Thanh khoản của doanh nghiệp rất thấp
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của VHG, tại ngày 31/3/2017, vốn chủ sở hữu hợp nhất của cổ đông công ty mẹ là hơn 1.615 tỷ đồng trên vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Con số này tương đương với giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu VHG là 10.767 đồng, gấp gần 4,7 lần thị giá ngày 10/5/2017 là 2.410 đồng/cổ phiếu.
Tài sản chính của VHG nằm ở phần góp vốn vào các công ty liên doanh, liên kết và các khoản đầu tư tài chính dài hạn trong lĩnh vực khoáng sản, cao su, thủy sản, bất động sản…, với tổng giá trị 1.316 tỷ đồng.
Ngoài ra, VHG có 180 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang, chủ yếu là dự án trồng cao su (172 tỷ đồng). Tài sản ngắn hạn của Công ty tập trung ở các khoản phải thu, gồm hơn 107 tỷ đồng tiền gốc khoản phải thu khác, 32 tỷ đồng phải thu khách hàng, 26 tỷ đồng trả trước cho người bán.
Số dư tiền mặt chỉ còn hơn 5 tỷ đồng cuối quý I/2017. Đáng lưu ý, hàng tồn kho của VHG giảm về mức 0 đồng (cuối năm 2016 là hơn 16 tỷ đồng; cuối năm 2015 là hơn 21 tỷ đồng).
Cơ cấu tài sản trên cho thấy, thanh khoản của VHG đang ở mức rất thấp. Vì vậy, giá trị doanh nghiệp thực sự sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng sinh lời của các tài sản mà Công ty đang có.
Nhiều tài sản không sinh lời, bắt đầu hạch toán lỗ
Tài sản phần lớn nằm ở các công ty con, công ty liên kết, nhưng kết quả hoạt động kinh doanh của VHG trong hơn 2 năm gần đây không đến từ các tài sản này.
Năm 2015, trong tổng số gần 660 tỷ đồng doanh thu, VHG có 424 tỷ đồng doanh thu thuần từ bán phân bón, hơn 88 tỷ đồng từ mủ cao su, gần 75 tỷ đồng từ hạt điều và các mặt hàng khác đóng góp hơn 72 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mặt hàng phân bón chỉ có lãi gộp 68 triệu đồng, nên trên thực tế mang ý nghĩa về doanh số và dòng tiền hơn là về hiệu quả kinh doanh. Tình trạng tương tự diễn ra với các mặt hàng khác.
2 mảng mang lại hiệu quả kinh tế là mủ cao su và hạt điều, đem lại lần lượt 20 tỷ đồng và 11,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Ngoài ra, mang lại lợi nhuận lớn cho VHG năm 2015 là thoái vốn cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Develyn (lãi 45 tỷ đồng) và cổ tức từ đầu tư SRC (hơn 10,6 tỷ đồng).
Năm 2016, doanh số của VHG tăng mạnh lên mức 1.164 tỷ đồng, trong đó mảng phân bón đạt gần 594 tỷ đồng, đóng góp vào lợi nhuận gộp gần 133 triệu đồng. Mảng hóa chất có gần 371 tỷ đồng doanh thu, nhưng lỗ 436 triệu đồng.
Doanh số kinh doanh thương mại các mặt hàng khác đạt gần 6,5 tỷ đồng và lỗ nhẹ. Hoạt động bán bất động sản mà VHG đã có từ trước lãi 21 tỷ đồng. Mặc dù vậy, việc bán vốn cổ phần tại công ty con là Công ty cổ phần Thủy sản Viễn Đông bị lỗ 24,4 tỷ đồng, góp phần mang lại khoản lỗ 32,5 tỷ đồng cho Công ty năm 2016.
Quý I/2017, tình hình kinh doanh của VHG tiếp tục đi xuống, doanh thu chỉ đạt 16 tỷ đồng, với sự góp mặt của 2 sản phẩm được bán là sắn (15 tỷ đồng) và đá cẩm thạch.
Chuyển nhượng cổ phần sở hữu, lãi vay, trích lập dự phòng vào công ty con là Công ty cổ phần Khoáng sản Quảng Nam (25 tỷ đồng) cùng trích lập dự phòng khoản đầu tư vào Công ty TNHH Hoài Mỹ 25 tỷ đồng do công ty này ngừng hoạt động, VHG phải ghi nhận khoản lỗ lên tới 67,75 tỷ đồng.
Có thể thấy, hoạt động kinh doanh của VHG lâu nay không đến từ khối tài sản khổng lồ mà Công ty đang sở hữu. Câu hỏi đặt ra là, tình trạng lỗ này của VHG liệu có thể chấm dứt?
Nỗi lo thua lỗ chồng chất
Thuyết minh chi tiết báo cáo tài chính của VHG những năm qua cho thấy, VHG khá “lận đận” trong việc lựa chọn đầu tư.
Lĩnh vực chiếm nhiều vốn nhất của Công ty là khoáng sản, thì từ năm 2009 đến nay, đặc biệt giai đoạn từ năm 2014 trở đi, ngành này ở trong trạng thái lao dốc. VHG đã từng bước thanh lý các khoản đầu tư lĩnh vực này, nhưng với hàng loạt khoản đầu tư vào công ty liên kết, chưa rõ các khoản này nếu thoái đi, Công ty sẽ thu được bao nhiêu tiền? Khoản trích lập dự phòng trong quý I/2017 đến từ việc công ty khoáng sản dừng hoạt động.
Với lĩnh vực trồng cây cao su, trong các năm qua, VHG cũng gặp khó khăn bởi giá bán mủ cao su xuống thấp. Thời gian gần đây, mủ cao su tự nhiên tăng giá trở lại, nhưng việc không có doanh thu từ mảng này cho thấy, VHG dường như không tận dụng được đà tăng giá.
Còn mảng bất động sản, đây vẫn là một lĩnh vực khó đưa ra dự báo, do thiếu thông tin. Trước đó, mảng thủy sản của VHG phải thanh lý lỗ do ảnh hưởng từ Formosa.
Hơn 2 năm liền, doanh thu không đến từ hoạt động kinh doanh chính, tồn kho không còn và con số lỗ ngày một tăng, trong khi tài sản ở dạng “chết”… có thể khiến hiệu quả kinh doanh của VHG tiếp tục lao dốc. Do đó, mức giá 2.400 đồng của cổ phiếu VHG nhiều khả năng vẫn đắt, nếu Công ty không tìm ra cách vận động các tài sản đang có thành tiền.