Cổ phiếu VHM giúp VN-Index ổn định trong phiên đáo hạn phái sinh

Cổ phiếu VHM giúp VN-Index ổn định trong phiên đáo hạn phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Điểm nhấn chính trên bảng điện tử vẫn là mức tăng vững chắc xuyên suốt phiên của cổ phiếu VHM, qua đó, tạo động lực giúp thị trường duy trì sự ổn định về điểm số trong ngày đáo hạn phái sinh.

Sau phiên sáng tăng điểm nhẹ với đầu tàu VHM, thị trường bước vào phiên chiều với bảng điện tử phân hóa mạnh hơn và dòng tiền có phần thận trọng khi đây là phiên đáo hạn phái sinh.

Mặc dù vậy, diễn biến ở nhóm bluechip lại không có quá nhiều thay đổi so với cuối phiên sáng, và động lực chính VHM vẫn được duy trì khiến tâm lý nhà đầu tư vững tin hơn. Chỉ số VN-Index theo đó đã ít biến động, đi ngang quanh ngưỡng 1.292 với biên độ không đáng kể trong suốt cả phiên.

Đóng cửa, sàn HOSE có 254 mã tăng và 205 mã giảm, VN-Index tăng 4,42 điểm (+0,34%), lên 1.292,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 770,7 triệu đơn vị, giá trị 16.293,5 tỷ đồng, giảm hơn 5% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 57 triệu đơn vị, giá trị 1.301 tỷ đồng.

Như đã đề cập, cổ phiếu VHM vẫn là nhân tố chính, khi +3,7% lên 40.500 đồng, đóng góp gần 1,5 điểm tích cực cho VN-Index. Khớp lệnh VHM phiên này có hơn 11,1 triệu đơn vị và ghi nhận phiên sôi động nhất kể từ cuối tháng 11/2024.

Một số bluechip khác góp sức, dù không nhiều như VIC, BCM, MWG, TCB, GVR với mức tăng từ 1,4% đến 2,2%.

Phần còn lại ở nhóm VN30 ít thay đổi về giá. Trong đó, một số cái tên ngành ngân hàng dẫn đầu về thanh khoản là SHB, TPB, VPB, TCB khi khớp từ 16,5 triệu đến hơn 21,1 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ với giao dịch đáng chú ý nhất vẫn là NVL, khi trở lại mức giá trần, đóng cửa +6,9% lên 10.100 đồng, khớp lệnh hơn 26,4 triệu đơn vị - mức cao nhất trong hơn 5 tháng qua.

Những cái tên khác cũng kết phiên trong sắc tím là YBM, VPH, ST8, TNH. Các cổ phiếu tăng mạnh khác rải rác ở nhiều nhóm ngành như khoáng sản, bất động sản, dịch vụ, cao su… như FCM +6,7% lên 5.380 đồng, PHR +6,4% lên 61.500 đồng, BMC +6,3% lên 32.300 đồng, SBG +6% lên 12.350 đồng. Các cổ phiếu ASP, TRC, NAB, SMC, MHC, TDH, FIR, VRC tăng từ 3% đến hơn 5% đi kèm thanh khoản tích cực.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu VIX dù chỉ tăng nhẹ 0,5% lên 11.250 đồng, nhưng lại có phiên khớp lệnh cao nhất kể từ đầu tháng 12/2013 với hơn 49 triệu đơn vị.

Trái lại, hai cổ phiếu đại diện giảm giá là KPF khi -5,7% xuống 1.490 đồng, khớp 1,28 triệu đơn vị và QCG -3,5% xuống 12.450 đồng, khớp 1,34 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index lùi về vùng tham chiếu và rung lắc nhẹ cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 90 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index tăng 0,23 điểm (+0,1%), lên 238,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 62,1 triệu đơn vị, giá trị 1.046,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 21 triệu đơn vị, giá trị 329,2 tỷ đồng.

Phần lớn các cổ phiếu lớn hoặc thanh khoản cao ít biến động, trong đó, SHS vươn lên khớp lệnh dẫn đầu sàn với hơn 7,7 triệu đơn vị, giá cổ phiếu nhích 0,7% lên 14.400 đồng.

Trong khi đó, các cổ phiếu ngành khai thác, khoáng sản tiếp tục tăng, với HGM, BKC chạm mức giá trần tại 328.500 đồng và 77.200 đồng. Các mã MVB, KKC, KSV tăng 3,6% đến hơn 6%.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index gần như chỉ ngang quanh ngưỡng điểm cuối phiên sáng cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,74 điểm (+0,75%), lên 100,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 79,4 triệu đơn vị, giá trị 931,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,75 triệu đơn vị, giá trị 6,6 tỷ đồng.

Nhóm các cổ phiếu khoáng sản vẫn là tâm điểm, với MSR trở lại mức giá trần +14,9% lên 23.100 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai khi có 5,9 triệu đơn vị. Cổ phiếu AAH +3,6% lên 5.600 đồng, khớp 4,86 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác cùng ngành như MTA, YBC tăng hết biên độ, KCB +12,8%, MIC +12,4%, TMG +11,6%, MGC +11,5%...

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2502 đáo hạn ngày hôm nay đã tăng 5,5 điểm, tương đương +0,41% lên 1.350 điểm, khớp lệnh hơn 126.800 đơn vị, khối lượng mở hơn 25.500 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CVPB2407 phiên này vượt trội về khối lượng giao dịch với hơn 5,1 triệu đơn vị và tăng 6,5% lên 330 đồng/cq. Theo sau là CMWG2502 với gần 2,4 triệu đơn vị và tăng 8,2% lên 790 đồng/cq.

Tin bài liên quan