Nếu trong phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 2/6, cổ phiếu VCB khá “đủng đỉnh” trước sự dậy sóng của dòng bank khi hầu hết đều đua nhau tăng mạnh về giá cùng thanh khoản sôi động, thì trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 5/6, “anh cả” vẫn một mình một lối đi với diễn biến khá tích cực.
Cụ thể, sau nhịp giao dịch khởi sắc đầu phiên, nhiều mã ngân hàng trở nên đuối sức như VPB, CTG, STB…, thậm chí đảo chiều giảm điểm như EIB, OCB, MSB, thì VCB đã làm tốt vai trò gánh vác thị trường, giúp VN-Index giữ được mốc 1.100 điểm khi tạm dừng phiên giao dịch sáng.
Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán gia tăng khiến thị trường trở nên phân hóa. Trên bảng điện tử, số mã tăng và giảm khá cân bằng nhau, tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ khá tốt từ các mã lớn, trong đó đóng góp chính là VCB, đã giúp VN-Index có thêm phiên tăng điểm với thanh khoản khá sôi động, chỉ thua phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 2/6 tính trong 6 tháng đầu năm 2023.
Mặc dù VCB đã không giữ được đỉnh cao nhất trong ngày nhưng với mức tăng khá tốt là 3,3%, cổ phiếu này đã đóng cửa tại mức giá cao nhất kể từ cuối năm 2021 đến nay và nếu tính theo giá đã điều chỉnh do Ngân hàng thực hiện các quyền chia cổ tức, cổ phiếu thưởng… thì đây là thị giá cao kỷ lục nhất kể từ thời điểm VCB chào sàn vào giữa tháng 6/2009.
Đồng thời, thanh khoản của VCB cũng sôi động với xấp xỉ 1,3 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp 2,6 lần so với khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên giao dịch gần đây là khoảng 0,5 triệu đơn vị/phiên.
Ngoài VCB, một số mã lớn khác cũng đóng cửa trong đà tăng khá tốt như MSN, GAS và PLX kết phiên tăng hơn 2%, đã góp phần giúp thị trường bảo toàn sắc xanh.
Chốt phiên, sàn HOSE có 201 mã tăng và 199 mã giảm, VN-Index tăng 6,98 điểm (+0,64%), lên 1.097,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 948,36 triệu đơn vị, giá trị 17.560,59 tỷ đồng, giảm 8,55% về khối lượng và 4,3% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 2/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 54,39 triệu đơn vị, giá trị 1.244,7 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng với sự dẫn dắt của mã lớn VCB đã may mắn giữ được đà tăng nhẹ dù sắc đỏ đã chiếm ưu thế với sự góp mặt của TCB, VPB, STB, ACB, MSB, TPB, EIB, OCB.
Mặt khác, một số mã bank khác vẫn giữ được diễn biến khởi sắc, điển hình là SHB đóng cửa sát mức giá cao nhất trong ngày 12.350 đồng/CP, tăng 2,5% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 44,91 triệu đơn vị; hay LPB tăng 2% và đóng cửa tại vùng đỉnh của ngày 15.300 đồng với khối lượng khớp lệnh hơn 16,4 triệu đơn vị. Ngoài ra, MBB, CTG và VIB đóng cửa tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Nhóm cổ phiếu thép cũng thu hẹp biên độ tăng với HPG chỉ còn tăng nhẹ 0,2%, trong khi HSG và NKG tăng hơn 2%. Thanh khoản của HSG, HPG và NKG lần lượt đạt 24,92 triệu đơn vị, hơn 20 triệu đơn vị và 13,97 triệu đơn vị.
Trái lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục giật lùi khi chỉ còn TVS tăng 2,76%, còn lại đều lùi về mốc tham chiếu như VIX, SSI và AGR, trong khi hầu hết đều nới rộng đà giảm như BSI giảm 3,1%, CTS giảm 3,61%, FTS giảm 3,52%, HCM giảm hơn 2%, VCI giảm 1,86%, VND giảm 1,37%...
Nhóm bất động sản cũng có phần tiêu cực hơn với sắc đỏ chiếm áp đảo như DIG, KBC, NVL, DXG, CII… đều giảm hơn 2%, tuy nhiên cặp đôi lớn VHM và VIC may mắn tăng nhẹ.
Trên sàn HNX, thị trường tiếp tục thu hẹp biên độ do nhóm bluechip quay đầu.
Chốt phiên, sàn HNX có 97 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index tăng nhẹ 0,53 điểm (+0,24%), lên 226,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 107,23 triệu đơn vị, giá trị 1.628,26 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,46 triệu đơn vị, giá trị 66,66 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có phần kém tích cực khi giảm 1,4% với việc ghi nhận 16 mã giảm và 11 mã tăng. Trong đó, các mã tăng tốt là TVD tăng 8%, DXP tăng 6,6%, LAS tăng 3,7%, NBC tăng 3,1%, TNG tăng 3%, TDN tăng 1,8%, còn lại các mã chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Trái lại, VIG giảm mạnh nhất 3,7%, DDG giảm 3,3%, BVS giảm 3,2%, BCC giảm 2,2%..., đáng kể như IDC giảm 1,7% xuống mức thấp nhất ngày 41.300 đồng/CP
Xét về nhóm ngành, dòng chứng khoán trên HNX cũng trong xu hướng chung với SHS lui về mốc tham chiếu 12.000 đồng/CP dù thanh khoản vẫn vượt trội với 20,14 triệu đơn vị khớp lệnh; MBS và APS đều quay đầu giảm…
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng quay đầu với CEO giảm 1,1%, IDC giảm 1,7%, TIG giảm 1,8%, NDN giảm 6,3%...
Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng NVB vẫn giữ vững mức giá trần 16.300 đồng/CP và thanh khoản tiếp tục sôi động hơn với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 0,93 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường rung lắc liên tục nhưng may mắn đã hồi phục sắc xanh về cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,17%), lên 84,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 68,88 triệu đơn vị, giá trị 828,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 05 triệu đơn vị, giá trị 7,42 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR tiếp tục giữ vững vị trí vua thanh khoản trên UPCoM với 14,98 triệu đơn vị giao dịch thành công, kết phiên tăng 2,9% lên mức 17.600 đồng/CP.
Thành viên khác nhóm dầu khí là OIL cũng giữ sắc xanh khi đóng cửa tăng 1% lên mức 10.500 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh gần 2,3 triệu đơn vị.
Ở nhóm ngân hàng, giao dịch đã trở nên phân hóa với ABB tăng 11%, BVB tăng 0,9%, KLB tăng 5,8%; trong khi VAB giảm 1,2%, NAB giảm 0,8%...
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2306 tăng 8,4 điểm, tương đương +0,8% lên 1.087,2 điểm, khớp lệnh có gần 150.710 đơn vị, khối lượng mở gần 46.990 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó CMWG2215 dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp hơn 3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,9% lên 530 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2306 khớp 1,19 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 1,7% xuống 1.140 đồng/cq; CMBB2211 khớp hơn 1 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 12,5% lên 90 đồng/cq.