức này, Việt Nam sẽ là thị trường tăng trưởng mạnh thứ 3 trên thế giới. Sự phát triển của ngành du lịch chính là nguồn thu quan trọng và là động lực phát triển của ngành vận tải hàng không Việt Nam. Nhà đầu tư đang kỳ vọng vào những giải pháp mà Ban lãnh đạo VNA sẽ thực thi tới đây để cải thiện lợi nhuận và đảm bảo cho sự phát triển bền vững.